Một chế độ ăn uống bổ dưỡng, cân bằng là rất quan trọng để duy trì sức khỏe, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Trong quá trình xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, những người mắc bệnh tiểu đường có thể tự hỏi liệu thực phẩm chứa carbohydrate (carbs), như cơm, có phải là một lựa chọn tốt để đưa vào chế độ ăn uống của họ hay không.
Câu trả lời là có! Cơm vẫn là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho những người mắc bệnh tiểu đường. Vậy lượng cơm phù hợp cho người tiểu đường là như thế nào?
Lượng cơm cho người tiểu đường
Theo chuyên gia dinh dưỡng, ThS. BS. Doãn Thị Tường Vi, Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 198: “Rất nhiều người tiểu đường không dám ăn cơm vì cho rằng ăn cơm sẽ làm tăng đường huyết. Do đó, họ cắt bỏ hoàn toàn cơm và các thức ăn chứa tinh bột khác. Đây là tình trạng phổ biến ở những bệnh nhân mới bị tiểu đường. Tuy nhiên, chính hành động này lại khiến người tiểu đường đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng và hạ đường huyết quá mức, thậm chí dẫn đến hôn mê sâu và tử vong”.
Theo các nghiên cứu khoa học, cơm tẻ trắng là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI = 83), tuy nhiên người tiểu đường không nhất thiết phải cắt hoàn toàn tinh bột. Người bệnh vẫn có thể ăn cơm hàng ngày với lượng vừa đủ, phù hợp với thể trạng cơ thể.
Tùy vào độ tuổi và cân nặng, mỗi người có nhu cầu năng lượng khác nhau. Thông thường, đối với bệnh nhân tiểu đường, cần cắt giảm khoảng 10% tinh bột so với nhu cầu năng lượng bình thường mà cơ thể cần. Bù lại, người bệnh nên tăng 10% khẩu phần đạm.
Có thể ước lượng đơn giản như sau:
- 60g tinh bột = 1 miệng bát con cơm trắng
- 70g tinh bột = 1 bát con cơm + 2 thìa nhỏ cơm trắng
- 80g tinh bột = 2 nửa bát con cơm trắng
- 100g tinh bột = 2 lần 2/3 bát con cơm trắng
Ví dụ: Thông thường nữ giới cao 1,51m - 1,55m, nặng 50kg cần 70g tinh bột trong 1 bữa chính.
Việc tính toán, cân đo chính xác nhu cầu năng lượng cơ thể không hề dễ dàng. Tuy nhiên, người bệnh có thể ước lượng bằng cách ăn ít hơn so với bình thường. Sau đó, tiến hành kiểm tra đường huyết 2 giờ sau khi
ăn cơm. Nếu giá trị đường huyết trên 10mmol/l sau khi ăn thì bữa ăn lần sau cần phải ăn ít hơn.
Ngoài kiểm soát lượng carbs nạp vào người, người bệnh tiểu đường cũng nên lưu ý:
- Lựa chọn các loại cơm có chỉ số đường huyết thấp, chẳng hạn như cơm gạo lứt, cơm gạo nâu, cơm gạo mầm
- Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ trong ngày giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, đồng thời giúp tránh tăng đột ngột đường huyết sau khi ăn.
Như vậy bài viết trên đây đã phần nào giải đáp về câu hỏi Lượng cơm cho người bị tiểu đường. Hy vọng bài viết đã đem đến những thông tin hữu ích giúp người bệnh sống chung với tiểu đường một cách dễ dàng hơn.