Lưu ngay: Những phương pháp điều trị tăng huyết áp thai kỳ

Tác giả: - Xuất bản: 16/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 16/11/2023
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ - Ảnh: BookingCare
Tăng huyết áp thai kỳ có thể điều trị bằng những phương pháp nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Trong thời gian mang thai, chị em cần thăm khám sớm ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường của tăng huyết áp thai kỳ. Tránh trường hợp bệnh chuyển biến nặng hơn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

3 dạng tăng huyết áp thai kỳ phổ biến

Rối loạn tăng  huyết áp trong thai kỳ là một cụm từ chung chung chỉ tình trạng tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai khi huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140mmHg và  huyết áp tâm trương (HATTr) ≥90mmHg, hoặc chỉ số huyết áp cao trên 30mmHg so với mức huyết áp nền (với những người thường xuyên theo dõi huyết áp). .

Rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ được chia thành nhiều loại khác nhau, Dưới đây là 4 dạng bệnh của rối loạn tăng huyết áp thai kỳ phổ biến nhất:

  • Tăng huyết áp mãn tính

Huyết áp cao trước khi mang thai hoặc ở đầu thai kỳ (trước tuần thứ 20). Loại tăng huyết áp này tiếp tục tồn tại sau khi em bé chào đời. Những người bị tăng huyết áp mãn tính cũng có thể bị tiền sản giật. Điều này được gọi là tăng huyết áp mãn tính kèm theo tiền sản giật.

  • Tiền sản giật ghép trên nền tăng huyết áp mạn 

Tình trạng này xảy ra khi tăng huyết áp mãn tính dẫn đến tình trạng huyết áp cao trở nên trầm trọng hơn ở phụ nữ mang thai. Những người mắc bệnh này có thể phát triển protein trong nước tiểu hoặc các biến chứng khác.

  • Tăng huyết áp thai nghén

Huyết áp cao ở giai đoạn cuối của thai kỳ, xuất hiện sau 20 tuần thai kỳ và trở về bình thường trong vòng 3 tháng sau sinh. Một số người bị tăng huyết áp thai nghén có thể phát triển bệnh tiền sản giật. Chị em mắc loại bệnh tăng huyết áp này sẽ cần thăm khám thường xuyên hơn để theo dõi tình trạng bệnh sát sao nhất.

Tiền sản giật là một rối loạn kèm theo nhiều biểu hiện: tăng huyết áp khởi phát sau tuần thứ 20 của thai kỳ; protein niệu; phù.Tiền sản giật là một căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến gan, thận, phổi hoặc não cũng như nhau thai. Và được coi là 1 trong 5 tai biến sản khoa cần được phát hiện, điều trị sớm.  Khi nó ảnh hưởng đến não, người bệnh có nguy cơ bị co giật (sản giật).

Phương pháp điều trị các rối loạn tăng huyết áp thai kỳ

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và đối tượng được điều trị mà các bác sĩ sẽ cân nhắc những biện pháp an toàn và phù hợp nhất.

Trong một số trường hợp nhẹ không cần dùng thuốc, chị em có thể được chỉ định điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối.

Trong trường hợp bắt buộc phải điều trị bằng thuốc, dưới đây là một vài biện pháp điều trị cụ thể tương ứng với các dạng bệnh tăng huyết áp thai kỳ thường gặp:

Điều trị tăng huyết áp mãn tính

Người bệnh được theo dõi sát sao và áp dụng các biện pháp điều trị không sử dụng thuốc như: nghỉ ngơi, ăn giảm nhạt với trường hợp THA độ I (HATT 140 - 149mmHg, HATTr 90 - 94mmHg).

Khi HATT từ 150 - 160mmHg, HATTr từ 100 - 110mmHg, mục tiêu điều trị là giảm nguy cơ cho mẹ, tuy nhiên phải an toàn cho thai nhi. Thuốc nên lựa chọn hàng đầu là: alpha methyldopa.

Trong trường hợp HATT > 160  và/hoặc HATTr ≥ 110mmHg, đây được coi là tình trạng cấp cứu nghiêm trọng, cần nhập viện theo dõi và điều trị.

Tuy nhiên, việc cân nhắc khi nào cần dùng thuốc điều trị và dùng loại thuốc gì với liều lượng ra sao thì cần được bác sĩ cân nhắc, đánh giá kết hợp nhiều yếu tố khác nhau cả lâm sàng của người bệnh, xét nghiệm và chỉ số huyết áp. 

Điều trị tăng huyết áp thai nghén

Điều trị bằng thuốc chống tăng huyết áp, mục tiêu trị liệu và lựa chọn thuốc tương tự như với điều trị tăng huyết áp mạn trong thai kỳ. Sản phụ nên được theo dõi đều đặn huyết áp và xét nghiệm protein niệu và các dấu hiệu khác của tiền sản giật (tần suất theo dõi phụ thuộc vào trị số huyết áp và các thông số khác ở thời điểm thăm khám). 

Chị em bị tăng huyết áp do thai nghén vẫn có thể cho con bú an toàn. Đa số các thuốc sử dụng an toàn trong thai kỳ bài tiết vào sữa mẹ với lượng nhỏ và có thể dùng trong thời kì cho con bú.  Lựa chọn thuốc: methyldopa là lựa chọn hàng đầu, không có báo cáo về tác dụng phụ. Khi có chỉ định dùng thuốc chẹn beta giao cảm thì labetalol và propranolol được ưu tiên. Không dùng thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin. Lợi tiểu có thể  làm giảm lượng sữa, do vậy có thể  làm mất sữa.

Điều trị tiền sản giật

Tiền sản giật có tiên lượng xấu cho cả mẹ và thai nhi.

Phương pháp điều trị bao gồm: theo dõi sát tại bệnh viện, kiểm soát huyết áp, cân nhắc dùng trưởng thành phổi, thuốc bảo vệ não thai nhi, kịp thời phát hiện các dấu hiệu nặng của tiền sản giật và sản giật và thời điểm cần đình chỉ thai. Điều trị không làm thay đổi sinh lí bệnh nhưng làm bệnh chậm tiến triển để có thời gian cho thai phát triển. Điều trị dựa trên nguyên tắc: Cứu sống mẹ, có chiếu cố tới con. 

Chỉ định đình chỉ thai khi có các dấu hiệu thai chậm phát triển thai hoặc có các dấu hiệu nguy cơ cho mẹ như: THA nặng, tăng men gan, giảm tiểu cầu, suy thận, suy gan, giảm thị lực, đau đầu,  đau vùng gan dữ dội .

Trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp điều trị nào, chị em cần phải thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất. Trong thời gian chăm sóc và điều trị, nếu phát hiện những biểu hiện bất thường, chị em cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.