Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ tử vong vì các bệnh tim mạch cao gấp 4 lần so với dân số chung. Người bệnh do vậy nên chủ động thực hiện một số cách để giảm nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai thay vì chỉ quản lý lượng đường trong máu.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào?
Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu và gây tổn thương dây thần kinh, dẫn đến bệnh về tim ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Phổ biến của biến chứng này là bệnh mạch vành.
Người bệnh tiểu đường cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, chẳng hạn như:
- Huyết áp cao làm tăng lực của máu qua động mạch và có thể làm hỏng thành động mạch. Bị cả huyết áp cao và bệnh tiểu đường có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.
- Quá nhiều cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong máu có thể hình thành mảng bám trên thành động mạch.
- Chất béo trung tính cao (một loại chất béo trong máu) và cholesterol HDL (cholesterol “tốt”) thấp hoặc cholesterol LDL cao được cho là góp phần làm xơ cứng động mạch.
Những người mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành sớm và tiển triển nhanh hơn. Điều này có nghĩa là so với những bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường, thành động mạch có nhiều mỡ lắng đọng hơn và bắt đầu xơ cứng sớm hơn, không có nhiều dấu hiệu báo trước, gây khó khăn cho việc điều trị và khiến bệnh tiến triển nhanh.
Sau đó, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tái phát các cơn đau tim và sẹo cơ tim, làm tăng nguy cơ đột tử do tim.
Sau một cơn đau tim, cơ tim không hồi phục tốt như ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như suy tim cao hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, do tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường gây ra, người bệnh có thể không cảm thấy đau ngực hoặc các loại khó chịu ở ngực khác - có thể báo hiệu có điều gì đó không ổn với tim, vì vậy bệnh tim có thể không được phát hiện cho đến khi bệnh tiến triển nặng và có ít lựa chọn điều trị hơn.
Thay đổi lối sống tích cực, chẳng hạn như bỏ thuốc lá, giảm cân, tập thể dục nhiều hơn, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm soát huyết áp,... tất cả đều góp phần kiểm soát bệnh tiểu đường và sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch này, sẽ không chỉ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống mà quan trọng nhất là kéo dài tuổi thọ trung bình thêm 8 năm.