- Xuất bản: 18/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 24/02/2024
Đông y trị đau cột sống thắt lưng được nhiều người quan tâm - Ảnh: BookingCare
Đông y điều trị đau cột sống thắt lưng có thể dùng bài thuốc, vị thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt,… giúp giảm nhanh các triệu chứng và đạt hiệu quả cao.
Đau lưng là một bệnh hay gặp trong đời sống hàng ngày, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, ảnh hưởng đến năng suất lao động và đời sống hàng ngày. Đông y điều trị đau cột sống thắt lưng mang tới hiệu quả cao, được nhiều người dân áp dụng hiện nay.
Đau cột sống thắt lưng theo quan điểm đông y
Theo Đông y, đau cột sống thắt lưng thuộc phạm vi chứng "Thân thống", "Yêu thống", là tình trạng đau nhức tại vùng thắt lưng, có thể lan ra hông, mông, đùi, thậm chí xuống cả bàn chân. Đau có thể một bên hay hai bên cột sống và do nhiều nguyên nhân gây ra.
Đau lưng có thể chia làm hai loại: đau lưng cấp và đau lưng mạn. Điều trị đau lưng cần được chẩn đoán sớm và chính xác nguyên nhân gây bệnh để chữa thì mới có kết quả. Đau lưng cấp thường do bị lạnh gây co cứng các cơ ở sống lưng, dây chằng, cột sống bị viêm, bị phù nề chèn ép vào dây thần kinh khi vác nặng, sai tư thế, sang chấn vùng sống lưng. Đau lưng mạn thường do viêm cột sống, thoái hóa cột sống, lao ung thư, đau các nội tạng ở ngực, đau lan tỏa ra sau lưng, đau lưng cơ năng do động kinh, suy nhược thần kinh.
Theo y học cổ truyền, thắt lưng là phủ của thận, nên đau thắt lưng có quan hệ mật thiết với thận. Các nguyên nhân gây bệnh có thể kể đến như:
Thận hư: Thận khí suy yếu, không đủ sức nuôi dưỡng, dẫn đến khí huyết ứ trệ, gây đau nhức.
Phong hàn thấp tà: Do ảnh hưởng của môi trường lạnh ẩm, phong hàn xâm nhập, làm tắc nghẽn kinh mạch, gây đau nhức.
Tư thế không đúng: Ngồi lâu, đứng lâu, mang vác vật nặng sai tư thế... khiến khí huyết lưu thông kém, dẫn đến đau nhức.
Chấn thương: Va đập, té ngã,... làm tổn thương cơ bắp, gân cốt, dẫn đến đau nhức.
Xách vật nặng sai tư thế là một nguyên nhân thường gặp gây đau lưng - Ảnh: Canva
Có nên điều trị bệnh đau cột sống thắt lưng bằng Đông y?
Ưu điểm
An toàn, ít tác dụng phụ: Các bài thuốc Đông y thường sử dụng thảo dược thiên nhiên, lành tính, ít gây tác dụng phụ.
Hiệu quả lâu dài: Đông y điều trị tận gốc nguyên nhân, giúp cải thiện tình trạng bệnh từ từ và hiệu quả lâu dài.
Tăng cường sức khỏe: Đông y chú trọng bồi bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe tổng thể.
Phù hợp với nhiều đối tượng: Có thể áp dụng cho nhiều đối tượng, bao gồm cả người già, trẻ em, phụ nữ mang thai.
Nhược điểm
Hiệu quả chậm: So với Tây y, Đông y thường có hiệu quả chậm hơn, cần kiên trì điều trị.
Khó xác định nguyên nhân: Việc xác định nguyên nhân bệnh theo Đông y có thể gặp nhiều khó khăn, cần có thầy thuốc có kinh nghiệm.
Chất lượng thuốc: Cần lựa chọn cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng thuốc.
Cách điều trị đau cột sống thắt lưng theo Đông y
Các bài thuốc Đông y chữa đau cột sống thắt lưng
Tùy từng nguyên nhân và giai đoạn bệnh mà đông y chia đau lưng thành các thể bệnh khác nhau, mỗi thể bệnh lại được điều trị bằng các bài thuốc riêng.
Thể đau lưng mạn tính:
Thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi, nguyên nhân do can thận hư và phong hàn thấp gây ra.
Điều trị bằng phương pháp bổ can thận, khu phong, trừ thấp, tán hàn. Các bài thuốc thường dùng là độc hoạt tang ký sinh thang, tam tý thang gia giảm. Các vị thuốc bổ thận thường dùng: tục đoạn, ba kích, thỏ ty tử, đỗ trọng, cốt toái bổ, cẩu tích.
Thể đau lưng cấp do co cứng cơ:
Nguyên nhân do phong hàn thấp gây ra. Bệnh nhân đau lưng đột ngột sau khi bị lạnh, mưa ẩm thấp, lưng đau nhiều, ho hắt hơi đau tăng. Thường cơ cạnh cột sống không đỏ, sờ có co cứng, toàn thân sợ lạnh.
Pháp điều trị là khu Phong tán hàn trừ thấp, ôn kinh hoạt lạc. Dùng bài Can khương thương truật thang gia giam.
Thể đau lưng cấp do mang vác nặng, do sai tư thế:
Thường do khí trệ, huyết ứ gây ra. Đau lưng xuất hiện sau khi mang vác nặng hoặc sau một động tác thay đổi tư thế đột ngột. Bệnh nhân đau dữ dội một chỗ, hạn chế vận động, cơ vùng lưng co cứng.
Điều trị bằng phương pháp hoạt huyết, thư cân hoạt lạc. Thường dùng bài Tứ vật đào hồng hoặc Thân thống trục ứ thang.
Lưu ý:
Các bài thuốc dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, cần được tư vấn và điều trị bởi thầy thuốc có kinh nghiệm.
Hiệu quả của bài thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân bệnh, cơ địa, mức độ bệnh...
Các phương pháp trị liệu không dùng thuốc khác
Châm cứu: Giúp kích thích huyệt đạo, tăng cường lưu thông khí huyết, giảm đau nhức. Châm tả các huyệt, lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình. Công thức huyệt:
Tại chỗ: A thị; Thượng liêu (BL.31); Yêu dương quan (GV.3); Thứ liêu (BL.32); Giáp tích vùng thắt lưng; Thận du (BL.23); Đại trường du (BL.25); Yêu du (GV.2)
Toàn thân: Hoàn khiêu (GB.30); Ủy trung (BL.40); Dương lăng tuyền (GB.34); Côn lôn (BL.60)
Xoa bóp bấm huyệt: Giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau nhức, cải thiện lưu thông máu. Dùng các thủ thuật xát, day, lăn, bóp, vận động trên vùng cơ bị co cứng, nếu đau từ thắt lưng trở xuống ấn, day huyệt côn lôn cùng bên. Sau khi châm cứu, xoa bóp, nếu bệnh nhân vận động ngay thường có kết quả cải thiện nhanh chóng. Với thể huyết ứ, người bệnh sau khi châm cứu, xoa bóp phải vận động từ từ, tránh tái phát. Xoa bóp 30 phút/lần/ngày, một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày.
Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như châm, ngày 1 lần, mỗi lần 2 đến 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.
Vật lý trị liệu: Giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt của cột sống.
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp với sức khỏe.
Tránh mang vác vật nặng sai tư thế.
Giữ ấm cơ thể, tránh bị lạnh.
Chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý:Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, omega-3 tốt cho xương khớp. Hạn chế thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Chữa đau cột sống thắt lưng bằng Đông y là phương pháp hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn cơ sở uy tín, thầy thuốc có kinh nghiệm để được tư vấn và điều trị phù hợp. Kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp cải thiện hiệu quả điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát.