Một số vị thuốc và bài thuốc đông y trị tăng huyết áp
Một số vị thuốc và bài thuốc đông y trị tăng huyết áp
Điều trị huyết áp bằng bằng các bài thuốc đông y
Điều trị huyết áp bằng bằng các bài thuốc đông y có hiệu quả tốt - Ảnh: BookingCare

Một số vị thuốc và bài thuốc đông y trị tăng huyết áp

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Vị thuốc và bài thuốc đông y trị tăng huyết áp có hiệu quả trong việc làm giảm huyết áp ở mức độ nhẹ và vừa, có thể kết hợp thuốc điều trị y học hiện đại để làm giảm huyết áp cho người bệnh. 

Tăng huyết áp là danh từ bệnh học Y học hiện đại và không có từ đồng nghĩa trong Y học cổ truyền. Các biểu hiện tăng huyết áp có thể được xếp thuộc phạm trù chứng huyễn vựng, đầu thống. Khi bệnh tiến triển, tăng huyết áp nặng gây biến chứng đột quỵ, bệnh mạch vành thì Y học cổ truyền xếp trong phạm trù các chứng trúng phong, hung tý, tâm quý. 

Đây là bệnh lý phổ biến và nguy hiểm vì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não. Một số vị thuốc, bài thuốc đông y trị tăng huyết áp đem lại hiệu quả cao trong việc hạ áp, nâng cao sức khỏe người bệnh. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Vị thuốc thảo dược giúp hạ huyết áp 

Để điều trị tăng huyết áp, một số vị thảo mộc – thực phẩm cũng có tác dụng hạ huyết áp. Nếu sử dụng hiệu quả trong chế độ ăn uống sẽ có lợi cho sức khỏe lâu dài. 

  • Cần tây: Cần tây không chỉ là gia vị mà còn là vị thảo dược có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp thông qua việc lợi tiểu, hỗ trợ thải muối natri và hỗ trợ giãn mạch máu, giảm mỡ máu. Có thể dùng ở dạng nước ép cần tây hoặc chế biến thành món ăn. 
  • Lá dâu tằm: Lá dâu tằm hỗ trợ hạ huyết áp dựa vào cơ chế hỗ trợ điều hòa dòng chảy mạch máu nội mô nhờ điều hòa nhịp tim và tăng tiết chất hóa học làm giãn mạch là nitric oxide. Nên hãm nước lá dâu tằm để uống. 
  • Tỏi: Tỏi giãn mạch, hỗ trợ làm giảm lipid máu, ngăn sự hình thành xơ vữa và giảm các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp. Dùng tỏi dưới dạng rượu ngâm, dầu tỏi hoặc gia vị ăn. 
  • Hoè hoa: Nụ hòe được dùng chữa tăng huyết áp thể nhẹ và vừa, làm bền vững thành mạch. Ngày dùng 6-20g nụ hòe sao vàng, sắc uống hoặc hãm như hãm chè.  
  • Cúc hoa: Cúc hoa hạ áp, làm tăng độ bền mao mạch, đồng thời làm sáng mắt, ngủ ngon. Liều dùng mỗi ngày 8-16g, dạng thuốc sắc, hãm trà, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác.  
cúc hoa trị tăng huyết áp
Cúc hoa và một số vị thuốc có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp - Ảnh: Freepik

Bài thuốc đông y trị tăng huyết áp

Tùy theo từng thể bệnh lâm sàng mà y học cổ truyền sử dụng các bài thuốc đông y và gia giảm khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc điều trị tăng huyết áp tham khảo theo từng thể lâm sàng: 

Tăng huyết áp thể can dương thượng cang 

  • Biểu hiện: người bệnh đau đầu, đầu căng tức, hoa mắt chóng mặt, sắc mặt hồng, mắt đỏ, dễ cáu gắt, ngủ ít, ngủ hay mê, miệng họng khô. Bệnh thường nặng lên khi người bệnh cáu gắt, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền (căng). 
  • Bài thuốc: Thiên ma câu đằng ẩm gia vị. Thành phần: Thiên ma 12g, Câu đằng 12g, Thạch quyết minh 20g, Chi tử 12g, Hoàng cầm 12g, Ích mẫu thảo 15g, Ngưu tất 15g, Đỗ trọng 12g, Tang ký sinh 12g, Dạ giao đằng 12g, Phục thần 10g. Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.

Tăng huyết áp thể can thận âm hư

  • Biểu hiện: người bệnh đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mỏi gối, hay quên, hồi hộp trống ngực, ngũ tâm phiền nhiệt (gò má đỏ, lòng bàn tay, bàn chân nóng), mất ngủ, chất lưỡi hồng, ít rêu, mạch tế sác. 
  • Bài thuốc:
    • Bài thuốc 1: Kỷ cúc địa hoàng hoàn. Thành phần: Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Trạch tả 15g, Đan bì 12g, Bạch linh 10g, Kỷ tử 10g, Cúc hoa 10g. Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
    • Bài thuốc 2: Lục vị quy thược. Thành phần: Thục địa 20g, Trạch tả 8g, Hoài sơn 15g, Bạch linh 12g, Sơn thù 15g, Đương quy 12g, Đơn bì 12g, Bạch thược 8g. 
    • Bài thuốc 3: Bổ can thận gia giảm. Thành phần: Hà thủ ô 10g, Trạch tả 12g, Thục địa 15g, Đương quy 12g, Sài hồ 10g, Hoài sơn 15g, Thảo quyết minh 10g. 
Bài thuốc đông y điều trị tăng huyết áp
Bài thuốc đông y điều trị tăng huyết áp theo từng thể bệnh - Ảnh: Freepik

Tăng huyết áp thể đàm thấp 

  • Biểu hiện: người đau đầu, đau nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngực tức, bụng đầy, buồn nôn, ăn ít, mệt mỏi, ngủ li bì, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng, ánh vàng, mạch nhu hoạt.
  • Bài thuốc:
    • Bài thuốc 1: Bán hạ bạch truật thiên ma thang. Thành phần: Bán hạ 12g, Bạch truật 12g, Trần bì 12g, Thiên ma 8g, Bạch linh 12g, Sinh khương 4g, Cam thảo 4g, Đại táo 12g, Đảng sâm 10g, Hoàng kỳ 12g, Hoàng bá 6g, Trạch tả 8g, Mạch nha 8g, Thương truật 8g, Lục thần khúc 8g. 
    • Bài thuốc 2: Nhị trần thang gia giảm. Thành phần: Bán hạ 12g, Trần bì 12g, Bạch linh 12g, chích Cam thảo 4g, Can khương 4g, Đại táo 12g. 

Tăng huyết áp thể âm dương lưỡng hư

  • Biểu hiện: người cao tuổi hoặc phụ nữ sau khi hết kinh. Mệt mỏi, sắc mặt trắng, đau đầu, chóng mặt, ngủ ít, hồi hộp, ù tai, đau lưng, mỏi gối, đại tiện lỏng, sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu đêm nhiều lần. Nam giới có thể có di tinh liệt dương. Chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch huyền tế hoặc trầm tế sác
  • Bài thuốc: Hữu quy hoàn. Thành phần: Phụ tử chế 6g, Nhục quế 6g, Sơn thù 9g, Đỗ trọng 12g, Đương quy 9g, Sơn dược 12g, Câu kỷ tử 12g, Lộc giác giao 8g, Thỏ ty tử 12g, Thục địa 24g.

Trên đây là một số bài thuốc – vị thuốc tham khảo có tác dụng điều trị cho người tăng huyết áp. Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc nghi ngờ tăng huyết áp cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị tốt nhất. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết