Mách bạn cách trị mề đay hiệu quả
Mách bạn cách trị mề đay hiệu quả
Mách bạn cách trị mề đay hiệu quả
Mách bạn cách trị mề đay hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Mách bạn cách trị mề đay hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 18/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Tham khảo những chỉ dẫn dưới đây để trị mề đay hiệu quả, nhanh chóng đồng thời phòng ngừa, tránh bệnh tái phát.

Nguyên tắc điều trị bệnh mề đay là xác định và loại bỏ dị nguyên gây bệnh, tránh tiếp xúc lại với dị nguyên là cách tốt nhất trong điều trị và phòng bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mề đay rất khó phát hiện các dị nguyên này gây bệnh.

Cách trị mề đay hiệu quả

Đa phần những trường hợp bị mề đay cấp có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị y tế hoặc có thể biến mất nhanh chóng sau khi dùng thuốc. Ngược lại, điều trị mề đay mãn tính/ tái phát thường không có đáp ứng tốt và cần phải phối hợp với điều chỉnh lối sống để đạt được hiệu quả tối ưu.

1. Điều trị mề đay cấp tính

Điều trị mề đay cấp tương đối dễ dàng. Trong mọi trường hợp, cần loại trừ căn nguyên gây bệnh (nếu xác định được). Nếu tổn thương không thuyên giảm sau vài giờ, có thể sử dụng thuốc bôi và thuốc uống để cải thiện.

Thuốc bôi:

  • Chủ yếu dùng  bột talc xoa da giảm ngứa, giảm cào gãi.
  • Có thể sử dụng với các loại kem dưỡng ẩm để làm dịu và mềm da, tránh yếu tố kích thích.

Thuốc uống:

  • Lựa chọn ưu tiên là dùng thuốc kháng histamin H1 để ức chế phóng thích histamin vào da, từ đó giúp giảm ngứa và kiểm soát tổn thương lâm sàng. Liều có thể gấp 4 lần liều chuẩn, an toàn và ít tác dụng phụ.
  • Trường hợp có đáp ứng kém với thuốc kháng histamin H1 có thể dùng phối hợp với thuốc kháng histamin H2 để tăng hiệu ngăn chặn phóng thích histamin vào niêm mạc và da.
  • Corticoid đường uống có thể dùng trong trường hợp mề đay nặng và diễn tiến nhanh. Tuy nhiên hiệu quả thuốc mang lại tương đối hạn chế và rủi ro cao nên ít khi được sử dụng trên lâm sàng.
  • Thuốc kháng cholin được sử dụng đối với mề đay Cholinergic (mề đay khởi phát do cơ thể đổ nhiều mồ hôi và tăng thân nhiệt)

2. Điều trị mề đay mãn tính, hay tái phát

Điều trị mề đay mãn tính và hay tái phát gặp nhiều khó khăn hơn so với mề đay cấp. Để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa tái phát, cần phối hợp sử dụng thuốc với cách ly với căn nguyên gây bệnh.

Cần loại trừ căn nguyên và các yếu tố có khả năng gây bệnh như nhiễm trùng (nhiễm trùng tiết niệu, tai mũi họng, nhiễm ký sinh trùng,…), thức ăn, thực vật, động vật,… Các trường hợp bị mề đay mãn tính và tái phát đều phải kiêng rượu, bia và các loại đồ uống chứa cồn.

Với mề đay mãn tính, điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng histamin trong ít nhất 3 tháng. Sau đó cần giảm liều dần trước khi dừng hẳn.​ Cân nhắc sử dụng omalizumab hay cyclosporin khi không đáp ứng với thuốc kháng histamin dưới sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ.

Các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa mề đay

Khi gặp bệnh mề đay, bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ như:

  • Dừng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng
  • Tắm nước mát hoặc chườm khăn mát để làm dịu da
  • Mặc quần áo có chất liệu cotton, rộng rãi và thông thoáng nhằm giảm ma sát lên vùng da tổn thương
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và thực hiện các biện pháp giải tỏa căng thẳng
  • Ăn uống điều độ để nâng đỡ thể trạng
  • Tránh các hoạt động nặng nhọc hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi
  • Vệ sinh không gian sống để tránh tiếp xúc với nấm mốc, côn trùng,…
  • Không tắm với nước quá lạnh hoặc quá nóng
  • Điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm – đặc biệt là nhiễm giun, sán,…

Bệnh nhân và gia đình khi thăm khám nên chủ động trao đổi với bác sĩ về tiền sử dị ứng và tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa khi dùng một số dược phẩm để được chỉ định loại thuốc phù hợp.

Mề đay mẩn ngứa là biểu hiện ngoài da thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng của bệnh có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài phút đến vài giờ mà không để lại dấu vết. Tuy nhiên, trong trường hợp thương tổn da kéo dài hơn 24 giờ, nên chủ động điều trị để giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare