Mách bạn cách xử trí khi bị say nắng và say nóng
Say nắng
Say nắng nếu không nhanh chóng xử lý có thể gây ra một số di chứng không thể hồi phục - Ảnh: BookingCare

Mách bạn cách xử trí khi bị say nắng và say nóng

Tác giả: - Xuất bản: 13/05/2024 - Cập nhật lần cuối: 13/05/2024
Tình trạng say nắng, say nóng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng nhanh và không thể hạ nhiệt. Say nắng có thể gây ra những tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, say nắng/say nóng cần được xử trí kịp thời.

Say nắng là tình trạng khá thường gặp trong mùa hè. Không chỉ xuất hiện triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi,... mà còn dẫn đến đột quỵ. Nếu không nhanh chóng xử lý có thể gây ra một số di chứng không thể hồi phục và gây mất mạng.

Trong bài viết sau, BookingCare sẽ giới thiệu cách xử trí say nắng, say nóng và biện pháp phòng tránh, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.

Xử trí say nắng và say nóng như thế nào?

Sơ cứu ngoài viện

Một điều cần nhấn mạnh là khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu.

Do đó, nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng - say nóng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bất cứ sự trì hoãn nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Trong khi đợi hỗ trợ y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu:

  • Nhanh chóng đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc tới một khu vực râm mát, và cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.
  • Nếu có thể được, đo thêm nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát:
  • Làm mát ngay tức thì: quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước.
  • Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
  • Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân (do các khu vực này nhiều mạch máu gần da nên làm lạnh chúng giúp hạ nhiệt độ nhanh chóng).
  • Đặt bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.
  • Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, bạn có thể gọi điện tới phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.
  • Theo dõi liên tục ý thức, tình trạng mất nước nặng nếu cần phải hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng kỹ thuật CRP (hồi sinh tim phổi) cơ bản.

Xử trí tại khoa cấp cứu

  • Bệnh nhân nhanh chóng sẽ được ổn định đường thở, hô hấp và tuần hoàn (nếu cần) và bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nặng.
  • Sử dụng các biện pháp làm mát tích cực.
  • Thở oxy, truyền dịch, điều chỉnh nước điện giải.
  • Làm các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.
  • Theo dõi liên tục các dấu hiệu sống, huyết áp và nước tiểu

Tiên lượng khi bị say nắng và say nóng như thế nào?

Tiên lượng xấu tỉ lệ với thời gian từ lúc tăng thân nhiệt tới lúc được điều trị. Điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực biến chứng, tỉ lệ sống đạt > 90%.

Tiên lượng xấu khi:

  • Hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu.
  • Toan lactic.
  • Nhiệt độ > 42,2 độ C.
  • Hôn mê > 4h.
  • Suy thận, tăng kali máu.
  • Tăng AST > 1000.
  • Tăng thân nhiệt kéo dài.

Tóm lại, nếu bạn nghi ngờ ai đó có dấu hiệu bị say nắng - say nóng, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Bất cứ sự trì hoãn nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong. Nếu khoảng cách tới bệnh viện khá xa hoặc xe cấp cứu chưa đến kịp thời, bạn hãy áp dụng các biện pháp trên đây để giúp người quanh bạn được an toàn nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết