Bệnh trĩ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bệnh trĩ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Những điều bạn cần biết về bệnh trĩ
Những điều bạn cần biết về bệnh trĩ - Ảnh: BookingCare

Bệnh trĩ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 18/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 29/01/2024
Bệnh trĩ là nỗi mặc cảm lớn của rất nhiều người bệnh, dù nam hay nữ nếu không duy trì được một chế độ ăn uống khoa học và lười vận động thì đều có khả năng mắc bệnh trĩ.

Bệnh trĩ là một vấn đề sức khỏe phổ biến trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Bệnh không chỉ gây ra những cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của những người bệnh.

Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam thống kê bệnh trĩ chiếm tới 35% - 50% các bệnh thuộc về đại trực tràng. Cùng tìm hiểu về bệnh trĩ qua bài viết dưới đây để thấy được sử ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe con người.

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ là tình trạng sưng và viêm của các mạch máu vùng hậu môn trực tràng. Các mạch máu này khi bị sưng, tạo nên những búi trĩ. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuất hiện ở những người trưởng thành.

Bệnh trĩ trĩ nội nằm trên cấu trúc giải phẫu là đường lược, trĩ ngoại nằm dưới đường lược

  • Trĩ nội: Do dạng trĩ nội nằm sâu bên trong trực tràng nên bạn không thể sờ thấy hoặc nhìn thấy được. Đến khi trĩ to lên, lúc người bệnh đi đại tiện thì búi trĩ lòi ra.
  • Trĩ ngoại: Trĩ ngoại nằm vùng bên ngoài hậu môn nên dễ cọ sát với quần áo, ghế ngồi…
Các cấp độ thường gặp ở bệnh trĩ - Ảnh: bvdaihoccoso3.com.vn
Các cấp độ thường gặp ở bệnh trĩ nội - Ảnh: bvdaihoccoso3.com.vn

Phân độ bệnh trĩ nội: dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn.

  • Trĩ độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
  • Trĩ độ 2: lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong.
  • Trĩ độ 3: mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy nhẹ vào.
  • Trĩ độ 4: búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn

Nguyên nhân của bệnh trĩ

Một trong những cơ chế người bệnh bị mắc trĩ đó là do thành tĩnh mạch chịu những áp lực quá lớn khiến cho chúng phải căng giãn quá mức gây nên hiện tượng phình gập tĩnh mạch tạo thành những búi rối tĩnh mạch hay gọi là búi trĩ.

  • Tăng áp lực trong hậu môn như: táo bón,…
  • Thai kỳ và sinh nở: Phụ nữ mang thai thường trải qua một giai đoạn tăng cường áp lực trong hậu môn do sự gia tăng trọng lượng của thai nhi gây nên triệu chứng trĩ.
  • Tuổi tác và sự suy giảm hoạt động cơ: Người già thường trải qua sự suy giảm cơ do quá trình lão hóa, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cơ của hậu môn và tăng nguy cơ bệnh trĩ.
  • Chế độ ăn và lối sống: Chế độ ăn thiếu chất xơ, người ngồi lâu, đặc biệt là trên ghế không thoải mái, có nguy cơ cao hơn mắc bệnh trĩ
  • Các bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác như viêm đại tràng, ung thư hậu môn, hoặc các vấn đề về cân nặng cũng có thể là nguyên nhân gây nên triệu chứng trĩ.

Triệu chứng của bệnh trĩ

Các dấu hiệu và triệu chứng của trĩ có thể bao gồm:

  • Chảy máu không kèm đau trong quá trình đi tiêu. Ban đầu có thể thấy một lượng kín đáo máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn là khi ngồi xổm cũng chảy máu.
  • Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn.
  • Đau hoặc khó chịu, dao động từ không đau, đau ít đến rất đau, tắc hoặc nghẹt.
  • Sưng vùng quanh hậu môn
  • Một khối nhô lên gần hậu môn, rát hoặc đau (có thể là huyết khối tại búi trĩ).

Triệu chứng trĩ thường phụ thuộc vào vị trí:

Trĩ ngoại

Trĩ ngoại gây khó chịu cho người bệnh, bởi vì vùng da trên búi trĩ bị kích thích và bị loét. Nếu cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ ngoại, cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. 

Bệnh nhân có thể cảm thấy hoặc nhìn thấy một khối nhô lên quanh hậu môn. Cục máu đông có thể bị hấp thu để lại vùng da nhăn nheo gây ngứa và rát.

Trĩ nội

Trĩ nội thường không gây đau, ngay cả khi chúng xuất huyết (chảy máu). Người bệnh có thể, ví dụ, nhìn thấy máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt vào bồn cầu nhà vệ sinh. 

Búi trĩ thường không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được, và chúng hiếm khi gây khó chịu, tuy nhiên đối với trĩ nội độ 3,4 người bênh hoàn toàn có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được. Trong lúc rặn đi cầu, phân khi đi ngang hậu môn có thể làm trầy xước bề mặt búi trĩ và làm chảy máu. Trĩ nội cũng có thể bị sa ra ngoài hậu môn tạo trĩ nội sa. 

Khi trĩ bị sa, nó có thể hấp thu một lượng nhỏ chất nhầy và phân có thể gây kích thích gây ra ngứa, đau và rát. Lau liên tục để cố gắng giảm ngứa có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.

Điều trị bệnh trĩ như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ, từ những biện pháp tự nhiên đến các phương pháp y khoa chuyên sâu. Dưới đây là một số phương pháp thông dụng:

Thay đổi lối sống và chế độ ăn

Đảm bảo chế độ ăn giàu chất xơ để ngăn chặn táo bón.

Hạn chế thời gian ngồi lâu một tư thế.

Dùng thuốc

Sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm và bền thành mạch để giảm triệu chứng. Thuốc chống táo bón cũng có thể được kê đơn.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp nặng, khi các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể là lựa chọn cuối cùng. Các phương pháp phẫu thuật, thủ thuật bao gồm ligation (buộc nút) và excision (cắt bỏ).

Điều trị bằng laser và sóng cao tần

Một số phương pháp mới sử dụng laser và sóng cao tần RFA để điều trị trĩ và giảm nguy cơ tái phát.

Ngoài ra việc chăm sóc bệnh trĩ tại nhà cũng hết sức quan trọng. Nó không chỉ góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục mà còn tránh được những biến chứng do căn bệnh này mang lại.

Phòng ngừa bệnh trĩ

Chế độ ăn giàu chất xơ

Dinh dưỡng trong bệnh trĩ rất quan trọng trong điều trị và phòng ngừa - Ảnh: Freepik
Dinh dưỡng trong bệnh trĩ rất quan trọng trong điều trị và phòng ngừa - Ảnh: Freepik

Dinh dưỡng hợp lý trong bệnh trĩ là cực kỳ quan trọng. Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt của đường ruột và giảm nguy cơ táo bón, một trong những nguyên nhân chính của bệnh trĩ. Thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, quả, ngũ cốc nguyên hạt là những lựa chọn tốt để bổ sung chất xơ vào chế độ ăn hàng ngày.

Uống đủ nước

Việc duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể không chỉ giúp cơ hoạt động linh hoạt mà còn hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Uống đủ nước giúp làm mềm phân và giảm áp lực lên hậu môn, giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Thực hiện đều đặn hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất đều đặn không chỉ giúp duy trì cân nặng lý tưởng mà còn cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ. Bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, hoặc thậm chí là việc tập luyện yoga có thể mang lại nhiều lợi ích.

Hạn chế thời gian ngồi lâu

Ngồi lâu trên ghế cứng có thể tăng áp lực lên hậu môn và góp phần gây ra bệnh trĩ. Hãy thực hiện những động tác co giãn và đứng dậy để nghỉ ngơi định kỳ nếu công việc của bạn đòi hỏi phải ngồi lâu.

Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích

Hạn chế việc tiêu thụ rượu và thuốc lá, vì chúng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và tạo áp lực đối với hệ tuần hoàn máu.

Kiểm soát cân nặng

Kiểm soát cân nặng là quan trọng để giảm áp lực lên hậu môn và ngăn chặn sự phát triển của bệnh trĩ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ 

Kiểm tra định kỳ với bác sĩ là cách tốt nhất để theo dõi sức khỏe của hậu môn và ngăn chặn bệnh trĩ trước khi nó trở nên nghiêm trọng.

Bệnh trĩ là một thách thức sức khỏe mà nhiều người phải đối mặt. Tuy không phải là một căn bệnh đe dọa tính mạng, nhưng ảnh hưởng của nó đối với chất lượng cuộc sống và tinh thần không thể phủ nhận. 

Bằng cách chủ động chăm sóc sức khỏe và áp dụng những biện pháp phòng ngừa, chúng ta có thể giữ cho hệ tiêu hóa của mình khỏe mạnh và tránh được căn bệnh này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết