Vì sao nghẹt mũi nặng hơn vào ban đêm và cách khắc phục?
Người bệnh nghẹt mũi gây khó chịu
Nghẹt mũi thường trở nặng vào ban đêm và gây ảnh hưởng đến giấc ngủ - Ảnh: BookingCare

Vì sao nghẹt mũi nặng hơn vào ban đêm và cách khắc phục?

Tác giả: - Xuất bản: 03/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 23/02/2024
Nghẹt mũi thường trở nặng vào ban đêm, khiến khó khăn trong việc thở, gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Tình trạng nghẹt về đêm kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, thậm chí có thể suy nhược cơ thể do thiếu ngủ.

Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý về đường hô hấp như cảm lạnh, cúm,... Tình trạng này có xu hướng tệ hơn vào ban đêm và khiến người mắc khó chìm vào giấc ngủ do khó hô hấp khi nằm. 

Vậy tại sao lại xảy ra tình trạng này và cách khắc phục nghẹt mũi về đêm như thế nào? Hãy tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết dưới đây.

Nghẹt mũi về đêm khi đi ngủ

Nghẹt mũi có thể xảy ra cả ngày nhưng thường có xu hướng nặng hơn vào ban đêm, khi đi ngủ. 

Khi nằm, lượng máu đổ dồn về vùng đầu tăng lên, dẫn đến lưu lượng máu đến vùng mũi cũng tăng, bởi vậy các mạch máu nhỏ trong khoang mũi sẽ giãn ra để thích nghi. Sự giãn ra của các mạch máu mũi khiến cuốn mũi sưng to ra và niêm mạc mũi phù nề nhiều hơn.

Dịch nhầy trong khoang mũi tích tụ lại nhiều và đặc hơn. Việc tích tụ của dịch nhầy trong khoang mũi làm cản trở không khí lưu thông qua mũi khiến người bệnh hít thở khó khăn.

Ngoài ra, khi ngủ tối, nhiệt độ lạnh hơn khiến niêm mạc mũi phù nề nhiều hơn cũng là nguyên nhân khiến tình trạng nghẹt mũi nặng hơn.

Cách khắc phục nghẹt mũi về đêm

Tình trạng nghẹt mũi xảy ra rất phổ biến và có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ đến già. Tình trạng này có thể không gây hậu quả quá nguy hiểm đến cơ thể, tuy nhiên nếu nghẹt mũi về đêm xảy ra lâu dài có thể ảnh hưởng lớn đến sự thông thoáng đường thở của người bệnh, khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu do ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ.

Bởi vậy, cần có cách trị nghẹt mũi về đêm hiệu quả để người bệnh thoát khỏi tình trạng nghẹt mũi khi ngủ buổi tối và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

  • Gối cao đầu khi ngủ (cổ và đầu ở một góc 15 độ so với cơ thể).
  • Vệ sinh mũi họng bằng nước muối ấm hoặc nước muối NaCl 0,9% trước khi ngủ.
  • Duy trì độ ẩm trong phòng ngủ bằng cách sử dụng các máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương.
  • Uống nhiều nước ấm mỗi ngày, tối thiểu 2 lít.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá, nước hoa,... có thể khiến mũi khó chịu hơn.
  • Vệ sinh phòng ở, giặt chăn ga gối đệm định kỳ thường xuyên để không gian luôn thông thoáng, giảm bụi bẩn và vi khuẩn.
  • Trước khi ngủ, có thể massage một số điểm trên mặt để giảm nghẹt mũi: Ấn điểm giữa hai lông mày 1 phút, giảm áp lực xoang trán, xoa bóp hai bên cánh mũi giúp đường thở thông thoáng, day nhẹ giữa môi và mũi, giảm sưng nề mao mạch mũi, giảm nghẹt mũi.
  • Xông hơi bằng tinh dầu thiên nhiên hoặc ngửi tinh chất bạc hà trước khi ngủ.
  • Sử dụng thuốc xịt mũi trước khi ngủ: Các thuốc xịt thông mũi có thành phần Oxymetazoline, Naphazolin, Xylometazoline..., các thuốc xịt chứa corticoid giúp giảm viêm trong khoang mũi,... Tuy nhiên không nên quá lạm dụng thuốc xịt mũi, cần sử dụng các loại thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ và đi khám để điều trị triệt để các bệnh lý vùng mũi.

Nghẹt mũi về đêm kéo dài khiến người bệnh khó chịu và mệt mỏi bởi khiến người bệnh hít thở khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Vậy nên khi có dấu hiệu nghẹt mũi, hãy tìm cách khắc phục tình trạng này và đi khám để phát hiện các vấn đề bất thường mũi xoang, có phương pháp điều trị đúng đắn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết