Lưu ngay các phương pháp điều trị nghẹt mũi hiệu quả tại nhà
Điều trị nghẹt mũi tự nhiên tại nhà hoặc sử dụng thuốc
Điều trị nghẹt mũi tự nhiên tại nhà hoặc sử dụng thuốc - Ảnh: BookingCare

Lưu ngay các phương pháp điều trị nghẹt mũi hiệu quả tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 03/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 23/02/2024
Tình trạng nghẹt mũi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như viêm mũi, cảm lạnh, cúm,... Nếu để lâu dài có thể gây khó chịu cho người mắc. Có một số cách chữa trị nghẹt mũi tự nhiên tại nhà hoặc sử dụng thuốc.

Vấn đề viêm của các mạch máu trong mũi, niêm mạc mũi phù nề và tăng tiết chất nhầy gây cản trở không khí lưu thông, khiến người bệnh thở khó là tình trạng nghẹt mũi.

Tình trạng này có thể không quá nghiêm trọng nhưng nếu nghẹt mũi kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, khiến người mắc khó chịu, mệt mỏi, có thể dẫn tới viêm mũi xoang hoặc xuất hiện các triệu chứng kèm theo như: ù tai, đau đầu, sổ mũi thường xuyên, khó ngủ do nghẹt mũi về đêm,... Bởi vậy, khi có dấu hiệu nghẹt mũi, người bệnh cần có phương pháp điều trị phù hợp.

Tìm hiểu rõ hơn về các phương pháp chữa trị nghẹt mũi qua bài viết này.

Phương pháp trị nghẹt mũi hiệu quả

Các phương pháp điều trị nghẹt mũi không dùng thuốc

Có nhiều cách có thể áp dụng ngay để giúp người bệnh “thoát khỏi” nghẹt mũi tức thì hiệu quả.

  • Tăng độ ẩm không khí bằng sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương: 
    • Không khí ẩm giúp giảm tình trạng viêm, giảm tình trạng kích thích niêm mạc mũi. Ngoài ra, độ ẩm cũng giúp chất nhầy loãng hơn, dễ thoát ra ngoài. 
    • Lưu ý rằng hãy luôn đảm bảo vệ sinh máy tạo ẩm sạch sẽ và thay nước hàng ngày để tránh tình trạng bẩn, ẩm mốc và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, có thể lại ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dùng.
  • Rửa mũi, súc miệng họng bằng nước muối ấm:
    • Rửa mũi bằng nước muối ấm giúp chất nhầy trong mũi lỏng ra hơn, theo nước rửa trôi ra ngoài dễ hơn, đồng thời loại bỏ cả các chất kích thích, chất bụi bẩn, vi trùng… ra ngoài.
    • Xịt mũi bằng nước muối có sẵn có thể làm giảm tình trạng viêm ở khoang mũi.
    • Những người mắc các bệnh về đường hô hấp và khiến tình trạng nghẹt mũi trở nặng cũng nên súc miệng họng bằng nước muối ấm 2-3 lần hàng ngày để kháng khuẩn, sạch họng và giảm nguy cơ bị viêm họng.
  • Xông hơi bằng tinh dầu thiên nhiên: Sử dụng tinh dầu để xông hơi 2-3 lần/ngày có thể giúp giảm tình trạng nghẹt mũi nhanh chóng. Xông hơi làm giảm viêm niêm mạc mũi, từ đó giúp niêm mạc bớt phù nề, giảm tiết dịch mũi nên giúp mũi đỡ nghẹt.
  • Sử dụng tinh chất bạc hà: Bạc hà giúp làm giảm phù nề niêm mạc mũi, giúp mũi thông thoáng hơn. Do vậy sau khi hít tinh dầu bạc hà, tình trạng nghẹt mũi giảm và thở dễ hơn.
  • Uống trà gừng mật ong nóng hay nước tía tô nóng:
    • Trà gừng nóng có thể được coi là phương thuốc trị các bệnh cảm cúm, nghẹt mũi, sổ mũi, ho,... Gừng giúp lưu thông khí huyết, làm ấm cơ thể, giảm viêm, cung cấp nhiều vitamin và từ đó tăng đề kháng cho cơ thể. Từ những công dụng trên, khi bị cảm lạnh, nghẹt mũi, hãy pha trà gừng với mật ong, giải cảm, giảm triệu chứng nghẹt mũi hiệu quả.
    • Tía tô cũng là một trong những nguyên liệu được sử dụng trong nhiều bài thuốc và có những công dụng tốt cho cơ thể như: giải cảm, chống viêm, dị ứng tự nhiên, tăng sức đề kháng cơ thể. Bởi vậy, việc uống nước tía tô giúp giải cảm tốt và giảm tình trạng nghẹt mũi cho người mắc.
  • Ngửi tỏi hoặc ăn tỏi:
    • Tỏi cũng có khả năng trị các bệnh đường hô hấp như ho, nghẹt mũi,...hiệu quả do có hàm lượng cao các chất allicin và scordinin (các chất này ngăn ngừa ung thư, chống viêm, chống nhiễm khuẩn tốt). 
    • Có thể sử dụng tỏi chế biến vào các món ăn hoặc giã tỏi, đem nấu sôi với nước để xông mũi khoảng 2 lần/ngày giúp giảm nghẹt mũi cho người bệnh.
  • Tạo điều kiện tốt nhất khi ngủ: Nghẹt mũi có thể nặng hơn vào ban đêm, bởi vậy hãy chuẩn bị trước khi ngủ để có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
    • Nên kê cao gối khi ngủ.
    • Giữ phòng ấm áp, sạch sẽ: phòng ngủ lạnh và nhiều bụi sẽ khiến niêm mạc mũi bị viêm, phù nề, tăng tiết dịch nên sẽ làm tình trạng nghẹt mũi nặng hơn. 
    • Sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ độ ẩm trong phòng ngủ ổn định, (nhất là khi thời tiết hanh khô) sẽ làm niêm mạc mũi giảm phù nề từ đó làm giảm nghẹt mũi.
  • Tắm nước nóng: Tắm nước nóng mang lại cảm giác dễ chịu, đồng thời giúp cuốn mũi co nhỏ lại và niêm mạc mũi đỡ phù nề từ đó giảm nghẹt mũi.

Nếu áp dụng các biện pháp trên mà tình trạng không thuyên giảm, vẫn tái phát thường xuyên, người bệnh cần đi khám để tìm ra nguyên nhân gây nghẹt mũi nặng và dùng thuốc để điều trị.

Sử dụng thuốc để điều trị nghẹt mũi

  • Thuốc xịt thông mũi
    • Các thuốc này có thành phần Naphazolin, Xylometazoline,... gây co mạch mũi, có tác dụng giảm xung huyết, giảm tiết dịch, giúp người bệnh giảm tình trạng nghẹt mũi nhanh chóng. Đây cũng là loại thuốc xịt được sử dụng phổ biến trị nghẹt mũi.
    • Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc kéo dài mà cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ của thuốc.
  • Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Mometasone, Dexamethasone,... có tác dụng kháng viêm tại chỗ, giảm tiết dịch của niêm mạc mũi.
  • Thuốc kháng histamin: Các loại như Loratadine, Cetirizine, Fexofenadine,... giúp làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch cơ thể với chất gây dị ứng, từ đó giảm các tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi,...

Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc như sử dụng dài ngày hoặc quá liều lượng quy định sẽ ảnh hưởng không tốt cho cơ thể:

  • Xịt mũi chứa corticoid: Sử dụng nhiều có thể khiến khô, rát niêm mạc mũi, chảy máu mũi và nặng hơn là gây ảnh hưởng toàn thân  như corticoid đường uống: loãng xương, suy thượng thận,...
  • Xịt mũi chứa chất gây co mạch và kháng histamin: co mạch niêm mạc mũi, khô miệng, mắt, tăng huyết áp, đau đầu,...
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết