Ngứa da châm chích: Nguyên nhân, đặc điểm và cách khắc phục
Ngứa da châm chích: Nguyên nhân, đặc điểm và cách khắc phục
Tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, đặc điểm và cách khắc phục triệu chứng ngứa da châm chích
Ngứa da châm chích phải làm sao? - Ảnh: BookingCare

Ngứa da châm chích: Nguyên nhân, đặc điểm và cách khắc phục

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 25/02/2024
Ngứa da châm chích gây cảm giác ngứa tựa như kim châm dưới da, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như dị ứng, suy giảm chức năng gan, thận,... Cùng BookingCare đi tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, đặc điểm và cách khắc phục qua bài viết dưới đây.

Ngứa da châm chích là tình trạng thường gặp ở những người da khô, gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân. Ngứa do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như dị ứng, rối loạn thần kinh hay mắc các bệnh nội khoa,... Vậy ngứa da châm chích có nguy hiểm không? Phải làm sao để khắc phục tình trạng này? Cùng tìm câu trả lời cụ thể qua bài viết dưới đây. 

Ngứa da châm chích là gì?

Ngứa da châm chích hay ngứa da, là cảm giác khó chịu và không kiểm soát được, khiến bạn muốn gãi để giảm bớt cảm giác đó. Ngứa thường do da khô và hay gặp nhất ở người cao tuổi (trên 60 trở lên) do xu hướng da lão hoá và khô hơn theo tuổi tác. Nguyên nhân gây ngứa da châm chích còn được xác định do các yếu tố liên quan đến tình trạng dị ứng, bệnh lý nội khoa và thần kinh. 

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân, ngứa da châm chích có thể làm cho bề mặt da của bạn trở nên sần sùi, nổi mụn hoặc viêm nhiễm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp nặng hơn, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiễm trùng và hoại tử vùng da bị ngứa do gãi ngứa quá nhiều, liên tục trong thời gian dài. 

Ngứa da châm chích thường đi kèm với các triệu chứng điển hình như: 

  • Đỏ, sưng, nóng hoặc khô. 
  • Nổi mẩn, mụn nước hoặc vẩy khô. 
  • Vết trầy xước, vết loét hoặc vết rách da do gãi. 
  • Nổi sần, mề đay hoặc phát ban 

Nguyên nhân gây ngứa da châm chích 

Như đã đề cập trước đó, nguyên nhân gây ngứa châm chích thường liên quan đến tình trạng dị ứng, bệnh lý nội khoa và thần kinh. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều nguyên nhân khách quan khác gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng da và gây ngứa dữ dội. 

  • Tình trạng da: Da khô, bệnh vảy nến, viêm da, bỏng, sẹo non, côn trùng cắn hay phát ban là các tình trạng da điển hình có thể gây cảm giác ngứa châm chích như kiến cắn. 
  • Kích ứng da hoặc dị ứng: Kích ứng với hoá chất, vải len hay xà phòng cũng là một trong những nguyên nhân điển hình gây cảm giác ngứa da. Trường hợp ngứa da do dị ứng, thường xảy ra khi làn da của bạn tiếp xúc với mỹ phẩm có thành phần gây dị ứng hoặc do phản ứng của một số loại thuốc sử dụng. 
  • Liên quan đến các bệnh lý nội khoa: Ngứa da châm chích là phản ánh tình trạng sức khoẻ của cơ thể, liên quan đến các bệnh lý nội khoa như bệnh gan, bệnh thận, tiểu đường, thiếu máu, bệnh lý tuyến giáp hoặc ung thư. 
  • Rối loạn thần kinh: Thần kinh bị chèn ép gây rối loạn cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng ngứa da ở nhiều đối tượng hiện nay. 
  • Yếu tố tâm thần: Bên cạnh các nguyên nhân về bệnh lý, thần kinh và dị ứng, ngứa da cũng có liên quan mật thiết với yếu tố tâm thần của bạn. Khi cơ thể bị căng thẳng quá mức, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc trầm cảm cũng sẽ gây hiện tượng ngứa da châm chích tại vùng bất kỳ hoặc toàn cơ thể. 

Ngứa da châm chích có nguy hiểm không? 

Ngứa da nguy hiểm hay không phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng. Nếu đây là triệu chứng của bệnh lý nội khoa (bệnh gan, thận, tiểu đường, tuyến giáp,...), cần được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Trường hợp ngứa da chỉ đơn thuần do kích ứng, dị ứng, cũng cần đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu. Nếu để lâu sẽ gây mất thẩm mỹ hay thậm chí nhiễm trùng da. 

Vậy khi nào nên đi thăm khám bác sĩ? Bạn nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng ngứa: 

  • Kéo dài hơn 14 ngày và không giảm bớt bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. 
  • Đi kèm với các triệu chứng như đổ mồ hôi vào ban đêm, sụt cân hoặc sốt đột ngột. 
  • Trở nên nghiêm trọng, khiến bạn mất tập trung khi làm việc và mất ngủ vào ban đêm. 
  • Ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. 

Cách khắc phục tình trạng ngứa da châm chích

Dưới đây là một số cách khắc phục tình trạng ngứa da châm chích tại nhà hiệu quả, an toàn: 

  • Không sử dụng nước quá nóng khi tắm. 
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm sau khi tắm (nên dùng khi làn da vẫn còn độ ẩm tự nhiên). 
  • Dùng sữa tắm nhẹ nhàng và có tinh chất dưỡng ẩm cho da. 
  • Với những vùng da bị ngứa, cần được che chắn cẩn thận bằng khăn ẩm khi tiếp xúc môi trường xung quanh hoặc khi tắm. 
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể hỗ trợ phần nào làm giảm triệu chứng ngứa da. 
  • Mặc quần áo rộng thoải mái, tránh cọ xát nhiều với vùng da bị ngứa. 
  • Dùng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da khác cho làn da nhạy cảm. 
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái. 
  • Bảo đảm không gian sống thoáng mát, thư giãn. 

Trên đây là chi tiết về nguyên nhân, đặc điểm và cách khắc phục tình trạng ngứa da châm chích mà bạn nên tham khảo. Hy vọng qua đây có thể giúp bạn hiểu hơn về triệu chứng ngứa da và có kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho bản thân cũng như người thân khi bị ngứa da.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết