Mối quan hệ HP và viêm loét – trào ngược dạ dày thực quản
Mối quan hệ HP và viêm loét – trào ngược dạ dày thực quản
Mối quan hệ HP và viêm loét – trào ngược dạ dày thực quản
Mối quan hệ HP và viêm loét – trào ngược dạ dày thực quản - Ảnh: BookingCare

Mối quan hệ HP và viêm loét – trào ngược dạ dày thực quản

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/07/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/09/2024
Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày thực quản và nguy cơ dẫn tới nhiều biến chứng cho người bệnh. Vậy vi khuẩn HP là gì? Lây qua những đường nào? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày HP? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét và trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh cần hiểu rõ về vi khuẩn HP và những triệu chứng của nhiễm khuẩn HP để chủ động điều trị sớm và tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Vi khuẩn HP là gì? 

Vi khuẩn HP có tên khoa học đầy đủ là Helicobacter Pylori, là một loại trực khuẩn Gram âm, sinh sống và phát triển mạnh trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. HP có cơ chế tiết ra enzyme urease trung hòa nồng độ acid cao trong dạ dày để tồn tại. 

Sự hoạt động của vi khuẩn HP có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và gây viêm, gọi là viêm dạ dày mãn tính. Bệnh thường phát triển mà không có triệu chứng đặc biệt, đôi khi tồn tại suốt đời. 

Ngoài ra, vi khuẩn HP còn có thể gây ra các tổn thương khác như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét, xuất huyết dạ dày, thậm chí phát triển thành ung thư dạ dày. Ước tính, Việt Nam có khoảng trên 70% dân số test HP dương tính. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào dương tính với vi khuẩn HP cũng bị tổn thương dạ dày. 

Vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP có tên khoa học đầy đủ là Helicobacter Pylori - Ảnh: Freepik

Vi khuẩn HP lây nhiễm qua đường nào? 

Vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Những con đường lây nhiễm của HP dạ dày là: 

  • Đường miệng - miệng: Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, cao răng, khoang miệng của người bệnh. Chúng có thể lây truyền sang người khác nếu dùng chung chén đũa, hôn trực tiếp, mẹ mớm đồ ăn cho con,…
  • Đường dạ dày - miệng: Vi khuẩn HP trong dạ dày khi bị trào ngược, ợ chua sẽ đẩy vi khuẩn lên miệng cùng với dịch dạ dày. Khi ăn chung, uống chung với người bệnh hoặc khám nha khoa không tiệt trùng kỹ, vi khuẩn HP có thể lây sang người khoẻ mạnh. 
  • Đường phân - miệng: Vi khuẩn HP đào thải qua phân sẽ lây nhiễm qua người khác nếu người bệnh không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, hoặc nhiễm vi khuẩn qua các con vật trung gian như ruồi, gián, chuột,…
  • Đường dạ dày - dạ dày: Quá trình nội soi dạ dày tại những cơ sở thiếu uy tín, quy trình tiệt trùng không kỹ có thể làm vi khuẩn HP lây lan. 

Triệu chứng viêm loét dạ dày do HP 

Đa số các trường hợp test HP dương tính đều không có triệu chứng đặc biệt. Tuy nhiên, một số trường hợp có các biểu hiện khá rõ ràng như: 

  • Đau, nóng rát vùng thượng vị. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột rồi tự động biến mất, hoặc có thể đau âm ỉ kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. 
  • Chướng bụng, đầy hơi, khó chịu, nhất là khi sử dụng những thực phẩm cay nóng hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ,…
  • Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua. Vùng bụng và ngực căng chướng, đau tức do sinh hơi nhiều. 
  • Buồn nôn, nôn, trào ngược dạ dày thực quản. 
  • Rối loạn tiêu hoá, màu sắc phân bất thường. Nguyên nhân do vi khuẩn HP ngăn chặn việc sản xuất acid tiêu thụ thức ăn trong dạ dày khiến quá trình tiêu hoá rối loạn. 
  • Hôi miệng do ợ hơi, ợ chua các chất trong dạ dày lên thực quản, tạo điều kiện các vi khuẩn có mùi phát triển gây hôi miệng. 
vi khuẩn HP gây ra các triệu chứng viêm loét dạ dày
Vi khuẩn HP có thể gây ra các triệu chứng viêm loét dạ dày - thực quản - Ảnh: Freepik

Biến chứng do vi khuẩn HP 

Vi khuẩn HP có thể gây ra những vấn đề ở hệ tiêu hoá, lâu dần dẫn đến những biến chứng như: 

  • Viêm loét dạ dày tá tràng: Vi khuẩn HP tấn công và phá hủy lớp màng nhầy niêm mạc dạ dày, khiến niêm mạc bị ăn mòn. Tình trạng này kéo dài có thể gây viêm, loét dạ dày tá tràng. 
  • Xuất huyết tiêu hoá: Tình trạng viêm – loét dạ dày, tá tràng nếu không được điều trị hay điều trị sai cách khiến bệnh nặng hơn. Các ổ viêm, loét có thể bị chảy máu gây xuất huyết.
  • Thủng dạ dày: Thủng dạ dày là một biến chứng nặng nề, xảy ra khi ổ loét ở niêm mạc dạ dày phát triển, ăn sâu làm phá vỡ hoàn toàn vách dạ dày gây thủng. Thủng dạ dày khiến nhiễm trùng lan vào ổ bụng dẫn tới viêm phúc mạc. Nếu không can thiệp và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, nguy hiểm tính mạng. 
  • Ung thư dạ dày: Vi khuẩn HP làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên gấp 6 – 10 lần so với người khoẻ mạnh. 
  • Các biến chứng khác: Tắc nghẽn dạ dày, chứng khó tiêu chức năng, ung thư lympho B tại biểu mô niêm mạc dạ dày,…

Điều trị viêm loét dạ dày HP như thế nào? 

Theo thống kê, có trên 80% trường hợp người bệnh có vi khuẩn HP không triệu chứng. Chỉ có khoảng 20% trường hợp test HP dương tính có khả năng gây các bệnh lý dạ dày. 

Những trường hợp cần tiêu diệt HP bao gồm: 

  • Điều trị diệt trừ HP ở bệnh nhân nhiễm HP trong các trường hợp: Viêm loét dạ dày tá tràng, khó tiêu chức năng, ung thư dạ dày đã được điều trị nội soi hoặc phẫu thuật, thiếu máu thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu. 
  • Điều trị dự phòng ung thư dạ dày cho người nhiễm HP trong các trường hợp: Có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày, khối u dạ dày dạng polyp, viêm teo niêm mạc dạ dày, sử dụng NSAIDs, aspirin kéo dài hoặc mong muốn tiệt trừ HP,…

Hiện nay, điều trị HP theo khuyến cáo của Bộ Y tế có nhiều phác đồ, tập trung vào các mục tiêu: Loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, chữa lành niêm mạc dạ dày và ngăn ngừa viêm loét tái phát, giảm nguy cơ phát triển thành ung thư. 

  • Kháng sinh: Có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP, như amoxicillin, clarithromycin, metronidazole hoặc tinidazol, tetracycline, levofloxacin.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Giúp giảm sản xuất acid dạ dày, như omeprazole, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole…
  • Bismuth: Giúp bao phủ và bảo vệ vết loét khỏi acid dạ dày. 

Sau ít nhất bốn tuần điều trị, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện nội soi hoặc test hơi thở để đánh giá hiệu quả điều trị và vi trùng Hp. Nếu vi khuẩn vẫn còn tồn tại, người bệnh sẽ được đề nghị điều trị đợt hai. 

Phòng ngừa viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP 

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn HP gây viêm loét dạ dày tá tràng, bạn cần lưu ý: 

  • Không dùng chung dụng cụ ăn uống trong gia đình, hạn chế gắp thức ăn cho nhau, ăn chung bát nước chấm,…
  • Cẩn thận khi ăn uống tại các quán ven đường vì dụng cụ ăn uống thường không vệ sinh. 
  • Nên diệt trừ ruồi, muỗi, gián, chuột,… Giữ gìn vệ sinh nhà cửa và không gian xung quanh. 
  • Không hôn trẻ, mớm đồ ăn cho trẻ. 
  • Hạn chế ăn đồ ăn sống như rau sống, gỏi hay thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc vì các loại thực phẩm này thường không được vệ sinh sạch sẽ. 

Vi khuẩn HP là nguyên nhân phổ biến gây viêm loét và trào ngược dạ dày thực quản. Muốn phòng và điều trị bệnh hiệu quả, cần kiểm soát con đường lây nhiễm của vi khuẩn. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. 

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết