Lưu ý khi dùng các phương pháp đông y trị ho
mẹo dùng đông y trị ho
Đông y là một trong những cách điều trị triệu chứng ho hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Lưu ý khi dùng các phương pháp đông y trị ho

Tác giả: - Xuất bản: 30/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
Đông y trị ho có thể dùng bài thuốc, vị thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt.… giúp giảm nhanh các triệu chứng ho, khạc đờm và đạt hiệu quả cao. Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thời tiết trở lạnh, nhiễm trùng, dị ứng, các bệnh lý hô hấp cấp và mạn tính, tác dụng phụ của thuốc… là những nguyên nhân gây ho thường được biết đến. Đông y điều trị triệu chứng ho mang tới hiệu quả cao, được nhiều người tìm hiểu và áp dụng. Hãy cùng tìm hiểu các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc điều trị ho qua bài viết dưới đây.  

Ho theo quan điểm đông y 

Ho là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ các chất lạ gây cản trở quá trình trao đổi khí như vi khuẩn, bụi bẩn và các dị vật khác. Ho thường đi kèm với việc co bóp cơ và sản xuất nước dịch nhằm làm sạch đường hô hấp. Tuy không phải là bệnh lý cấp tính gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ho, nhất là ho nhiều, kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng và bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh. 

Ho theo góc nhìn đông y có nhiều nguyên nhân nhưng đều liên quan đến tạng phế (chức năng gần giống phổi trong y học hiện đại), vì vậy khi chữa ho phải lấy chữa tạng phế làm chính.

Cũng như trong y học hiện đại, ho và đàm có quan hệ mật thiết với nhau, khi ho thường kèm tống đàm ra khỏi cơ thể nên các thuốc chữa ho đông y phần lớn có tác dụng trừ đàm, hay ngược lại các thuốc trừ đàm cũng có nhiều loại chữa ho. Chính vì vậy, có nhiều tài liệu hay viết gộp chương thuốc chữa ho và chương thuốc trừ đàm thành làm một.

Ưu - nhược điểm của điều trị ho bằng đông y

Điều trị ho, kể cả ho có đờm bằng đông y được xem là một trong những phương pháp chữa bệnh an toàn, lành tính và mang lại hiệu quả cao: 

  • Ưu điểm: 
    • Có thể điều trị tận gốc theo căn nguyên gây bệnh (điều chỉnh lại sự rối loạn công năng tạng Phế), lành tính với cơ thể và dễ dàng áp dụng. 
    • Các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt) đều mang tới cải thiện nhất định cho người bệnh, nhiều phương pháp dùng thuốc cho hiệu quả rất tốt, được người dân tin dùng. 
  • Nhược điểm: Chẩn đoán trong đông y dù theo lý luận nhưng vẫn mang nhiều tính kinh nghiệm, khó có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân, nhất là với những người bệnh muốn tự điều trị tại nhà. Chữa ho bằng đông y cần sự chỉ dẫn của người thầy thuốc giỏi chuyên môn cũng như sự kiên trì áp dụng trong thời gian dài của người bệnh.
khám đông y trị ho
 Điều trị ho bằng đông y cần gặp thầy thuốc - Ảnh: Canva

Điều trị ho theo đông y

Điều trị ho bằng các vị thuốc tự nhiên

Thuốc chữa ho đông y được nhắc đến sau đây là những thuốc điều trị triệu chứng, làm hết hay giảm cơn ho. Do nguyên nhân gây ho có tính chất hàn - nhiệt khác nhau nên thuốc ho được chia làm hai loại: 

  • Thuốc ôn phế chỉ khái: 
    • Ho do lạnh nên dùng các vị thuốc có tính ôn ấm để chữa. Người bệnh hay có các triệu chứng như ho mà đờm lỏng dễ khạc, mặt hơi nề, sợ gió, rêu lưỡi trắng trơn, tự ra mồ hôi, ngạt mũi, khàn tiếng,...
    • Các vị thuốc thường được dùng là húng chanh, bách bộ, bạch quả, cát cánh, hạnh nhân,...
  • Thuốc thanh phế chỉ khái: Ho có sốt dùng các vị thuốc có tính mát lạnh để chữa. 
    • Thuốc thanh phế chỉ khái dùng để chữa chứng do táo nhiệt làm tổn thương phế khí gây ra ho, đờm dính, ho khan, mặt đỏ, miệng khát, đại tiện táo, người sốt, khó thở, rêu lưỡi vàng dày, mạch phù sác. Thể bệnh này hay gặp ở người bị viêm họng, viêm phế quản cấp, viêm phổi,... theo y học hiện đại.
    • Các vị thuốc thanh phế chỉ khái hay gặp là bạch tiền, tang bạch bì, tỳ bà diệp, mã dâu linh,...

Cụ thể hơn, khi nghiên cứu phân tích hoạt tính từ cây Húng chanh cho thấy thành phần bên trong cây như một loại kháng sinh có tác dụng sát khuẩn tốt, kháng viêm và long đờm, hỗ trợ giảm triệu chứng ho hiệu quả.

Để chữa ho do viêm họng, khàn tiếng, có thể dùng một trong các cách sau:

  • Húng chanh 30g, rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối, nhai dập và nuốt nước dần.
  • Lấy 20g lá húng chanh tươi, rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước uống 2 lần trong ngày.
  • Húng chanh tươi 20g, rửa sạch, thái nhỏ; đường phèn 20g. Cho hai thứ vào bát, chưng cách thủy, chắt lấy nước, uống từ từ. Bã ngậm trong miệng mút lấy nước. Mỗi ngày làm 1 - 2 lần.

Ngoài ra có thể dùng phương pháp xông hơi từ Lá húng chanh tươi: khoảng 50g, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát, đổ rượu trắng lượng vừa xâm xấp, trộn đều, đậy kín. Nấu 1 nồi nước xông sôi, khi nước xông sôi thì cho bát húng chanh vào, đậy kín vung nấu sôi lại, cho người bệnh xông khoảng 5 - 10 phút, sau đó lau khô mồ hôi, thay quần áo khác và nằm nghỉ ở nơi kín gió. Không dùng xông cho trẻ em.

Điều trị ho bằng các bài thuốc y học cổ truyền

Tùy theo từng nguyên nhân gây ho mà bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc và gia giảm hợp lý. Theo đông y, có hai nguyên nhân chính gây ho là ngoại cảm (ảnh hưởng từ môi trường) và nội thương (cơ thể yếu). 

Ho do ngoại cảm thường do hàn, nhiệt, táo; có thể dùng các bài thuốc như Chỉ thấu tán, Tang cúc ẩm, Tang hạnh thang,... tùy theo nguyên nhân.

Một số bài thuốc giải cảm thường dùng:

  • Cảm sốt, không ra mồ hôi: Húng chanh 20g, tía tô 15g, gừng tươi 5g (thái lát mỏng), cam thảo đất 15g. Sắc uống khi nước thuốc còn ấm để cho ra mồ hôi.
  • Chữa cảm hàn, ho khan, đau đầu, sốt không ra mồ hôi, miệng đắng: Lá húng chanh 15g, bạc hà 5g, tía tô 8g, gừng tươi 3 lát mỏng. Sắc uống ngày 1 thang.

Ho do nội thương thường do bệnh tại tạng phế hoặc các bệnh khác ảnh hưởng tới phế, có thể dùng Thanh kim hóa đàm thang, Sa sâm mạch đông thang, Tam tử dưỡng vinh thang,... tùy thể trạng người bệnh.

Một thử nghiệm của Nhật Bản về tác dụng giảm ho của bài thuốc Mạch môn đông thang (gồm Mạch môn, Bán hạ, Ngạnh mễ, Đảng sâm, Bạch truật, Cam thảo) tiến hành thử nghiệm trên 2 nhóm bệnh nhân ho mạn tính. Kết quả sau 2 tháng sử dụng thuốc triệu chứng ho đã giảm rõ rệt ở 2 nhóm bệnh nhân (76% bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản và 82% bệnh nhân ho mạn tính không do hen). Ngoài ra số lượng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi giảm rõ rệt, thể hiện giảm tình trạng viêm đường hô hấp.

Tuy chia làm hai nguyên nhân là ngoại cảm và nội thương nhưng hai nguyên nhân này có quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng qua lại dẫn đến triệu chứng phức tạp, cần sự chỉ dẫn của thầy thuốc khi điều trị.

Điều trị ho bằng các phương pháp không dùng thuốc

Ngoài dùng thuốc, y học cổ truyền còn có thể hỗ trợ điều trị ho bằng các phương pháp như châm cứu, nhĩ châm (châm huyệt ở tai), thủy châm (đưa thuốc vào huyệt), cấy chỉ (lưu chỉ tại huyệt với mục tiêu kích thích huyệt lâu dài), xoa bóp bấm huyệt, luyện tập khí công. 

Liệu pháp châm cứu là phương pháp điều trị quan trọng của y học cổ truyền, sử dụng nhiều kĩ thuật khác nhau để kích thích các huyệt vị trên cơ thể. Ví dụ như hào châm (sử dụng kim thép) châm vào huyệt ở thân thể, nhĩ châm (châm huyệt ở tai), thủy châm (đưa thuốc vào huyệt), cấy chỉ (lưu chỉ tại huyệt với mục tiêu kích thích huyệt lâu dài).

Trong những năm gần đây, nhiều bài báo cáo cho thấy điều trị bằng châm cứu đạt được hiệu quả trên lâm sàng, giảm tỷ lệ tái phát bệnh, giảm triệu chứng ho, đờm và triệu chứng hô hấp, đồng thời cải thiện chức năng phổi.

Xoa bóp theo Y học cổ truyền còn biết với tên gọi là Tuina - một loại trị liệu tự nhiên đã được thực hiện ở Trung Quốc hàng nghìn năm. Việc thực hiện xoa bóp kết hợp các kỹ thuật tác động đặc biệt lên các huyệt vị trên khắp cơ thể để tăng cường lưu thông khí huyết giúp cơ thể điều chỉnh cân bằng hiệu quả.

Một nghiên cứu tổng hợp về phương pháp Xoa bóp Tuina trên trẻ em mắc bệnh về đường hô hấp cho thấy phương pháp Tuina có thể hỗ trợ rút ngắn thời gian và giảm tỷ lệ ho tái phát. Và được chứng minh là liệu pháp bổ sung tương đối an toàn cho trẻ dưới 7 tuổi để giảm các triệu chứng ho.

Trong các phương pháp đông y trị ho, phương pháp dùng các loại thảo dược hay được sử dụng tại nhà và đạt hiệu quả tốt. BookingCare có thêm vài lưu ý dưới đây.

Lưu ý khi sử dụng các loại thảo dược trị ho 

  • Cần phối hợp thuốc điều trị nguyên nhân gây ho: Các loại thảo dược chữa ho chủ yếu chữa triệu chứng nên cần tìm ra căn nguyên gây bệnh thật sự để có sự phối hợp thuốc phù hợp: 
    • Nếu ho do ngoại cảm phong hàn thì phối hợp thuốc phát tán phong hàn
    • Nếu ho do phong nhiệt thì dùng thuốc phát tán phong nhiệt
    • Nếu ho do âm hư phế táo thì dùng thuốc bổ âm
    • Nếu có kèm nhiều đàm thấp thì dùng với thuốc kiện tỳ,...
  • Cách sắc các loại thuốc: Hạnh nhân, tô tử, la bạc tử nên giã nhỏ trước khi sắc; các loại thảo dược có lông như tỳ bà diệp nên bọc vải rồi mới sắc.
  • Tác dụng không mong muốn: Các thuốc chữa ho hay làm giảm cảm giác thèm ăn, nên chỉ sử dụng khi cần thiết.
  • Cấm kỵ: Những người đi phân lỏng không dùng vị hạnh nhân; bệnh sởi lúc bắt đầu hay mới mọc ban không được dùng thuốc chữa ho thảo dược vì thuốc làm ảnh hưởng đến việc mọc ban và dễ gây biến chứng.

Tóm lại, y học cổ truyền có rất nhiều các vị thuốc và phương pháp để hỗ trợ điều trị ho hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn điều trị thật chính xác với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết