Lồi mắt: biểu hiện, cách chẩn đoán và điều trị bệnh
loi-mat
Lồi mắt là bệnh lý nhãn khoa thường gặp và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và ngoại hình - ảnh: BookingCare

Lồi mắt: biểu hiện, cách chẩn đoán và điều trị bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 21/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Lồi mắt là bệnh lý nhãn khoa khá phổ biến gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị giác. Đọc thêm thông tin trong bài viết.

Lồi mắt là tình trạng nhãn cầu bình thường bị đẩy ra trước do tăng thể tích
tổ chức trong hốc mắt. Bệnh có thể biểu hiện ở một hoặc cả hai bên mắt, gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến tâm lý, ngoại hình và sức khỏe người bệnh. 

Triệu chứng bệnh lồi mắt

Bệnh lồi mắt có thể đi kèm với các triệu chứng như:

  • Mắt khô, đỏ
  • Mắt cộm, cảm giác căng mí mắt
  • Giảm chớp mắt
  • Nhìn mờ, nhìn đôi
  • Suy giảm thị lực
  • Mắt lồi ra đột ngột hoặc từ từ.
  • Cảm giác mệt mỏi
  • Có thể xuất hiện cảm giác đau nhói trong mắt

Ngoài ra, một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng giả lồi mắt với các triệu chứng tương tự lồi mắt như:

  • Lõm một bên mắt
  • Co rút mi trên hoặc mi dưới 
  • Sụp mi một bên
  • Nhãn cầu một bên to do glôcôm bẩm sinh hoặc nhỏ hơn do teo nhãn cầu

Vì vậy, để đánh giá chính xác nguy cơ mắc bệnh, bạn đọc nên đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể về tình trạng sức khỏe của mình, tránh làm ảnh hưởng lâu dài đến thị lực và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân của bệnh lồi mắt

Bệnh lồi mắt có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có các nguyên nhân phổ biến hơn như:

  • Di truyền
  • Tình trạng cường năng tuyến giáp trạng (bệnh Basedow).
  • Tình trạng rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp trong cơ thể.
  • Cận thị nặng.
  • Các bệnh lý viêm nhiễm, tăng huyết áp, thừa iod, các khối u chèn ép làm tăng thể tích tổ chức trong hốc mắt.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lồi mắt

Lồi mắt có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gồm:

  • Phụ nữ hoặc người trên 40 tuổi
  • Có tiền sử gia đình bị bệnh mắt lồi
  • Người mắc bệnh lý nội tiết như bệnh Basedow, các bệnh viêm nhiễm (viêm mô tế bào hốc mắt, bệnh bạch cầu...)
  • Các khối u (u nguyên bào thần kinh, sarcoma mô mềm...)

Nguy cơ và biến chứng lồi mắt

Đa phần mọi người không gặp phải các biến chứng hoặc ảnh hưởng kéo dài. Theo một nghiên cứu của Hội Nhãn khoa Việt Nam về tình trạng lồi mắt do Basedown, tỉ lệ nữ mắc bệnh thường cao hơn nam, tuy nhiên các biến chứng lồi mắt có xu hướng trầm trọng hơn ở nam giới so với nữ giới.

Trong trường hợp không được điều trị hoặc điều trị không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể gặp phải tình trạng tổn thương giác mạc, thậm chí một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng suy giảm và mất thị lực vĩnh viễn.

Các phương pháp chẩn đoán lồi mắt

Để chẩn đoán nguyên nhân cụ thể của bệnh lồi mắt, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp chẩn đoán như:

  • Kiểm tra lâm sàng: bao gồm kiểm tra triệu chứng, tiền sử bệnh lý để đánh giá chuyển động của mắt và mí mắt.
  • Kiểm tra thị lực: sử dụng thước đo khoảng cách nhãn cầu nhô ra khỏi hốc mắt.
  • Xét nghiệm máu: tìm kiếm nguyên nhân lồi mắt do rối loạn hormone, chức năng tuyến giáp, các bệnh nhiễm trùng...
  • Siêu âm mắt: phát hiện các cấu trúc bất thường ở hốc mắt làm đẩy lồi mắt ra phía trước.
  • Chẩn đoán hình ảnh: bao gồm chụp X-quang hoặc CT scan để kiểm tra cấu trúc mắt, các dấu hiệu chảy máu, các khối u hoặc dấu hiệu nhiễm trùng vùng mắt.

Các phương pháp điều trị lồi mắt

Việc áp dụng điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mắt lồi. Các phương pháp điều trị lồi mắt phổ biến bao gồm: 

  • Điều trị song thị: đeo lăng kính để cải thiện khả năng tập trung hình ảnh trên võng mạc để quan sát rõ hơn.
  • Điều trị bằng thuốc
    • Các loại thuốc nhỏ hoặc gel để giảm khô mắt và bảo vệ giác mạc.
    • Các loại thuốc uống, tiêm như: thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc chứa steroid nhằm hạn chế nhiễm trùng và giảm sưng mắt.
loi-mat-va-cac-phuong-phap-dieu-tri
Steroid là một trong số các loại thuốc được sử dụng trong điều trị lồi mắt - ảnh: canva.com
  • Các phương pháp điều trị y tế cho các tình trạng bệnh lý gây ra lồi mắt như bệnh cường giáp.
  • Điều trị bằng phẫu thuật cho các trường hợp lồi mắt nghiêm trọng.

Cần làm gì khi phát hiện các triệu chứng lồi mắt?

Khi phát hiện các triệu chứng mắt lồi, người bệnh cần bình tĩnh và theo dõi cụ thể các biểu hiện bệnh, đồng thời thực hiện các bước như:

  • Chăm sóc và bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mạnh, ánh sáng xanh màn hình có thể làm căng thẳng mắt
  • Duy trì một lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh các chất kích thích, tiếp xúc với hóa chất...
  • Nếu có các dấu hiệu đau, sưng có thể thực hiện chườm nóng để giảm triệu chứng
  • Tới gặp bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán chính xác nhằm đưa ra các phương án xử lý phù hợp.

Chăm sóc và giảm thiểu tình trạng mắt lồi tại nhà là gì?

Để hỗ trợ cho quá trình điều trị lồi mắt, người bệnh và người thân có thể thực hiện kết hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm thiểu tác động của các triệu chứng như:

  • Vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý, dung dịch vệ sinh để làm sạch và dưỡng ẩm mắt bằng thuốc nhỏ mắt.
  • Ngủ đủ giấc và cải thiện chất lượng giấc ngủ để tăng chất lượng nghỉ ngơi và hồi phục
  • Thực hiện các bài tập, massage mắt hàng ngày và điều chỉnh thời quãng nghỉ hợp lý cho mắt khi làm việc
  • Bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt qua việc ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, C và E hoặc sử dụng các loại thực phẩm chức năng cho mắt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Có các biện pháp che chắn, bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mạnh và tia UV khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hóa chất...

Lồi mắt là bệnh lý nhãn khoa thường gặp và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và ngoại hình. Tuy nhiên, bệnh có khả năng cải thiện và hồi phục nếu được theo dõi chặt chẽ và điều trị kịp thời. Vì vậy, bạn đọc nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán cụ thể tình trạng nhằm giảm thiểu các biến chứng ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết