U nang buồng trứng: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 24/05/2021 - Cập nhật lần cuối: 16/10/2023
U nang buồng trứng: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
U nang buồng trứng: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
U nang buồng trứng là bệnh gì? U nang buồng trứng gây ra những ảnh hưởng gì đến sức khỏe người bệnh. BookingCare sẽ cùng bạn đọc giải đáp trong bài viết dưới đây.

U nang buồng trứng có dạng lành tính và sẽ dần biến mất nhưng cũng có những dạng nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới

Bệnh nhân thường chỉ phát hiện u nang buồng trứng khi đi khám phụ khoa hoặc khám vô sinh hiếm muộn do u nang buồng trứng có rất ít hoặc thường không có triệu chứng đặc biệt.

U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là những u có vỏ bọc ngoài, bên trong chứa dịch, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chia làm 2 loại là u nang cơ năng và u nang thực thể. Thông thường, loại u này khá lành tính, tuy nhiên nhiều trường hợp có thể phát sinh biến chứng, cần cắt bỏ hoặc có phương án xử lý trước khi khối u xâm hại tới cơ thể.

Nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng

Các nguyên nhân phổ biến nhất của u nang buồng trứng bao gồm:

  • Rối loạn chức năng của buồng trứng: U nang chức năng thường tự biến mất sau vài vòng kinh mà không cần điều trị. Chúng có thể được gây ra bởi các vấn đề nội tiết tố hoặc do các loại thuốc liều cao được sử dụng trong hỗ trợ sinh sản.
  • Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng: các tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, một số mô gắn vào buồng trứng gây ra các nang lạc nội mạc tử cung.
  • Có thai. U nang buồng trứng thường phát triển trong thời kỳ đầu mang thai để giúp hỗ trợ thai kỳ cho đến khi nhau thai hình thành. 
  • Viêm vùng chậu. Viêm có thể lây lan đến buồng trứng và ống dẫn trứng và gây ra khối ở phần phụ.

Triệu chứng của u nang buồng trứng

Phần lớn các u nang buồng trứng đều không có triệu chứng cụ thể. Bệnh thường gây những triệu chứng sau (triệu chứng này dễ nhầm lẫn với bệnh Sản phụ khoa khác):

  • Kinh nguyệt bất thường: Các khối u nang cơ năng gây ra do rối loạn chức năng của buồng trứng nên có thể có biểu hiện như chậm kinh, kinh thưa hoặc rong kinh.
  • Tức nặng ở bụng
  • Đi tiểu liên tục: Trường hợp u nang buồng trứng to lên có thể đè đẩy vào bàng quang gây kích thích đi tiểu liên tục hoặc chèn vào đường tiểu gây bí tiểu. 
  • Đau khi quan hệ tình dục: Trường hợp u nang nước bị ung thư hoá có thể gây các triệu chứng đau khi quan hệ khi khối u xâm lấn tiểu khung
  • Đau bụng dưới hoặc vùng chậu: Đau bụng khi u to ra chèn ép các cấu trúc trong ổ bụng; đau bụng dữ dội khi có biến chứng xoắn u, vỡ u. Khi gặp triệu chứng đau bụng đột ngột, dữ dội kèm theo vã mồ hôi, choáng nôn, kèm theo rối loạn nhu động ruột mà bệnh nhân có u buồng trứng trước đó thì cần đi khám ngay phòng biến chứng xoắn hoặc vỡ u nang buồng trứng. 
  • Đầy hơi, buồn nôn và nôn...

Nếu u nang vỡ, bệnh nhân có thể trải qua những cơn đau dữ dội. Nếu u nang gây xoắn buồng trứng, bệnh nhân có thể bị đau bụng đi kèm buồn nôn hoặc nôn. Người bệnh cần đi khám Sản phụ khoa ngay khi xuất hiện những triệu chứng kể trên.

Phân loại u nang buồng trứng

Không hẳn tất cả chị em mắc u nang buồng trứng đều bị ảnh hưởng tới khả năng làm mẹ bởi còn liên quan loại u nang bạn mắc phải là gì. 

1. U nang buồng trứng cơ năng

Sinh ra do rối loạn chức năng buồng trứng, không có tổn thương giải phẫu. Là những nang nhỏ, vỏ mỏng, căng nước, chỉ gặp ở những phụ nữ có hành kinh và tiến triển nhanh, mất đi sau vài vòng kinh: thường gặp dạng nang bọc noãn, nang hoàn tuyến, nang hoàng thể.

U nang buồng trứng cơ năng có thể không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và người bệnh vẫn có thể có con.

2. U nang buồng trứng thực thể 

U nang thực thể là những bất thường về cấu trúc thường không thể tự biến mất, cần phải có sự can thiệp ngoại khoa và có nguy cơ tái phát. Phần lớn là lành tính nhưng vẫn có khả năng ác tính. Những u nang này thường xuất hiện nhiều biến chứng hơn do không teo đi mà phát triển to lên.

  • U nang buồng trứng thực thể khi phát triển lớn có thể biến chứng ảnh hưởng đến việc sinh sản, làm giảm khả năng thụ thai cũng như gây vô sinh ở nữ giới.
  • Nếu khối u phát triển quá lớn ở cả 2 buồng trứng và không còn nang lành, chị em sẽ mất khả năng sinh sản hoàn toàn.
  • Khi đang mang thai, u nang kích thước lớn sẽ chèn ép tử cung, kích thích làm tử cung co bóp gây sảy thai, khó khăn trong việc sinh nở.

Các khối u này thường có kích thước lớn, phát triển lặng lẽ qua nhiều năm, gây ra những biến chứng như xoắn cuống nang, vỡ nang… dẫn tới sảy thai, đẻ non, có thể chuyển thành ung thư.

Trường hợp hai buồng trứng đều có u buồng trứng to, việc bóc tách không thể thực hiện hoặc các mô lành buồng trứng đã bị phá huỷ hoàn toàn và cần phải cắt bỏ cả hai buồng trứng, phụ nữ sẽ mất đi khả năng làm mẹ một cách tự nhiên.

Nếu muốn mang thai, chị em có thể nhờ cậy vào phương pháp xin noãn từ người hiến kết hợp với thụ tinh trong ống nghiệm.

Chẩn đoán u nang buồng trứng

Chị em phụ nữ thường phát hiện u nang buồng trứng khi đi khám phụ khoa hoặc khám vô sinh hiếm muộn. Siêu âm là một kỹ thuật hình ảnh giúp xác định kích thước, vị trí, hình dạng và tính chất (rắn, dịch) của một u nang.

Các kỹ thuật hình ảnh, xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán u nang buồng trứng bao gồm:

  • CT scan (chụp cắt lớp vi tính)
  • MRI (chụp cộng hưởng từ)
  • Siêu âm
  • Định lượng một số chỉ số marker liên quan đến khối u buồng trứng như: CA125, HE4, alphaFP, ROMA,..

Điều trị u nang buồng trứng

Những biến chứng của u nang buồng trứng (u nang thực thể) là vô cùng nguy hiểm, có khả năng gây ra tình trạng vô sinh ở nữ giới. Do đó chị em nên khám phụ khoa định kỳ và điều trị ngay khi được chẩn đoán có u nang buồng trứng.

U nang buồng trứng cơ năng: do bản chất là rối loạn nội tiết và có thể tự biến mất sau vài ba chu kỳ nên chỉ cần theo dõi hoặc bác sĩ có thể cho sử dụng một vài loại thuốc nội tiết để điều hoà kinh nguyệt. 

Đối với u nang thực thể, do là các bất thường về cấu trúc nên chỉ có thể được giải quyết bằng ngoại khoa. Tùy theo kích thước và tính chất khối u, nguy cơ biến chứng cũng như nguyện vọng sinh đẻ của bệnh nhân mà chọn phương pháp phẫu thuật triệt để cắt bỏ toàn bộ buồng trứng chứa khối u hay chỉ bóc tách khối u, bảo tồn buồng trứng.

Phẫu thuật u nang buồng trứng bao gồm hai phương pháp: phẫu thuật nội soi và mổ mở.

  • Với phương pháp phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ phẫu thuật nội soi qua một vài vết rạch rất nhỏ để xác định vị trí u nang, sau đó tiến hành bóc tách hoặc cắt bỏ khối u
  • Còn với phương pháp mổ mở, bác sĩ sẽ tạo một vết rạch vừa đủ trên thành bụng, qua đó tiến hành bóc tách hoặc cắt bỏ. 

Mặc dù không có cách chính xác để ngăn chặn sự phát triển của u nang buồng trứng, cũng như nguy cơ tái phát nhưng khám phụ khoa thường xuyên là một phương pháp phát hiện bệnh sớm và giúp việc điều trị dễ dàng hơn.

Mặc dù vậy, chị em khi phát hiện u nang buồng trứng cũng đừng quá lo lắng vì phần lớn các khối u đều là lành tính và có thể điều trị.

U nang buồng trứng có thể gây biến chứng ở nữ giới - Ảnh: Pixabay

Hãy cảnh giác với những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng bao gồm các triệu chứng kinh nguyệt bất thường, đặc biệt là khi những triệu chứng kéo dài hơn một vài chu kỳ.

Hãy thông báo với bác sĩ về những bất thường này để có chẩn đoán chính xác và hướng điều trị phù hợp nhất.

Chung sống với u nang buồng trứng

Để sống chung với bệnh u nang buồng trứng hiệu quả chị em phụ nữ có thể thực hiện một số phương pháp sau:

1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

  • Ăn nhiều thức ăn chứa vitamin A và protein, trái cây tươi, rau xanh, thực phẩm có chứa estrogen cân bằng như sữa đậu nành, đậu hũ,...
  • Người bị u nang buồng trứng nên ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin D như cá hồi, cá thu, cá ngừ,...
  • Hạn chế dùng thức ăn có chứa nhiều mỡ động vật, chất béo bão hòa, chất kích thích.

2. Tập thể dục thể thao điều độ

  • Làm việc kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe, giảm stress góp phần làm giảm nguy cơ rối loạn nội tiết là một trong số những nguyên nhân hình thành u nang buồng trứng cơ năng.

3. Thói quen sinh hoạt hợp lý

  • Uống đủ 2 lít nước/ngày.
  • Giữ tâm trạng thoải mái, tránh stress lo âu.
  • Không hút thuốc, không sử dụng chất kích thích.
  • Giữ vệ sinh vùng kín, giảm nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
  • Tránh nạo phá thai, hạn chế dùng thuốc phá thai.

4. Khám sức khỏe sinh sản, tổng quát định kỳ

  • Duy trì thói quen khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản và tầm soát các nguy cơ gây các bệnh khác định kỳ 6 tháng 1 lần. 
  • Nếu đang có nguy cơ mắc hoặc đã mắc u nang buồng trứng cần có sự theo dõi của bác sĩ, tuân theo đầy đủ các khuyến cáo của bác sĩ trong điều trị bệnh.

Bài viết trên chia sẻ về bệnh u nang buồng trứng và những vấn đề xoay quanh nó, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn phòng tránh và điều trị căn bệnh này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết