Mất ngủ kinh niên và phương pháp điều trị hiệu quả không dùng thuốc
Mất ngủ kinh niên
Ảnh minh họa - Sức khỏe đời sống

Mất ngủ kinh niên và phương pháp điều trị hiệu quả không dùng thuốc

Mất ngủ kinh niên dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả làm việc.

Mất ngủ kinh niên (mãn tính) là tình trạng khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ vào ban đêm, hoặc thức giấc sớm và không ngủ lại được trong thời gian tối thiểu là 1 tháng.

Mất ngủ ít hơn 1 tháng gọi là mất ngủ cấp (ngắn hạn), còn mất ngủ trong thời gian dài, nhiều hơn 1 tháng là mất ngủ mãn tính (kinh niên).

Triệu chứng của mất ngủ kinh niên

Người bị bệnh mất ngủ mãn tính thường có những triệu chứng sau:

  • Trằn trọc khó đi vào giấc ngủ.
  • Hay bị tỉnh giấc nhưng lại khó đi vào giấc ngủ trở lại.
  • Thường thức giấc sớm.
  • Thấy mệt mỏi, không thoải mái khi thức dậy.
  • Không có cảm giác nghỉ ngơi, phục hồi sau khi ngủ dậy.
  • Cảm thấy lờ đờ, uể oải, không tỉnh táo và hay buồn ngủ vào ban ngày.
  • Thấy khó chịu, lo âu hoặc trầm cảm.
  • Người bị mất ngủ kinh niên thường cảm thấy khó tập trung, giảm sự chú ý và ghi nhớ.
  • Hay bị căng thẳng và nhức đầu...
  • Tâm trạng hay bồn chồn, dễ cáu giận.
  • Cảm thấy khó đưa ra quyết định sáng suốt.
  • Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
  • Có thể bị ảo giác.

Mất ngủ kinh niên và hệ quả

Theo nghiên cứu, hơn một phần ba số người lớn đã từng trải qua mất ngủ tại một thời điểm nào đó. Trong khi đó, từ 10 đến 15% người bị mất ngủ lâu dài kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trở thành mất ngủ kinh niên.

Mất ngủ kinh niên dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả làm việc. Mất ngủ kinh niên có thể gây suy nhược cơ thể, sức khỏe ốm yếu, tinh thần suy sụp.

Mất ngủ kinh niên còn gây nên nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác như là tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy giảm trí tuệ...

Với những người trẻ, mất ngủ kinh niên tuy ít xảy ra hơn so với người trung niên và cao tuổi, nhưng lại ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần, sự linh hoạt và cả vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể.

Cách điều trị mất ngủ kinh niên

Các chuyên gia về giấc ngủ đưa ra nhiều phương pháp điều trị mất ngủ kinh niên. Dưới đây là một số phương pháp hiện đang được ứng dụng.

Hành vi liệu pháp

  • Giáo dục về thói quen ngủ tốt
  • Kỹ thuật thư giãn giúp kiểm soát hơi thở, nhịp tim, cơ bắp căng thẳng và tâm trạng.
  • Liệu pháp nhận thức liên quan đến việc thay thế những lo lắng về việc không ngủ với những suy nghĩ tích cực.
  • Hạn chế thời gian ở trên giường, gây thiếu ngủ một phần, giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ hơn...

Điều trị bằng thuốc tây y

Sử dụng thuốc để ức chế thần kinh trung ương. Tây y phù hợp và có hiệu quả với bệnh nhân bị mất ngủ cấp tính, trong thời gian ngắn. 

Điều trị bằng thuốc đông y

Dùng đông y hiệu quả với bệnh nhân bị mất ngủ lâu dài, mất ngủ kinh niên. 

Chữa mất ngủ không dùng thuốc

Thiền, Yoga, tập hít vào, thở ra, bấm huyệt, vật lý trị liệu, dưỡng sinh rất hiệu nghiệm trong điều trị mất ngủ. 

Ngồi thiền - Ảnh: BookingCare

Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp chữa mất ngủ kinh niên bằng Thiền (Meditation).

Thiền không khó để áp dụng nhưng cần kiên trì, bền bỉ và luyện tập thường xuyên. Hy vọng, người mất ngủ kinh niên sẽ tìm ra phương pháp hiệu nghiệm để vượt qua bệnh tật để mà sống vui sống khỏe.

Theo chúng tôi, người bị mất ngủ, muốn dễ đi vào giấc ngủ và có giấc ngủ ngon, ngủ sâu giấc nên tiến hành thiền theo các bước sau đây, thời gian từ 20-30 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ.

Ngồi thiền là một phương pháp giúp ta trở về với ngôi nhà đích thực của mình. Hãy để cho tâm mình trở nên thông thoáng, lắng dịu và cởi mở. Thiền giúp xóa đi những bồn chồn, lo lắng, mang đến sự an lạc, thảnh thơi trong tâm hồn. 

Ngồi thiền có tác dụng trị liệu rất lớn. Mục đích của ngồi thiền là ngồi yên mà không làm gì cả, có mặt trọn vẹn và ý thức là mình đang còn sống. Ngồi thiền như thế nào mà ta thấy có hạnh phúc, an lạc và thư thái. Ban đầu, ngồi yên và không làm gì cả là một việc khó khăn với nhiều người.

Với người mới bắt đầu vào thiền, có thể bắt đầu tiến hành như sau.

  • Chọn một nơi yên tĩnh và thoải mái để ngồi. Có thể ngồi ở trên đệm hoặc có dụng cụ tọa thiền càng tốt.
  • Ngồi Thiền trong vòng 20-30 phút, trước khi đi ngủ, tư thế ngồi thoải mái, dễ chịu.
  • Sau khi Thiền xong thì sẽ bắt đầu đi ngủ. Dần dần, triệu chứng mất ngủ sẽ được cải thiện. Giấc ngủ sẽ ngon và sâu giấc hơn.

Tuy nhiên, Thiền chỉ có hiệu quả khi chúng ta ngồi thiền đúng cách. Vì vậy, muốn có hiệu quả thì người mới Thiền nên tìm hiểu thêm về Thiền để đạt hiệu quả tốt hơn. Từ đó, căn bệnh mất ngủ kinh niên sẽ từng bước được đẩy lùi.

Phương pháp Thiền để cải thiện triệu chứng mất ngủ như trình bày trên đây chỉ là chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Có thể không đúng với người khác nhưng bạn đọc có thể tham khảo.

Tuy nhiên, ngồi Thiền là phương pháp có lợi cho sức khỏe, được nhiều chuyên gia khuyên nên áp dụng. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết