Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể ảnh hưởng đến cân nặng của người bệnh:
- Gây giảm cân nếu một người không được điều trị.
- Mặt khác, tăng cân cũng có thể xảy ra sau khi người bệnh tiểu đường tuýp 2 bắt đầu điều trị bằng insulin. Tăng cân là tác dụng phụ thường gặp nhất của điều trị insulin.
Do vậy, với người bệnh được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2, việc tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa tăng cân.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây sụt cân?
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra, cho phép cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng, cân bằng lượng đường trong máu. Ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, các tế bào không đáp ứng với insulin như bình thường. Điều này được gọi là đề kháng insulin.
Kết quả là, tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn để vượt qua sự đề kháng. Insulin trong máu tăng quá mức, đồng thời lượng glucose trong máu vẫn cao do không được vận chuyển vào trong tế bào.
Vì các tế bào không thể lấy năng lượng cần thiết từ glucose nên cơ thể sẽ phân hủy chất béo để sử dụng làm năng lượng thay thế. Điều này có thể dẫn đến giảm cân.
Giảm cân mà không có nguyên nhân rõ ràng có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2. Các nguyên nhân rõ ràng của việc giảm cân bao gồm ăn kiêng, tập thể dục thường xuyên hoặc dùng thuốc lợi tiểu (những loại thuốc làm tăng lượng nước tiểu),...
Để bạn đọc tham khảo thông tin tin cậy, hữu ích trong phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2, BookingCare chia sẻ cẩm nang "Các bước phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2". Cẩm nang được cố vấn chuyên môn bởi TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây tăng cân?
- Khi thuốc và các phương pháp điều trị khác cho bệnh tiểu đường tuýp 2 không kiểm soát được lượng đường trong máu, các bác sĩ có thể chỉ định dùng liệu pháp insulin. Trên thực tế, hầu hết những người bắt đầu điều trị bằng insulin đều tăng cân.
- Kháng insulin, một dấu hiệu đặc trưng của bệnh tiểu đường tuýp 2, cũng có thể dẫn đến tăng cân. Khi tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn để đáp ứng với tình trạng kháng insulin, hormone này sẽ báo hiệu cho cơ và gan lưu trữ lượng đường trong máu. Sau khi cơ bắp và gan đầy, gan sẽ gửi lượng đường dư thừa trong máu đến các tế bào mỡ để lưu trữ. Điều này cũng có thể dẫn đến tăng cân.
- Một số loại thuốc tiểu đường, chẳng hạn như Glipizide và Pioglitazone, cũng có thể gây tăng cân. Các loại thuốc khác, chẳng hạn như Metformin, Liraglutide và Dapagliflozin, có thể gây giảm cân ở một số người và không ảnh hưởng đến cân nặng ở những người khác. Điều quan trọng là người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ về lựa chọn điều trị nào có thể là tốt nhất với tình trạng của bản thân.
Người bệnh có thể hạn chế tăng cân bằng cách tuân theo các khuyến nghị về chế độ ăn uống hợp lý.
Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong lối sống cân bằng đối với người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nó giúp giữ lượng đường trong máu trong phạm vi mục tiêu, cũng như thúc đẩy giảm cân hoặc duy trì cân nặng. Những lợi ích này làm tăng năng lượng và trì hoãn sự phát triển của các biến chứng tiểu đường.
Các thuốc hạ đường huyết có vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định lượng đường trong máu. Tuy nhiên thuốc có thể gây thay đổi cân nặng bằng cách ảnh hưởng đến lượng insulin trong cơ thể và cách cơ thể sử dụng đường. Người bệnh nên duy trì chế độ ăn hợp lý và thói quen luyện tập đều đặn để duy trì cân nặng lý tưởng, đồng thời thường xuyên trao đổi với bác sĩ điều trị về phác đồ điều trị phù hợp nhất.