Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh BookingCare
Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh BookingCare

Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 10/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 05/01/2024
Tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em thường không được chẩn đoán kịp thời, do đó có thể dẫn đến những di chứng nghiêm trọng, trong đó phải kể đến: giảm tập trung và rối loạn hành vi, buồn ngủ ngày, trẻ chậm phát triển, mắc bệnh lý tim mạch…

Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ đã định nghĩa: Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em là một rối loạn hô hấp xảy ra trong khi ngủ được đặc trưng bởi sự tắc nghẽn một phần của đường hô hấp trên và/ hoặc tắc nghẽn hoàn toàn (ngưng thở tắc nghẽn), làm rối loạn sự thông khí bình thường khi ngủ và thay đổi thói quen đi ngủ của trẻ.

Nguyên nhân trẻ bị ngưng thở khi ngủ

Hiện tượng ngưng thở do tắc nghẽn

Một số nguyên nhân chính gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em bao gồm:

  • Amidan và V.A quá phát: Amidan và V.A (các tuyến nằm ở vùng họng miệng và vòm họng) là một phần của hệ thống miễn dịch. Amidan có thể to ra khi bị viêm nhiễm khiến việc thở khi ngủ trở nên khó khăn hơn.
  • Tiền sử gia đình từng có người bị ngưng thở khi ngủ.
  • Béo phì ở trẻ em: Hiện tượng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở trẻ em béo phì chiếm đến 60%.
  • Bất thường cấu trúc của sọ não hoặc sọ mặt, bại não.
  • Viêm mũi dị ứng, viêm nhiễm ở đường hô hấp trên gây tắc nghẽn mũi cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ.

Tắc nghẽn mũi (polyp, vẹo vách ngăn, viêm mũi dị ứng), cằm lẹm thì sẽ tăng kháng lực đường thở trên làm xẹp đường dẫn khí gây ra hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn khi ngủ.

Hiện tượng ngưng thở trung ương

Chứng ngưng thở khi ngủ trung ương có liên quan đến:

  • Các rối loạn di truyền hiếm gặp ở trẻ em như hội chứng giảm thông khí trung ương bẩm sinh.
  • Trẻ có tình trạng sức khỏe yếu gây cản trở các bộ phận của hệ thần kinh trung ương điều khiển hô hấp.
  • Trẻ sinh non, bị suy tim hoặc đột quỵ.

Các triệu chứng giúp nhận biết trẻ bị ngưng thở khi ngủ 

Triệu chứng ban đêm

  • Thở miệng thường xuyên
  • Ngủ ngáy
  • Thở nấc, thở hổn hển khi ngủ
  • Thay đổi tư thế khi ngủ thường xuyên
  • Ác mộng hoặc la hét khi ngủ
  • Đái dầm hay chảy mồ hôi ướt đẫm
  • Trẻ thường trằn trọc, đẫm mồ hôi.

Triệu chứng ban ngày

  • Nhức đầu buổi sáng
  • Ngủ dậy không sảng khoái
  • Trẻ than khô họng, đau họng buổi sáng
  • Thức dậy sớm
  • Kém ăn
  • Kém tập trung
  • Tăng động, khó bảo.

Trong các triệu chứng kể trên, ngủ ngáy là một dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết trẻ bị hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Đây là một bệnh lý nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, ngủ ngáy còn có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác như: Ngáy đơn thuần, tăng kháng lực đường hô hấp trên do phì đại Amidan hay VA, tắc mũi do bệnh lý ở đường hô hấp… do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ ba mẹ cần đưa trẻ đến khám ngay để kịp thời xử trí.

 

Ngủ ngáy là triệu chứng thường gặp ở trẻ em mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em

Để chẩn đoán hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở trẻ em, ngoài việc khai thác các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ còn sử dụng phương pháp đa ký giấc ngủ như là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh. Đa ký giấc ngủ sẽ đo được điện não, điện mắt, điện cơ cằm, điện tâm đồ, lưu lượng thở ở mũi và miệng, chuyển động ngực và bụng, đo SpO2 của trẻ trong khi ngủ.

Các phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra được phác đồ điều trị thích hợp cho trẻ.

Điều trị ngưng thở khi ngủ ở thể nhẹ

Những trẻ có triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể được theo dõi theo thời gian. Chăm sóc hỗ trợ trong thời gian theo dõi bao gồm giáo dục về thói quen ngủ tốt, theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và tái khám thường xuyên.

Một số phương pháp giúp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ của trẻ em ở thể nhẹ:

  • Giảm cân: Ở trẻ em bị béo phì bị tắc nghẽn khiến trẻ ngưng thở khi ngủ, giảm cân có thể làm giảm bớt các triệu chứng.
  • Tránh các chất gây dị ứng: tránh cho con bạn tiếp xúc với các chất gây dị ứng chẳng hạn như phấn hoa và nấm mốc - có thể gây ra viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng dẫn đến tắc nghẽn và hạn chế đường thở, góp phần gây ra các triệu chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Luyện thở bằng mũi: Luyện thở bằng mũi (còn gọi là liệu pháp cơ năng) là một loại vật lý trị liệu nhằm tăng cường sức mạnh của lưỡi và các cơ xung quanh để giúp trẻ thở hiệu quả vào ban đêm. Nó có thể giúp giảm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ.
  • Nâng cao đầu giường cũng có thể giúp giảm bớt chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Thuốc: các loại steroid dùng tại chỗ cho mũi, chẳng hạn như fluticasone (Dymista) và budesonide (Rhinocort, Pulmicort Flexhaler…), có thể làm giảm tình trạng ngạt mũi, từ đó giảm các triệu chứng ngưng thở khi ngủ đối với một số trẻ bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nhẹ.

Điều trị ngưng thở khi ngủ ở thể trung bình và nặng  

Đối với chứng ngưng thở khi ngủ từ mức độ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể:

  • Phẫu thuật cắt Amidan và nạo V.A nếu nguyên nhân là do Amidan, VA quá phát.
  • Điều trị áp lực đường thở tích cực (CPAP): Phương pháp này được thực hiện khi điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em bằng thuốc hoặc cắt bỏ u tuyến và Amidan không đạt hiệu quả. Máy đưa không khí áp lực dương vào đường hô hấp của trẻ để giữ cho đường thở luôn mở.
  • Chỉnh hình răng hàm mặt: thường được áp dụng trong trường hợp trẻ có bất thường về cấu trúc hàm, sọ mặt. Chỉnh hình để tạo thêm không gian trong miệng và cải thiện luồng không khí qua đường thở.
  • Trị liệu cơ năng: Các bài tập về miệng và cổ họng, còn được gọi là “liệu ​​pháp điều trị cơ” hoặc “các bài tập về hầu họng”, đã được chứng minh là cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và chứng ngáy ngủ ở trẻ em.

 

 Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý nguy hiểm ở trẻ em vì rất khó để phát hiện. Các triệu chứng quan trọng xuất hiện vào ban đêm khi trẻ đang ngủ nên ba mẹ thường khó nhận biết. Ba mẹ cần chú ý đến các bất thường liên quan đến chất lượng giấc ngủ của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán kịp thời, từ đó có những phương pháp điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết