Ngủ ngáy: Triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng và các biện pháp phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 05/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Những điều bạn cần biết về hiện tượng ngủ ngáy
Những điều bạn cần biết về hiện tượng ngủ ngáy - Ảnh: BookingCare
Ngủ ngáy là hiện tượng đường hô hấp trên khi ngủ phát ra tiếng ồn trong quá trình thở. Tiếng ồn này có thể ảnh hưởng tới chính sức khỏe của người phát ra và tới người xung quanh như thế nào ta cùng nhau tìm hiểu.

Ngủ ngáy là biểu hiện đầu tiên và thường gặp của rối loạn giấc ngủ. Khi hiện tượng có luồng không khí đi qua 1 vùng hẹp ở đường hô hấp trên sẽ làm cho niêm mạc các mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh đặc trưng mà người ta gọi đó là tiếng “ngáy”. Vùng hẹp đó có thể ở vùng mũi, thanh quản, họng hoặc là  miệng

Ngủ ngáy là một hiện tượng phổ biến, có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng chủ yếu hay gặp ở nam giới, nhất là những người có tình trạng thừa cân hay béo phì. Theo cuộc nghiên cứu trên 2.000 người tại Canada có khoảng hơn 70% là nam giới ngáy khi ngủ và hơn 50% là nữ giới. Theo một nghiên cứu khác, khoảng 20% đàn ông dưới 30 tuổi có ngủ ngáy. Tỷ lệ này là 50% ở đàn ông trên 50 tuổi.

Triệu chứng của hiện tượng ngáy

Ngủ ngáy là hiện tượng phổ biến và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu ngủ ngáy đi kèm với những triệu chứng nghiêm trọng như hội chứng ngưng thở khi ngủ thì nó có thể tạo ra những vấn đề sức khỏe. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của ngủ ngáy:

  • Âm thanh ngủ ngáy: Phát ra âm thanh kêu rít, kêu gáy hoặc kêu "ngáy" trong khi ngủ.
  • Gián đoạn giấc ngủ: Người bị ngủ ngáy có thể trải qua giấc ngủ gián đoạn và thức dậy nhiều lần trong đêm.
  • Mệt mỏi và buồn ngủ trong ngày: Do giấc ngủ không đủ chất lượng, người bị ngủ ngáy thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ trong suốt ngày.
  • Đau nhức đầu: Ngủ ngáy có thể làm tăng nguy cơ đau nhức đầu.
  • Gây khó chịu trong quá trình nghỉ ngơi: Người bị ngủ ngáy có thể gặp khó khăn trong việc duy trì trọng lượng cơ thể và cảm thấy không thoải mái khi nghỉ ngơi.

Tuy nhiên triệu chứng ngáy ngủ có thể chia làm 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1: ngáy ít, tiếng ngáy không to và khi nằm nghiêng sẽ ngừng ngáy.
  • Cấp độ 2: ngáy vừa phải, ngáy to hơn và khi nằm ngủ ở tư thế nghiêng sẽ hết ngáy.
  • Cấp độ 3: ngáy rất to ở mọi tư thế nằm ngủ và kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người ngáy tỉnh giấc với trạng thái mệt mỏi. Mức độ này có thể nguy hiểm tới bệnh nhân.

Nguyên nhân của hiện tượng ngủ ngáy

Ngủ ngáy do nhiều nguyên nhân gây nên, người bệnh có thể do một hoặc nhiều yếu tố kết hợp lại với nhau tạo nên trong quá trình ngủ gây nên hiện tượng xuất hiện âm thanh trong đường hô hấp khi ngủ như:

  • Khó thở khi ngủ: Là tình trạng không khí đi qua đường hô hấp bị chặn cản trở trong khi ngủ, gây ra ngủ ngáy và gián đoạn giấc ngủ.
  • Tăng cân: Tăng cân có thể làm tăng áp lực lên đường hô hấp, góp phần vào ngủ ngáy.
  • Cấu trúc đường hô hấp: Các vấn đề cấu trúc của đường hô hấp, chẳng hạn như polyp mũi hoặc lệch vách mũi, có thể gây ngủ ngáy.
  • Thói quen uống rượu, hút thuốc lá: Uống rượu và hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ ngủ ngáy.

Ngoài ra còn có rất nhiều nguyên nhân khác như: Yếu tố di truyền, tuổi,... có thể dẫn đến hiện tượng ngáy ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.

Các phương pháp chẩn đoán ngủ ngáy

Để có thể chẩn đoán được ngủ ngáy và tìm ra nguyên nhân gây hiện tượng này, các bác sĩ có thể thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hoặc thực hiện nghiên cứu về giấc ngủ để chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của ngủ ngáy, đặc biệt nếu bác sĩ nghi ngờ chứng ngưng thở khi ngủ và kiểm tra mũi họng, cổ của người bệnh để chẩn đoán nguyên nhân gây ngáy.

Để tìm hiểu xem chứng ngáy của bạn có thể do vấn đề sức khỏe gây ra hay không, bác sĩ có thể đặt câu hỏi về:

  • Âm lượng và tần suất ngáy khi ngủ;
  • Những tư thế ngủ khiến triệu chứng ngáy xuất hiện nhiều;
  • Bất kỳ dấu hiệu nào của ngưng thở trong khi ngủ.

Biến chứng của hiện tượng ngủ ngáy

Ngủ ngáy có nguy hiểm hay không và nó gây ra những biến chứng như thế nào tới sinh hoạt hằng ngày là một câu hỏi lớn được đặt ra đối với cả người bị và người xung quanh.

Người ngủ ngáy thường cho rằng việc ngủ ngáy chỉ gây phiền toái đôi chút cho người xung quanh chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bản thân họ. Tuy nhiên đây lại là 1 quan điểm sai lầm vì nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc ngủ ngáy có mối tương quan chặt chẽ với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: đột quỵ, các bệnh tim mạch, tình trạng thừa cân béo phì, đau đầu, thiếu ngủ, giảm ham muốn tình dục...

Hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn - Ảnh: Wikipedia
Hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn - Ảnh: Wikipedia

Trong quá trình ngáy, khi âm thanh tạo bởi tiếng ngáy có âm lượng nhỏ, êm dịu và đều, không ảnh hưởng tới người xung quanh thì ta sẽ có một giấc ngủ ngon, cơ thể sau giấc ngủ sẽ thoải mái và tràn đầy năng lượng.

Tuy nhiên nếu ngủ ngáy to, có từng cơn tắc nghẽn, ngưng thở được chứng kiến, kèm rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, giật mình, ngộp thở, khô miệng và tiểu đêm nhiều lần. Khi dậy tinh thần và toàn thân mệt mỏi, đau đầu, ban ngày buồn ngủ quá mức, khó tập trung, trí nhớ suy giảm, thay đổi khí sắc. Đây là trường hợp ngủ ngáy bất thường và có thể liên quan tới hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Phương pháp điều trị ngủ ngáy

Mỗi trường hợp bệnh nhân cần có phương pháp điều trị ngủ ngáy thích hợp.

Có thể thực hiện phương pháp điều trị ngủ ngáy tại nhà đối với các trường hợp ngáy với mức độ nhẹ, chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống hợp lý và một số thuốc hỗ trợ ta có thể hạn chế được tình trạng này.

Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp đều có thể được điều trị được tại nhà mà cần phải tới cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị và nhân viên y tế có trình độ chuyên môn để chăm sóc và điều trị dứt điểm tình trạng này như: Đặt thiết bị giữ lưỡi, Điều trị bằng máy CPAP,... hay thậm trí là phẫu thuật.

Nếu hiện tượng ngủ ngáy diễn ra lâu dài và không có biện pháp khắc phục rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân người mắc và mọi người xung quanh, cùng với đó là đi kèm các bệnh lý và giảm sút về chất lượng cuộc sống.

Phòng ngừa tình trạng ngủ ngáy

Phòng ngừa ngủ ngáy thường liên quan đến việc điều chỉnh lối sống và thói quen hàng ngày để giảm thiểu các yếu tố gây ra tình trạng này. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Tránh sử dụng rượu, các thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc an thần, một số thuốc kháng histamin vào buổi tối.
  • Hạn chế tăng cân, béo.
  • Khi ngủ, nên nằm ngủ nghiêng và giữ cho đầu cao để dễ thở hơn. Nên nằm gối cao hơn bình thường để giúp cho luồng khí trong cổ họng đi thẳng theo luồng khí.
  • Nếu bị viêm xoang, viêm mũi, hay tắc nghẽn mũi thì cần phải điều trị vì khi bị bắt buộc bạn phải thở bằng miệng, làm tăng khả năng bị ngáy ngủ.
  • Tránh ăn nhiều vào bữa tối. Không nên ăn những loại thực phẩm được chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ.
  • Cai hút thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên, tập thói quen đi ngủ theo giờ giấc đều đặn.

Nhớ rằng, nếu bạn hoặc người thân của bạn gặp vấn đề với ngủ ngáy, thì việc thăm khám với chuyên gia y tế là vô cùng quan trọng để đưa ra đánh giá và lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của mình.