- Xuất bản: 30/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Viêm ống dẫn trứng cần phải được phát hiện sớm - Ảnh BookingCare
Sức khỏe sinh sản - phụ khoa là mối quan tâm hàng đầu của chị em phụ nữ ngày nay. Viêm ống dẫn trứng là bệnh viêm nhiễm phụ khoa hay gặp. Hiểu biết về bệnh để chị em phụ nữ biết cách bảo vệ tốt cho sức khỏe của mình.
Viêm nhiễm phụ khoa gây khiến chị em phụ nữ khó chịu, mất tự tin trong cuộc sống, công việc. Trong đó, viêm ống dẫn trứng không đơn giản là viêm nhiễm đơn thuần, nó có thể lại biến chứng vô cùng nguy hiểm, thẩm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ. Theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu rõ về bệnh.
Viêm ống dẫn trứng là gì?
Ống dẫn trứng là một ống rỗng, nối tử cung với buồng trứng hai bên. Mỗi người phụ nữ có hai ống dẫn trứng, bên trong có nhiều nhung mao, có tác dụng vn chuyển trứng và tinh trùng.
Viêm ống dẫn trứng phần lớn đều do nhiễm vi khuẩn, bao gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia, có liên quan mật thiết với quan hệ tình dục, nhất là trong những trường hợp có nhiều bạn tình, ý thức vệ sinh tình dục còn kém, tạo điều kiện thuận lợi cho viêm nhiễm phát triển.
Như vậy có nghĩa, con đường dẫn đến viêm ống dẫn trứng thường xuất phát từ đường sinh dục thấp, từ âm đạo, qua tử cung, đến vòi trứng. Ngoài ra, nó còn là hậu quả của các biến chứng trong quá trình sinh đẻ như nạo sót rau, bóc rau sau đẻ, đặt dụng cụ tử cung không đảm bảo vô khuẩn và đặc biệt hay gặp nhất là trong các trường hợp phá thai không an toàn.
Nguyên nhân gây viêm ống dẫn trứng
Các nguyên nhân phổ biến gây ra viêm ống dẫn trứng như sau:
Lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae): Chiếm 20 - 40% viêm nhiễm ống dẫn trứng, xét nghiệm trực tiếp sẽ phát hiện hình ảnh song cầu hình hạt cà phê.
Chlamydia trachomatis: Chiếm 40 - 50% của viêm nhiễm ống dẫn trứng, khó phát hiện khi xét nghiệm trực tiếp. Miễn dịch huỳnh quang là biện pháp tốt để phát hiện.
Mycoplasmas hominis
Các loại vi khuẩn khác có thể gặp trong một số điều kiện như: nhóm ái khí (Colibacille, lactobacilli, proteus, staphylocoque), nhóm yếm khí (Bacteroides, fragilis, clostridium)
Trong thực tế, phần lớn các trường hợp viêm ống dẫn trứng đều do phối hợp nhiều loại vi khuẩn với nhau (bao gồm cả nhóm vi khuẩn ái khí và yếm khí) nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Triệu chứng của viêm ống dẫn trứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm ống dẫn trứng có thể nhẹ và khó nhận biết, cũng có thể diễn biến nhanh, điển hình. Viêm ống dẫn trứng có thể chia thành 3 mức độ:
Cấp tính
Bán cấp
Mạn tính
Các triệu chứng của viêm ống dẫn trứng bao gồm:
Đau vùng bụng dưới: mức độ đau từ nhẹ đến nặng
Dịch tiết âm đạo bất thường, nhiều có thể có mùi khó chịu.
Chảy máu bất thường ở âm đạo, đặc biệt là trong hoặc sau khi quan hệ tình dục hoặc giữa các kỳ kinh. Thậm chí xuất hiện mủ trắng, mủ vàng trong dịch tiết.
Đau khi quan hệ tình dục
Sốt cao, đôi khi kèm theo ớn lạnh
Đi tiểu đau, mót rặn thường xuyên.
Viêm ống dẫn trứng một bên, phù nề tăng kích thước - Ảnh: Istock
Biến chứng của viêm ống dẫn trứng
Viêm ống dẫn trứng nếu được điều trị sớm, đúng cách, bệnh sẽ diễn biến tốt với biểu hiện sỡ sốt, đỡ đau bụng. Nhưng viêm ống dẫn trứng rất dễ dẫn đến biến chứng viêm những các cấu trúc phụ khoa lân cận như: buồng trứng, tử cung hay các cơ quan khác trong ổ bụng như: phúc mạc.
Viêm phúc mạc đáy chậu: Đây là một hậu quả khi viêm phần phụ không được điều trị đúng cách, cũng có khi trở thành một cấp cứu bụng đôi khi nhiễm trùng nặng. Viêm phúc mạc khu trú đáy chậu vì các tạng lân cận che phủ làm hạn chế sự lan rộng của nhiễm trùng. Khí khám xét vùng bụng dưới thấy có phản ứng khu trú, phần bụng trên thì mềm, âm đạo - trực tràng rất đau, có khối dính.
Áp xe vòi - buồng trứng: Áp xe là khối mủ tụ lại. Các ổ áp xe hình thành từ viêm ống dẫn trứng mà không phát hiện được hoặc điều trị không tốt. Áp xe vòi trứng hay gặp hơn áp xe buồng trứng.
Viêm phúc mạc toàn thể: Nhiễm trùng lan ra khỏi hố chậu gây viêm phúc mạc toàn thể, người bệnh có thể sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc toàn cơ thể.
Thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung có thể xảy ra khi bệnh viêm ống dẫn trứng không được điều trị đã khiến mô sẹo phát triển trong ống dẫn trứng. Mô sẹo ngăn cản trứng đã thụ tinh đi qua ống dẫn trứng để làm tổ trong tử cung. Thay vào đó, trứng sẽ phát triển ở ống dẫn trứng. Mang thai ngoài tử cung có thể gây vỡ vòi, chảy máu ồ ạt, đe dọa tính mạng người bệnh.
Vô sinh: Vòi trứng bị viêm dính dẫn đến hẹp, tắc ngăn cản tinh trùng gặp trứng gây vô sinh Nếu mắc bệnh viêm ống dẫn trứng càng nhiều lần thì nguy cơ vô sinh càng cao. Trì hoãn điều trị bệnh viêm ống dẫn trứng cũng làm tăng đáng kể nguy cơ vô sinh.
Viêm ống dẫn trứng có thể dẫn đến vô sinh - Ảnh: Istock
Chẩn đoán viêm ống dẫn trứng
Nghi ngờ viêm ống dẫn trứng được đặt ra khi người phụ nữ vào viện với các triệu chứng kể trên. Bác sĩ cần khai thác kỹ tiền sử, bệnh sử, và thăm khám lâm sàng cẩn thận. Bạn cần cung cấp những thông tin chính xác qua một số câu hỏi để định hướng chẩn đoán bệnh đúng như:
Vị trí đau ở đâu?
Tình trạng đã kéo dài bao lâu?
Có chảy máu âm đạo không?
Có khi hư, chảy máu, chảy mủ âm đạo không?
Kinh nguyệt có đều không?
Để củng cố chẩn đoán, bác sĩ cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh như:
Siêu âm tử cung vòi trứng qua đường âm đạo: Siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp đưa đầu dò qua âm đạo, tiếp cận gần nhất với tử cung, vòi trứng, buồng trứng. Quan sát được cấu trúc phụ khoa thấy hình ảnh viêm tấy, dày dính, tăng kích thước, ứ dịch trong vòi trứng, hoặc hình ảnh khối áp xe, biến chứng của viêm ống dẫn trứng.
Xét nghiệm tìm vi khuẩn trong dịch âm đạo: Lấy dịch âm đạo làm xét nghiệm tìm vi khuẩn. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng tìm được. Vì vậy, để nâng cao khả năng tìm kiếm được loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ có thể tìm vi khuẩn trong cả nước tiểu của người phụ nữ.
Điều trị viêm ống dẫn trứng
Viêm nhiễm vòi trứng do nhiều loại vi khuẩn nên khó điều trị. Phương pháp điều trị chủ yếu là nội khoa với biện pháp sử dụng thuốc kháng sinh theo phác đồ.
Ngoài ra, khi viêm ống dẫn trứng có biến chứng áp xe hay viêm phúc mạc, việc điều trị bằng kháng sinh đơn thuần không giải quyết được triệt để ổ nhiễm trùng, có thể điều trị bằng phẫu thuật nội soi giải phóng các sợi viêm dày dính, chọc dò túi mủ, rửa ổ áp xe, cần thiết có thể dẫn lưu khối áp xe ra ngoài.
Bài viết trên đã mang đến cho bạn sơ bộ kiến thức cần biết về viêm ống dẫn trứng. Nâng cao tinh thần phòng và phát hiện sớm bệnh, các chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ nên đi kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ hằng năm.