Mề đay là bệnh da liễu thường gặp, dựa theo mức độ tiến triển của bệnh thì mề đay có 2 dạng là mề đay cấp tính và mề đay mãn tính. Tình trạng nổi mề đay ở mỗi người là không giống nhau. Nếu bạn bị nổi mề đay hàng ngày hoặc hầu như mỗi ngày trong 6 tuần hoặc lâu hơn thì thuật ngữ y khoa cho tình trạng này là “nổi mề đay mạn tính”.
Mề đay mạn tính là bệnh lý thường gặp với triệu chứng sẩn phù hoặc phù mạch hoặc cả hai xuất hiện hàng ngày hoặc gần như hàng ngày trong thời gian trên 6 tuần.
Triệu chứng của mề đay rất đa dạng và phong phú, phần lớn người bệnh có biểu hiện ban đỏ gọi là sẩn phù màu trắng, hồng nhạt, nổi gồ trên mặt da ở giữa trung tâm nhạt màu hơn, bao quanh bởi quầng đỏ. Thương tổn da là các ban có kích thước đa dạng từ vài mm đến vài cm hoặc liên kết thành mề đay lớn.
Mề đay mạn tính được chia thành 2 nhóm dựa trên yếu tố gây khởi phát đặc hiệu là mề đay mạn tính cảm ứng và mề đay mạn tính tự phát.
Mề đay mạn tính cảm ứng: được phân nhóm dựa theo nguyên nhân bao gồm mày đay vật lý (mày đay do lạnh, mày đay áp lực, chứng vẽ nổi, mày đay ánh sáng, mày đay do nhiệt, mày đay rung động) và mày đay mạn tính cảm ứng không do tác nhân vật lý (mày đay cholinergic, mày đay tiếp xúc, mày đay do nước).
Mày đay mạn tính cảm ứng không liên quan đến cơ chế dị ứng, sự hình thành tổn thương do yếu tố tác động trực tiếp lên tế bào mast, làm vỡ tế bào mast và khử hạt.
Mề đay mạn tính tự phát, thể thường gặp nhất của mề đay mạn tính, đặc trưng bởi sự xuất hiện một cách tự phát của sẩn phù, phù mạch hoặc cả hai do các nguyên nhân đã biết hoặc chưa biết.
Nhiều bằng chứng nghiên cứu gần đây cho thấy một trong những nguyên nhân của mề đay mạn tính tự phát là tự miễn (các tự kháng thể hoạt hoá tế bào mast và bạch cầu ái kiềm ở da). Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mề đay mạn tính tự phát hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.
Mày đay mạn tính tự phát: không tìm thấy yếu tố khởi phát cụ thể như mày đay mạn tính cảm ứng. Tuy nhiên có các bệnh lý tự miễn, hệ thống, nhiễm khuẩn đi kèm.
Việc điều trị phải dựa trên chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, tiền sử dị ứng của bệnh nhân và gia đình để tìm hiểu lý do gây nên bệnh mề đay là gì. Từ đó loại trừ căn nguyên rồi mới kết hợp dùng thuốc.
Nguyên tắc chung trong điều trị mề đay mạn tính là kiểm soát triệu chứng với các thuốc ít độc tính nhất có thể như các thuốc kháng histamin và kháng leukotrien. Thuốc corticoid ngắn ngày được dùng trong trường hợp mề đay cấp, ảnh hưởng đến tính mạng. Một số thuốc sinh học như omalizumab, thuốc ức chế miễn dịch cysclosporin sử dụng trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với các thuốc trên.
Đối với mề đay mạn tính vì thường có liên quan tới các bệnh lý bên trong nên bệnh nhân cần phải đến bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng miễn dịch lâm sàng khám,hoặc bác sĩ của các chuyên khoa khác làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra đúng nguyên nhân, điều trị mới có hiệu quả.
Việc điều trị để làm hết các sẩn mề đay không khó, nhưng cần phải điều trị làm sao giảm tỉ lệ các đợt cấp tránh tái phát. Để tránh mề đay mạn tính tiến triển nặng, tái phát bạn đọc có thể:
Như vậy trên đây là những thông tin cần biết về mề đay mạn tính. Nhìn chung về cách điều trị thì mề đay cấp tính và mạn tính không có gì khác biệt. Bạn đọc cũng không cần quá lo lắng khi bị mề đay vì đa số trường hợp mề đay là không quá nghiêm trọng mà chỉ gây ngứa ở mức độ khác nhau và ảnh hưởng ít nhiều đến trạng thái tinh thần người bệnh.