- Xuất bản: 29/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Tổng hợp những thông tin đáng chú ý về bệnh ung thư gan - Ảnh BookingCare
Ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trong các bệnh ung thư và đứng hàng thứ 3 ở nam giới. Tỉ lệ tử vong do ung thư gan chiếm 53% các ca tử vong trên toàn cầu. Nhìn chung bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Có 2 bệnh lý ác tính tại gan là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Khoảng 70% các trường hợp ung thư gan nguyên phát xảy ra trên nền xơ gan. Nguyên nhân có thể là do ăn nhiều thực phẩm nhiễm nấm mốc, nghiện rượu hoặc nhiễm virut gây bệnh viêm gan B, viêm gan C.
Phân loại bệnh ung thư gan
Ung thư gan là sự phát triển và lan rộng nhanh chóng của những tế bào biến đổi bất thường trong gan. Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, giúp lọc bỏ độc chất trong máu khỏi cơ thể. Ngoài ra, gan cũng đóng vai trò trong tiêu hóa thức ăn và dự trữ năng lượng. Khi những tế bào đó bị ung thư hóa, gan không thể thực hiện chức năng thích hợp, dẫn tới các tác động có hại và nghiêm trọng.
Để thuận tiện cho việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh, ung thư gan được chia thành ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát.
Ung thư gan nguyên phát là ung thư diễn ra ngay tại tế bào gan hoặc tế bào đường mật trong gan và ngoài gan. Trong đó có ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là hay gặp nhất. Bên cạnh đó còn có ung thư biểu mô đường mật, ung thư gan nguyên bào, ung thư mạch máu sarcoma gan…
Ung thư gan thứ phát là ung thư xuất phát từ một cơ quan nào đó di căn tới gan thường là từ đường tiêu hóa theo đường tĩnh mạch cửa (hay gặp là đại tràng và trực tràng di căn tới gan) do đó u đại thể ở gan mang bản chất của cơ quan nguyên phát ban đầu.
Bài viết sẽ chia sẻ kiến thức chung về ung thư gan nguyên phát, cụ thể là HCC.
Các triệu chứng nghi ngờ của bệnh ung thư gan
Các triệu chứng của bệnh ung thư gan thường khá mơ hồ, kín đáo ở giai đoạn sớm. Đến khi có dấu hiệu rõ rệt thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, do đó điều trị đặc hiệu khó lành.
Đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải ỉ, sau đau càng ngày tăng, các thuốc giảm đau thông thường không có hiệu quả. Đau lan vai phải.
Mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân với tốc độ nhanh (4-5kg trong 1 tháng).
Các dấu hiệu của suy gan: Báng bụng, vàng da, ngứa, phù toàn thân, buồn nôn, tiêu chảy phân nước, đi ngoài nhiều lần (3-4 lần/ngày), đầy bụng khó tiêu, dễ bầm tím, rụng tóc.
Có thể sốt nhẹ hoặc cao, kéo dài vài ba ngày đến hàng tháng.
Rất nhiều trường hợp bệnh nhân vào viện với triệu chứng đau hạ sườn phải. Thăm khám thấy gan lớn, sờ thấy khối u lổn nhổn, cứng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, lúc này u đã phát triển và xâm lấn.
Xơ gan: Khoảng 70% các trường hợp ung thư gan nguyên phát xảy ra trên nền xơ gan do bất kì nguyên nhân nào.
Viêm gan B, viêm gan C: virut gây bệnh viêm gan B và C là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh ung thư gan. VN là vùng dịch tễ của VGB, VGC do đó mà tỉ lệ mắc bệnh ung thư khá cao.
Hóa chất Aflatoxin B1: Đây là hóa chất sinh ung thư có trong một số loại thực phẩm như bắp và đậu phộng. Các thử nghiệm trên động vật cho thấy hóa chất AFB1 gây ra ung thư.
Rượu: Ở Ý, rượu là yếu tố nguy cơ hàng đầu có thể gây ra ung thư gan với tỉ lệ 45%.
Di truyền: Nếu trong cơ thể có gen sinh ung thư thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn so với người không có gen.
Xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan
Để khẳng định một người có bị ung thư gan hay không thì cần phải có kết quả của giải phẫu bệnh. Ngoài ra, còn có các phương tiện cận lâm sàng khác giúp chẩn đoán bệnh.
AFP: glycoprotein – chất chỉ điểm duy nhất trong ung thư có thể dùng để chẩn đoán. Chỉ số này còn dùng theo dõi điều trị, đánh giá tái phát, tiến triển, di căn.
Siêu âm: là phương pháp không xâm lấn thường dùng và có thể phát hiện được tổn thương nhỏ 1cm. Khi có u gan thì bắt buộc làm MRI hoặc CT scan gan vì tiêu chuẩn chẩn đoán dựa vào MRI/CT. Kết quả cho điển hình của 1 HCC.
Xét nghiệm chức năng gan, SVVG B và SVVG C thực sự cần thiết cho cả việc chẩn đoán và điều trị.
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ hay sinh thiết gan: Trong ung thư chẩn đoán xác định cần có mô bệnh học. Có thể chọc sinh thiết lõi hoặc nội soi ổ bụng bấm sinh thiết, nhưng gan là 1 tạng rất dễ chảy máu nên thường khó thực hiện và nhiều nguy cơ.
Bệnh ung thư gan thường được phát hiện tình cờ trên siêu âm với 1 hay nhiều u gan hoặc phát hiện khi chủ động sàng lọc bệnh nhân nguy cơ cao (bệnh gan mạn tính, xơ gan) bằng AFP và siêu âm 6 tháng/ lần.
Điều trị ung thư gan
Điều trị ung thư gan bao gồm điều trị tại gan kèm theo điều trị nguyên nhân và yếu tố nguy cơ để bệnh không bị tái phát.
Điều trị triệu chứng của ung thư gan
Liệu pháp TACE (nút hóa chất động mạch) được dùng phổ biến đối với ung thư gan không thể cắt bỏ. U tăng sinh và được nuôi dưỡng bởi động mạch, do đó khi cắt đứt nguồn cung cấp máu thì u sẽ hoại tử.
Điều trị đường toàn thân (hóa chất, độc tế bào, trúng đích, miễn dịch)
Điều trị nguyên nhân: Nếu ung thư gan do viêm gan thì cần dùng thuốc kháng virus VGB sẽ làm chậm tiến triển tổn thương gan.
Điều trị triệt để bệnh ung thư gan
Phẫu thuật cắt gan: cắt một phần nhu mô gan, cắt gan phải hoặc gan trái, cắt u, cắt hạ phân thùy.
Ghép gan: ghép gan được chỉ định tuân theo tiêu chuẩn Milan kèm theo điều kiện: người bệnh có thể trạng tốt, không di căn xa, không có huyết khối. Nhưng chi phí thường cao và cần chờ gan hiến tạng.
RFA: đốt sóng cao tần điều trị ung thư gan trong trường hợp bệnh nhân không phẫu thuật được như tăng huyết áp, đái tháo đường, thể trạng kém, tổn thương u còn nhỏ.
Tiêm cồn xuyên da (PEI): tiêm cồn vào u nhỏ có kích thước <3cm và không có nhiều hơn 3 khối u trong gan.
Dự phòng ung thư gan
Ung thư gan là bệnh có tỷ lệ tử vong cao do bệnh phát hiện muộn và khó điều trị. Do đó, điều quan trọng là cần phải dự phòng bệnh, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bằng cách:
Tiêm phòng vacxin VGB cho trẻ em và người lớn.
Điều trị triệt để VGB, VGC mạn tính.
Không uống rượu, ăn thức ăn nấm mốc.
Tầm soát phát hiện sớm bằng cách đi siêu âm bụng và xét nghiệm AFP mỗi 6 tháng. Nếu bác sĩ phát hiện có tổn thương > 1cm thì bạn sẽ được chỉ định chụp CT để phát hiện ung thư.
Ung thư gan là bệnh chiếm tỷ lệ lớn nhất của ung thư hơn nữa lại rất khó phát hiện bởi dấu hiệu ban đầu nghèo nàn. Do đó, nếu có các yếu tố nguy cơ kể trên, bạn nên đến cơ sở y tế để thực hiện tầm soát và sàng lọc ung thư sớm nhất.