Mất răng bao lâu thì bị tiêu xương hàm?

Tác giả: - Xuất bản: 03/05/2024 - Cập nhật lần cuối: 12/05/2024
Tiêu xương hàm
Tiêu xương hàm là biến chứng nặng của mất răng - Ảnh: BookingCare
Mất răng lâu ngày nếu không được điều trị có thể dẫn tới tiêu xương, sai lệch khớp cắn,... Vậy mất răng bao lâu thì bị tiêu xương?

Hàm răng không chỉ giúp tiêu hóa thức ăn mà còn góp phần tạo nên diện mạo hài hòa cho mỗi người. Mất răng không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn gây ra biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như tiêu xương, lệch khớp cắn,… Vậy mất răng bao lâu thì bị tiêu xương hàm? Cùng BookingCare tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Mất răng bao lâu thì bị tiêu xương hàm?

Tiêu xương hàm là biến chứng nguy hiểm do mất răng lâu ngày không được điều trị. Quá trình này diễn ra âm thầm và hoàn toàn không gây ra các triệu chứng đau nhức cho cơ thể.

Bình thường răng và khung xương hàm có mối quan hệ chặt chẽ. Xương cần sự kích thích của chân răng để duy trì hình dạng, mật độ. Do đó khi bị răng bị mất dẫn tới thiếu sự kích thích làm giảm mật độ và kích thước phần xương hàm xung quanh.

Theo nhiều nghiên cứu nha khoa cho thấy thời gian tiêu xương do mất răng phụ thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe, độ tuổi, giới tính của người bệnh. Trung bình sau khoảng 3 tháng mất răng thì mật độ xương giảm dần, xương hàm trở nên xốp và tiêu dần đi.

Sau khoảng 6 tháng đầu, phần xương hàm có thể bị tiêu đi từ 60 - 80%. Lâu dần cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng rõ ràng như răng bị xô lệch, tình trạng chảy xệ cơ vùng mặt,… Tiêu xương hàm không chỉ giới hạn ở phần xung quanh răng mà các phần xương còn lại cũng có thể bị mất. Và độ tuổi càng lớn thì tốc độ tiêu xương càng nhanh.

Biến chứng của tiêu xương hàm do mất răng

Mất răng nếu không được trồng răng sớm sẽ dẫn tới tiêu xương hàm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa mà còn gây ra những khó khăn cho việc làm phục hình răng. Dưới đây là những biến chứng của tiêu xương hàm do mất răng:

Tụt nướu

Khi xương tiếp tục bị mất đi chiều rộng và chiều cao, các mô nướu không có khung nâng đỡ cùng giảm dần. Vùng nướu xung quanh rất mỏng sẽ làm lộ chân răng bên cạnh. Điều này có thể dẫn tới các tình trạng viêm nhiễm răng miệng nghiêm trọng.  

Giảm chức năng nhai

Tiêu xương hàm làm giảm chức năng nhai và ảnh hưởng tới việc cung cấp chất dinh dưỡng cho toàn thân. 

Ảnh hưởng tới diện mạo

Khi mất răng dẫn tới tiêu xương thì quá trình thay đổi trên khuôn mặt diễn ra nhanh hơn. Khi mất xương theo chiều dọc tăng dần, mối quan hệ khớp cắn bị xấu đi và kết quả là cằm bị xoay lệch khiến khuôn mặt trông kém sắc. Bên cạnh đó, tiêu xương khiến các cơ vùng mặt bị chảy xệ làm mất đi sự hài hòa vốn có.

Ảnh hưởng tới quá trình phục hình răng

Khi bị tiêu xương hàm do mất răng thì quá trình phục hình răng gặp nhiều khó khăn. Quá trình tiêu xương có thể khiến cho các phần xương hàm xung quanh không bằng phẳng dẫn tới cảm đau đớn khi sử dụng hàm răng giả. Đồng thời, điều này cũng khiến cho phương pháp trồng răng Implant gặp khó khăn và làm giảm tuổi thọ của phương pháp trồng răng implant.

Có thể thấy quá trình tiêu xương do mất răng phù thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng răng của người bệnh. Vì vậy không có khoảng thời gian cố định về nguy cơ tiêu xương ở bệnh nhân mất răng. Do đó, khi mất răng người bệnh nên đi khám để được tư vấn các phương pháp điều trị mất răng phù hợp, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết