Chửa ngoài tử cung là một cấp cứu của Sản phụ khoa, khi vỡ có thể gây ngập máu ổ bụng, nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Chị em phụ nữ, đặc biệt là những ai đang trong độ tuổi sinh đẻ cần trang bị những kiến thức cần thiết sau đây về chửa ngoài tử cung.
Chửa ngoài tử cung là gì?
Chửa ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung. Có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi tử cung, buồng trứng, tại ống cổ tử cung hoặc tại các vị trí khác nhau trong ổ bụng, thậm chí ngoài ổ phúc mạc.
Chửa ngoài tử cung có thể gặp ở phụ nữ từ tuổi dậy thì đến tuổi mãn kinh nhưng đặc biệt hay gặp ở những người lấy chồng nhiều năm chưa sinh đẻ, người đã điều trị viêm nhiễm đường sinh dục và những người đã từng bị chửa ngoài tử cung trước đó.
Nguyên nhân dẫn tới chửa ngoài tử cung
Nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung rất phức tạp, thường là do:
- Viêm vòi trứng.
- Hẹp vòi trứng sau tạo hình vòi trứng.
- Khối u trong lòng vòi trứng hoặc ở ngoài vòi trứng đè ép làm hẹp lòng vòi trứng.
- Vòi trứng bị co thắt và có những nhu động bất thường.
- Các mô sẹo từ một vết nhiễm trùng trước đó hoặc từ một cuộc phẫu thuật trên ống dẫn trứng cản trở sự di chuyển của trứng.
- Những cuộc phẫu thuật trước đây ở vùng chậu hoặc trên các ống dẫn trứng có thể gây bám dính.
- Sự phát triển bất thường hoặc dị tật bẩm sinh có thể gây ra bất thường trong hình dạng của ống dẫn trứng.
Triệu chứng nhận biết chửa ngoài tử cung
Ban đầu, mang thai ngoài tử cung có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào. Nếu đang gặp những triệu chứng dưới đây, bạn phải đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị sớm:
Chửa ngoài tử cung chưa vỡ:
- Chậm kinh, có thai khi thử nước tiểu ( thử que thử thai lên hai vạch)
- Đau bụng âm ỉ, có khi thành cơn ở vùng hạ vị
- Rỉ máu kéo dài sau khi chậm kinh vài ngày, màu nâu đen, socola, có khi lẫn màng
Chửa ngoài tử cung đã vỡ:
- Buồn nôn, ói mửa
- Đau thắt bụng, đau đột ngột, dữ dội
- Người xanh xao, yếu ớt, mệt mỏi
- Đau nửa người
- Cảm thấy choáng váng, ngất xỉu, sốc
- Đau thắt ở vùng dưới bụng, vai, cổ hoặc trực tràng
- Chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt
Chẩn đoán chửa ngoài tử cung
Lâm sàng
Cơ năng:
Chậm kinh
- Ra máu âm đạo ít một, sẫm màu, ra liên tục dai dẳng.
- Đau bụng, thường đau ở vị trí chỗ chửa. Đôi khi đau bụng kèm theo mót rặn khi trực tràng bị kích thích
Toàn thân
- Có thể choáng ngất do đau, vỡ khối chửa
- Có dấu hiệu thiếu máu mãn tính, da hơi ánh vàng nhạt trong thể huyết tụ thành nang
Thực thể
- Khám bụng: có điểm đau, phản ứng thành bụng trong trường hợp có máu trong ổ bụng.
- Khám mỏ vịt: dấu hiệu có thai như cổ tử cung tím khó phát hiện, âm đạo có máu từ lỗ cổ tử cung ra, số lượng ít, máu sẫm màu giống như bã cafe
- Thăm âm đạo kết hợp sờ nắn trên bụng thấy: Cổ tử cung, thân tử cung mềm; tử cung hơi to nhưng không tương xứng với tuổi thai; cạnh tử cung có thể sờ thấy một khối mềm, ranh giới không rõ, ấn rất đau.
Cận lâm sàng
- Phản ứng chẩn đoán có thai: xét nghiệm HCG/ nước tiểu dương tính hoặc βHCG/máu > 5UI/ml
- Siêu âm không quan sát thấy túi thai trong buồng tử cung, bên ngoài phần phụ ở một trong hai bên có thấy khối hỗn hợp âm hoặc khối chửa bên trong có túi noãn hoàng, phôi thai, tim thai.
- Một số thăm dò khác:
- Nạo buồng tử cung (Chỉ làm ở những trường hợp nghi ngờ mà lại không muốn giữ thai)
- Chọc dò túi cùng sau âm đạo có máu không đông
- Soi ổ bụng giúp chẩn đoán sớm và điều trị.
Các thể lâm sàng
Thể chửa ngoài tử cung chưa vỡ
- Toàn trạng bình thường, không mất máu.
- Thăm trong có thể nắn thấy khối cạnh tử cung, khu trú rõ và đau, các túi cùng thường không đầy, không đau.
- Siêu âm không có máu trong ổ bụng.
Thể lụt máu ổ bụng
- Đau và choáng nặng do chảy máu trong, xuất hiện đột ngột.
- Bụng chướng, ấn đau khắp bụng.
- Siêu âm dịch nhiều trong ổ bụng.
Thể giả sảy: Khi có biến đổi nội tiết toàn bộ nội mạc tử cung bong ra và bị tống ra ngoài làm dễ nhầm với sảy thai, bỏ sót chửa ngoài tử cung.
Thể huyết tụ thành nang
- Máu chảy ít một, đọng lại. Sau đó ruột, các tạng và mạc nối phản ứng, bọc lại thành khối huyết tụ.
- Chẩn đoán thường khó vì triệu chứng không điển hình.
- Toàn thân có tình trạng thiếu máu, chọc dò hút ra máu đen lẫn cặn.
Chửa ở buồng trứng
- Thường chỉ chẩn đoán được sau khi đã mở bụng hay nội soi thấy túi thai nằm ở buồng trứng. Đặc điểm của chửa buồng trứng là:
- Túi ối nằm trên vùng buồng trứng
- Khối chửa liên tục với tử cung bởi dây chằng tử cung - buồng trứng
Chửa trong ổ bụng
- Thai nằm ngoài hoàn toàn tử cung, thường phát triển khá lớn, thậm chí có thể sờ nắn thấy thai ở ngay dưới da bụng.
- Vị trí chửa có thể ở bất kỳ vị trí nào trong ổ bụng, thường là ở vùng hạ vị nhưng cũng có thể gặp ở vùng gan, vùng lách, thậm chí ở sau phúc mạc
Chửa ống cổ tử cung
- Đây là trường hợp hiếm gặp, thai làm tổ ở phía dưới lỗ trong cổ tử cung
- Triệu chứng không đặc hiệu, khám thấy cổ tử cung phình ra một cách bất thường.
- Hậu quả: thai chết lưu hoặc sẩy thai, nạo không cầm được máu mà thường phải tiến hành cắt tử cung.
Chửa sẹo mổ cũ tử cung
- Túi thai làm tổ ở vị trí sẹo mổ lấy thai cũ của tử cung.
- Hay gặp ở những trường hợp có tiền sử mổ lấy thai trước đó.
Ai dễ bị chửa ngoài tử cung
Phụ nữ có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung trong các trường hợp sau:
- 30 tuổi trở lên
- Có tiền sử bệnh viêm vùng chậu, viêm vòi tử cung, các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Đã từng phẫu thuật vùng bụng, ống dẫn trứng hoặc phẫu thuật vùng chậu
- Mắc phải các vấn đề bẩm sinh về ống dẫn trứng
- Nghiện hút thuốc lá
- Đặt vòng tránh thai
- Từng bị mang thai ngoài tử cung
- Đã có một trứng thụ tinh đặt trong ống dẫn trứng trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn.
Điều trị chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là cấp cứu sản khoa, cần được chẩn đoán sớm và điều trị sớm. Đã chửa ngoài tử cung thì chỉ có cách gần như duy nhất là mổ. Đặc biệt là khi chửa ngoài tử cung đã bị vỡ, nếu không được mổ sớm người bệnh rất dễ tử vong do choáng mất máu.
Hiện nay trong điều kiện nếu được phát hiện sớm và ở các cơ sở y tế có điều kiện, bác sĩ có thể điều trị nội khoa, dùng thuốc làm khối thai ngoài tử cung bị hư không phát triển được nữa.
Tuy nhiên cách điều trị này chỉ có thể thực hiện được ở các cơ sở chuyên môn cao, chuyên về khám chữa Sản phụ khoa, bác sĩ có kinh nghiệm và phương tiện, thuốc men đầy đủ cũng như kích thước khối chửa bé, lượng beta-hCG thấp. .
Cách phòng tránh chửa ngoài cổ tử cung
Chửa ngoài cổ tử cung khá nguy hiểm nên cách tốt nhất là chị em cần chủ động phòng tránh bằng cách:
- Giữ vệ sinh tốt, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt, sau khi hay đang trong thời kỳ cho con bú
- Hạn chế nạo phá thai
- Phòng ngừa viêm nhiễm sinh dục do các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Chống viêm nhiễm sau khi sinh cũng như sau khi sảy thai
Đặc biệt với những sản phụ đã điều trị chửa ngoài tử cung và muốn có thai trở lại, thời gian cần thiết để các chức năng sinh sản ổn định trở lại khoảng 3-6 tháng, đặc biệt với những trường hợp điều trị bằng nội khoa nên dùng các biện pháp tránh thai sau khi điều trị ít nhất 6 tháng. Đồng thời khi đã có thai, sản phụ phải đi khám thai đều đặn và có sự theo dõi của bác sĩ Sản phụ khoa.
Các sản phụ cũng nên tích cực điều trị bệnh viêm vùng chậu và chứng viêm ống dẫn trứng, để ngăn chặn tình trạng chửa ngoài tử cung.
Chửa ngoài tử cung có thể gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm cho người mẹ. Vì vậy, việc phòng tránh và phát hiện bệnh kịp thời là vô cùng cần thiết.