Nghẹt mũi là triệu chứng bệnh gì? Làm sao để điều trị
Tìm hiểu về triệu chứng nghẹt mũi
Nghẹt mũi là tình trạng mũi bị tắc không được thông thoáng. - Ảnh: BookingCare

Nghẹt mũi là triệu chứng bệnh gì? Làm sao để điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 03/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 23/02/2024
Nghẹt mũi xảy ra khi có tác nhân kích thích niêm mạc mũi gây viêm, phù nề và tiết nhiều chất nhầy. Nguyên nhân có thể do dị ứng như phấn hoa, lông mèo… hoặc không do dị ứng như: cúm, cảm lạnh… hoặc do Polyp hoặc có khối u bên trong mũi.

Nghẹt mũi không quá nghiêm trọng nhưng khi tình trạng này kéo dài sẽ gây khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Việc điều trị nghẹt mũi sẽ dựa vào nguyên nhân cụ thể gây ra. Vậy có những nguyên nhân nào gây ra nghẹt mũi và nghẹt mũi được chẩn đoán và điều trị như thế nào? 

Nghẹt mũi là gì?

Nghẹt mũi là tình trạng khi có tác nhân kích thích niêm mạc  mũi. Sự kích thích này gây ra phản ứng dây chuyền viêm, phù nề và sản sinh chất nhầy, từ đó khiến khó hít thở qua đường mũi. 

Nghẹt mũi thường hết sau vài ngày, nhưng trong tình trạng kéo dài một tuần hoặc hơn nữa có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu không điều trị dứt điểm, nghẹt mũi có thể gây viêm xoang, polyp mũi hoặc viêm tai giữa.

Ảnh hưởng của nghẹt mũi đến sức khỏe:

  • Khó khăn khi thở bằng mũi.
  • Có chất nhầy chảy ra từ mũi (sổ mũi).
  • Khô miệng vì thở bằng miệng khi không thể hít không khí bằng mũi.
  • Ở trẻ em, khi nghẹt mũi có thể khiến trẻ khó khăn khi bú mẹ hoặc bú bình.

Triệu chứng nghẹt mũi

Nghẹt mũi có thể xuất hiện ở mọi thời điểm trong ngày  hoặc có khi liên tục cả ngày. Tuy nhiên, ở một số người sẽ thấy tình trạng nghẹt mũi về đêm nặng hơn và nhất là khi ngủ. Khi nằm, lượng máu về đầu tăng lên dẫn đến tăng lưu lượng máu vùng mũi. Để thích nghi, các mạch máu trong mũi bị giãn ra nhiều hơn khiến tình trạng viêm mũi tăng lên kèm theo mũi sưng nghẹt hơn khi dịch nhầy bị tích tụ lại trong khoang mũi.

Trong một vài trường hợp, nghẹt mũi có thể gây ra các triệu chứng khác như:

  • Hắt xì
  • Ho 
  • Đau đầu
  • Sốt 

Nguyên nhân gây nghẹt mũi

Có nhiều nguyên nhân gây ra nghẹt mũi. Bởi vì mũi là cơ quan đầu tiên trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm nhập vào đường hô hấp. Khi hít thở không khí có thể đem theo bụi bẩn và các chất gây dị ứng khiến niêm mạc trong mũi viêm và phù nề. Tiếp đó hệ miễn dịch sẽ hoạt động tiết chất nhầy nhằm mục đích cuốn trôi những tác nhân xâm nhập vào mũi.

Các niêm mạc trong mũi bị phù nề kết hợp với chất nhầy làm nghẹt mũi, khiến tình trạng trở nên xấu hơn.

Nghẹt mũi thường xảy ra với các tình trạng như viêm mũi. Có thể chia viêm mũi thành hai loại là viêm mũi dị ứng và viêm mũi không dị ứng.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng. Chất gây dị ứng là những hạt nhỏ trong không khí. Các chất gây dị ứng thường gặp bao gồm:

  • Phấn hoa
  • Hạt bụi: Ngay cả khi môi trường sạch sẽ cũng có thể có hạt bụi trong thảm, giường và các đồ nội thất trong nhà.
  • Nấm mốc: Nấm mốc phát tán các bào tử có thể gây ra phản ứng dị ứng.
  • Lông động vật: Một số người rất dị ứng với lông động vật như chó, mèo,…
Phấn hoa, lông chó mèo, khói bụi là những nguyên nhân gây ngạt mũi do viêm mũi dị ứng - Ảnh: Canva

Viêm mũi không dị ứng

Viêm mũi không dị ứng có thể xảy ra khi nhiễm các virus hoặc tiếp xúc với một số tác nhân gây bệnh. Các nguyên nhân gây bệnh có thể như:

  • Môi trường: Căng thẳng, tiếp xúc với khói thuốc, mùi sơn, thức ăn cay,…
  • Thuốc: Tình trạng nghẹt mũi có thể xảy ra khi dùng một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc giảm đau.
  • Nhiễm trùng: Viêm xoang, cúm, cảm lạnh,...

Chẩn đoán nguyên nhân gây nghẹt mũi

Để chẩn đoán nguyên nhân nghẹt mũi có thể kiểm tra đánh giá các triệu chứng tai - mũi - họng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng khác để loại trừ các nguyên nhân gây bệnh như:

  • Nuôi cấy dịch tỵ hầu: Xét nghiệm này kiểm tra vi khuẩn gây bệnh tại mũi xoang.
  • Nội soi tai mũi họng: bác sĩ sử dụng một ống nội soi có gắn camera để quan sát kiểm tra bên bên trong mũi: đánh giá được mức độ nghẹt mũi, các nguyên nhân gây nghẹt mũi
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): để tìm dị vật trong mũi, những tác nhân gây nghẹt mũi như lệch vẹo vách ngăn mũi, quá phát cuốn mũi, xoang hơi cuốn mũi, Polyp mũi, các khối u trong mũi.

Điều trị nghẹt mũi

Dựa vào các nguyên nhân cụ thể để có một phác đồ điều trị nghẹt mũi hợp lý. Trong tình trạng nghẹt mũi do dị ứng với lông mèo thì phương pháp điều trị có thể sử dụng là tránh xa mèo và dùng thuốc kiểm soát làm giảm các triệu chứng. Hay trong trường hợp viêm mũi không do dị ứng, cần xác định nguyên nhân và dùng thuốc kiểm soát các triệu chứng.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể được sử dụng:

  • Xịt hoặc rửa mũi bằng nước muối: Dung dịch muối ở dạng xịt hoặc nước rửa có tác dụng dưỡng ẩm bên trong mũi và rửa trôi chất nhầy.
  • Thuốc kháng Histamin: giảm tình trạng viêm, giảm tiết dịch mũi.
  • Thuốc xịt mũi kháng cholinergic: Phương pháp điều trị này có thể làm giảm chất nhầy trong mũi, giảm phù nề niêm mạc mũi
  • Thuốc xịt mũi Corticoid: giúp giảm tình trạng viêm.
  • Thuốc xịt Ipratropium bromide: Điều trị triệu chứng chảy nước mũi không do nhiễm khuẩn.

Chăm sóc nghẹt mũi tại nhà như thế nào?

Việc chăm sóc tại nhà đúng cách góp phần làm giảm tình trạng nghẹt mũi và đẩy nhanh quá trình điều trị. Dưới đây là những cách có thể làm giảm tình trạng nghẹt mũi:

  • Tắm nước ấm.
  • Bổ sung đủ nước và uống nước ấm.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm làm ẩm không khí trong nhà.
  • Dùng nước muỗi xịt rửa mũi loại bỏ các chất nhày.
  • Xông hơi làm thông thoáng đường thở.

Nhìn chung nghẹt mũi là tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân. Khi tình trạng này kéo dài trên 10 ngày bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám từ đó có các phác đồ điều trị phù hợp với bản thân. Mong rằng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về tình trạng nghẹt mũi.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết