Lạc nội mạc tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này chưa thực sự rõ ràng nhưng có nhiều giả thuyết hình thành bệnh đã được đưa ra.
Bệnh nếu không có kế hoạch quản lý sớm có thể ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, khả năng sinh sản của người phụ nữ thậm chí vô sinh.
Nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung
Không ai biết rõ nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu cho rằng lạc nội mạc tử cung xảy ra có thể là do:
Trào ngược máu kinh
Giả thuyết này được nhiều nhà khoa học trên thế giới đồng thuận. Đây được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh. Máu kinh nguyệt chảy ngược qua ống dẫn trứng, kéo theo các tế bào nội mạc tử cung chảy vào khung chậu, khoang phúc mạc và có thể lắng đọng trên các cơ quan vùng chậu, sau đó sinh sôi và phát triển.
Quá trình dị sản khoang cơ thể
Biểu mô khoang cơ thể được chuyển thành các tuyến giống như nội mạc tử cung.
Nội tiết tố
Về mặt vi thể thì phần nội mạc tử cung lạc chỗ có cấu trúc về mặt tế bào học giống như nội mạc tử cung. Những mô này chứa các thụ thể estrogen và progesterone và do đó chúng đáp ứng như các mô nội mạc tử cung trong buồng tử cung với sự thay đổi hormone.
Thay vì máu kinh trong buồng tử cung có thể chảy ra ngoài thì tại các vị trí lạc nội mạc này máu do bong niêm mạc không thoát đi đâu được nên hình thành các nang chứa dịch máu gây ra các triệu chứng đau trên lâm sàng do cơ chế hình thành các chất trung gian của quá trình viêm.
Nhân tố di truyền
Tỉ lệ mắc gia tăng ở những người thân thuộc thế hệ thứ nhất của những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung.
Biến chứng sau phẫu thuật, thủ thuật
Các tế bào nội mạc tử cung có thể bám vào vết rạch bụng khi mổ đẻ gây lạc nội mạc thành bụng hoặc vào vị trí vết rạch tầng sinh môn gây lạc nội mạc tầng sinh môn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lạc nội mạc tử cung
- Tiền sử gia đình đối với những người rất thân thuộc thế hệ thứ nhất đã từng bị lạc nội mạc tử cung
- Trì hoãn sinh con hoặc không sinh con
- Có kinh lần đầu sớm
- Mãn kinh muộn
- Chu kỳ kinh nguyệt rút ngắn (< 27 ngày) với kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài (> 8 ngày)
- Dị tật ống dẫn trứng Müllerian (ví dụ: di tích sừng tử cung không thông, giảm sản cổ tử cung kèm theo tắc nghẽn đường ra ngoài của tử cung)
- Tiếp xúc với diethylstilbestrol trong tử cung
Các yếu tố làm giảm nguy cơ mắc bệnh
- Sinh nhiều lần
- Cho con bú kéo dài
- Bắt đầu có kinh muộn
- Sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống liều thấp trong thời gian dài (liên tục hoặc theo chu kỳ)
- Tập thể dục thường xuyên (đặc biệt nếu bắt đầu trước 15 tuổi, nếu được thực hiện trong > 4 giờ/tuần, hoặc cả hai)\
Chị em phụ nữ cần nắm được nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung, từ đó có phương pháp phòng và điều trị bệnh hiệu quả. Từ đó, giúp hạn chế được những tác động nguy hiểm mà lạc nội mạc tử cung gây ra.