Mách bạn các bài thuốc Đông y chữa bệnh trĩ
Mách bạn các bài thuốc Đông y chữa bệnh trĩ
Chữa bệnh trĩ hiệu quả
Chữa bệnh trĩ bằng các bài thuốc Đông y hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Mách bạn các bài thuốc Đông y chữa bệnh trĩ

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 12/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 16/03/2024
Bệnh trĩ gây ra nhiều khó chịu, bất tiện đồng thời khiến người bệnh cảm thấy tự ti, xấu hổ và ngại chia sẻ để điều trị. Hãy tìm hiểu một số bài thuốc Đông y chữa bệnh trĩ hiệu quả thông qua bài viết dưới đây của BookingCare.

Bệnh trĩ là bệnh lý thường gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tùy theo từng giai đoạn mà có các phương pháp điều trị khác nhau, có thể điều trị bảo tồn, điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

Bên cạnh đó, điều trị trĩ bằng các bài thuốc Đông y cũng là một phương pháp được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn bởi tính an toàn, hiệu quả cao và phù hợp với nhiều độ tuổi.

Bệnh trĩ trong Đông y là gì?

Theo lý luận Đông y, bệnh trĩ hay còn gọi là hạ trĩ phát sinh là do khí cơ trung tiêu hư nhược Tỳ bất thống nhiếp huyết gây ra chứng sa giãn khối kết thành trĩ, kèm theo khí trệ khiến đại tràng không thông, tổn thương mạch sinh ra huyết ứ ở trực tràng hậu môn, hoặc do đại trường tích nhiệt lâu ngày hợp với thấp sẵn có hình thành khối sa kết gọi là các búi trĩ. 

Tình trạng này nếu không được cải thiện cộng thêm khí hư khiến cơ nhục yếu sẽ khiến búi trĩ ngày càng sa xuống.

Nguyên nhân gây nên bệnh lý này thường do mắc các bệnh lý của ngũ tạng, chế độ ăn uống không lành mạnh (sử dụng rượu bia, đồ ăn cay nóng,...), người già cơ nhục suy yếu, phụ nữ có thai hoặc do thường xuyên ngồi lâu ở một tư thế, phòng dục quá độ làm thấp nhiệt ngưng kết ở đại tràng, sau đó dồn xuống trực tràng hậu môn gây ra các triệu chứng: đau, chảy máu và có khối bất thường vùng hậu môn.

Một số bài thuốc Đông y điều trị bệnh trĩ

Bài thuốc Chỉ thống thang gia giảm

  • Chủ trị: Trĩ sa ra ngoài đau và không đẩy vào được, đại tiện táo, vùng hậu môn đau và tiết nhiều dịch
  • Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết chỉ thống
  • Các vị thuốc: Hoàng bá, Hoàng liên, Đào nhân, Xích thược, Đương quy, Trạch tả, Sinh địa, Đại hoàng, Hồng hoa, Xuyên khung, Một dược, Tam thất, Nhũ hương, Tô mộc.

Bài thuốc Bổ trung ích khí thang gia giảm

  • Chủ trị: Trĩ gây đại tiện ra máu kéo dài gây thiếu máu, búi trĩ sa xuống mất khả năng tự co hồi, tinh thần mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ù tai, sắc mặt trắng nhợt, ăn ngủ kém.
  • Công dụng: Ích khí thăng đề, điều bổ Tỳ vị, bổ huyết, chỉ huyết 
  • Các vị thuốc: Hoàng kỳ, Đảng sâm, Đương quy, Bạch truật, Trần bì, Sài hồ, Thăng ma, Địa du sao đen, Hòe hoa sao đen, Kinh giới sao đen, Cam thảo.

Bài thuốc Hoạt huyết địa hoàng thang gia giảm

  • Chủ trị: Trĩ nội đi ngoài ra máu nhiều, đại tiện táo, ra máu. 
  • Công dụng: Thanh nhiệt, táo thấp, hoạt huyết, chỉ huyết
  • Các vị thuốc: Sinh địa, Đương quy, Hoàng cầm, Ma nhân, Xích thược, Địa du, Kinh giới, Đại hoàng, Hòe hoa, Thăng ma, Tri mẫu, Cảo bản, Hoàng bá, Hoàng liên, Cam thảo.

Bài thuốc Hòe hoa tán gia giảm

  • Chủ trị: Trĩ ngoại có nhiễm khuẩn kèm theo, người bệnh đại tiện ra máu nhiều, hậu môn nóng rát, táo bón.
  • Công dụng: Lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt lợi thấp.
  • Các vị thuốc: Hòe hoa, Trắc bách diệp, Địa du, Chỉ xác, Bạch thược, Kim ngân hoa, Sinh địa, Cam thảo, Kinh giới.

Bài thuốc Quy tỳ thang gia giảm

  • Chủ trị: Người bệnh đại tiện ra máu nhiều khi đi đại tiện , người mệt, sắc mặt nhợt nhạt, ăn ngủ kém.
  • Công dụng: Kiện tỳ, ích khí nhiếp huyết
  • Các vị thuốc: Hoàng kỳ, Bạch truật, Chế hoàng tinh, Đảng sâm, Đương quy, Trần bì, Bạch linh, Đan bì, Chi tử, Mộc hương, Cam thảo.

Ưu và nhược điểm khi sử dụng các bài thuốc Đông y điều trị bệnh trĩ

Ưu điểm:

  • Điều trị toàn thân, giúp loại bỏ nguyên nhân gây bệnh
  • Lành tính, ít tác dụng phụ
  • Phù hợp với nhiều độ tuổi, đối tượng

Nhược điểm:

  • Không có tác dụng tức thì mà cần điều trị kéo dài
  • Có thể gây kích ứng da với một số bệnh nhân

Trên đây là một số bài thuốc Đông y thường được dùng để điều trị bệnh trĩ, nhưng bên cạnh đó bạn cũng cần kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa bệnh tái phát. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh lý này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết