Làm thế nào để điều trị viêm ống dẫn trứng?

Tác giả: - Xuất bản: 30/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Viêm ống dẫn trứng có thể điều trị ngoại trú theo đơn bác sĩ
Viêm ống dẫn trứng có thể điều trị ngoại trú theo đơn bác sĩ - Ảnh: Istock
Viêm ống dẫn trứng là bệnh viêm nhiễm phụ khoa hay gặp. Nếu không được điều trị sớm có thể gây biến chứng vô sinh, thậm chí gây nhiễm trùng nhiễm độc cơ thể ảnh hưởng tính mạng của người bệnh.

Viêm ống dẫn trứng do nhiều loại vi khuẩn gây nên thường khó điều trị. Ngoài việc sử dụng kháng sinh để tấn công vào vi khuẩn gây bệnh còn phải điều trị những biến chứng do viêm ống dẫn trứng gây ra. Điều trị viêm ống dẫn trứng chủ yếu là nội khoa, một số trường hợp phải can thiệp ngoại khoa để giải quyết khối viêm 

Nguyên tắc điều trị viêm ống dẫn trứng 

  • Sử dụng kháng sinh theo đúng phác đồ, đủ thời gian. 
  • Điều trị phối hợp cả bạn tình: do bệnh lây qua đường tình dục, nên để đảm bảo sau điều trị không bị tái phát thì bạn tình cũng phải được khám và điều trị. 
  • Can thiệp ngoại khoa nếu điều trị nội khoa thất bại.

Điều trị viêm ống dẫn trứng 

  • Viêm cấp do Chlamydia và lậu cầu 
    • Thường sử dụng kháng sinh quinolon (levofloxacin hoặc ofloxacin) hoặc nhóm Cephalosporin thế hệ III (Ceftriaxon, Cefotaxim, Cefpodoxim) kết hợp với nhóm thuộc nhóm Tetracyclin (Doxycyclin). 
    • Thời gian điều trị thường kéo dài 14 ngày. 
    • Chú ý, chị em phụ nữ không được tự ý điều trị, đơn thuốc cần được kê, và theo dõi sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa. Bệnh thường điều trị ngoại trú tại nhà, nhưng nếu sau 24-48 giờ không cải thiện, phải nhập viện để điều trị ngay.
  •  Áp xe ống dẫn trứng, viêm phúc mạc đáy chậu 
    • Sau khi sử dụng kháng sinh toàn thân, nếu không đáp ứng  có thể điều trị bằng phẫu thuật nội soi giải phóng các sợi dính, chọc dò túi mủ, rửa ổ áp xe.
    • Một vài chuyên gia khuyên nên dùng kháng sinh mạnh trước để khu trú tổn thương, sau đó mới can thiệp ngoại khoa.
  • Viêm phúc mạc toàn thể: 
    • Trường hợp này cần can thiệp ngoại khoa sớm do nhiễm trùng đã lan ra khỏi hố chậu. Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở với mục đích cắt hoặc mở thông khối viêm làm sạch và dẫn lưu ổ bụng. Lấy bệnh phải xét nghiệm vi khuẩn. 
    • Ngoài ra cần điều trị nội khoa: Bồi phụ nước và điện giải, kháng sinh trước và sau phẫu thuật. 

Dự phòng viêm ống dẫn trứng như thế nào 

  • Khám định kỳ phụ khoa để phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt nhóm nguy cơ hoặc những người phải làm việc trong môi trường nước bẩn. 
  • Phát hiện sớm, điều trị tích cực viêm nhiễm đường sinh dục dưới ngay khi mới nhiễm tránh để lâu thành mạn tính. 
  • Điều trị viêm niệu đạo ở cả nam và nữ nếu phát hiện. 
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với những người nguy cơ lây nhiễm bệnh. 
  • Tôn trọng nguyên tắc vô khuẩn khi làm các thủ thuật sản phụ khoa như trong khám, sinh đẻ,... 

Viêm ống dẫn trứng điều trị đạt kết quả cao nhất khi được phát hiện và điều trị sớm. Bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời.