Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp là gì?

Tác giả: - Xuất bản: 25/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp
Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp - Ảnh: BookingCare
Suy hô hấp cấp xuất hiện do đâu là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Hội chứng suy hô hấp cấp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nắm rõ được những nguyên nhân này là yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp

Nguyên lý khởi phát suy hô hấp cấp là do quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide trong máu gặp vấn đề. 

Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp có thể được chia thành 2 nhóm bao gồm:

Nguyên nhân tại phổi

  • Nhiễm trùng phổi

Suy hô hấp cấp xảy ra khi phổi bị nhiễm trùng lan ra nhiều thùy, gây ra viêm phổi nặng. Nguyên nhân thường gặp nhất là vi khuẩn như phế cầu, liên cầu, Influenzae hoặc virus như cúm A H5N1, H1N1, H7N9, SARS, lao kê và virus ác tính.

  • Phù phổi cấp
    • Phù phổi cấp do tim: Các vấn đề về tim gây phù phổi dẫn đến suy hô hấp cấp có thể kể đến như suy tim trái do tăng huyết áp liên tục, nhồi máu cơ tim, hẹp hoặc hở van động mạch chủ, bệnh cơ tim, hở/ hẹp van 2 lá, tắc nghẽn động mạch phổi,...
    • Phù phổi cấp trên tim bình thường: Người bệnh truyền quá nhiều dịch khiến áp lực mao mạch gia tăng hoặc bắt nguồn từ các vấn đề về thần kinh như viêm não, phẫu thuật tổn thương thân não, u não
    • Phù phổi tổn thương: Do cúm ác tính là chủ yếu, thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai,... số ít trường hợp là do nhiễm độc, nhiễm virus,...
  • Một số bệnh liên quan đến phổi khác

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, hen suyễn, xơ nang, tắc mạch phổi và xơ phổi cũng có thể là nguyên nhân gây suy hô hấp cấp.

  • Các bệnh liên quan đến cơ và thần kinh

Điều này bao gồm chứng loạn dưỡng cơ, bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), chứng vẹo cột sống nghiêm trọng và hội chứng Guillain - Barré.

Nguyên nhân ngoài phổi

  • Tràn dịch màng phổi

Tràn dịch màng phổi chỉ gây suy hô hấp cấp nếu lượng dịch nhiều và tăng nhanh.

  • Tắc nghẽn thanh quản - khí quản

Tình trạng này thường xảy ra do do u thanh quản, thực quản, bướu giáp chìm, viêm thanh quản, hoặc do dị vật.

  • Chấn thương lồng ngực

Những người có tiền sử chấn thương ảnh hưởng đến vùng ngực đặc biệt là phổi như: dập phổi, rách màng phổi,...

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy hô hấp cấp

Bất kì một yếu tố nào tác động và gây tổn thương đến hệ hô hấp cũng có thể làm tăng nguy cơ gây suy hô hấp cấp. Những đối tượng dưới đây là những người có rủi ro cao mắc bệnh:

  • Trẻ sinh non: phổi ở trẻ sinh non thường chưa phát triển hoàn thiện, trẻ sinh non có nguy cơ suy phổi, tăng áp phổi và các dị tật phổi bẩm sinh khác.
  • Người cao tuổi: Những người từ trên độ tuổi 65 có sức đề kháng suy yếu dễ bị cảm lạnh dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương ở ngực và phổi
  • Người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất độc hại như phun sơn, khử trùng, thuốc nhuộm, thường xuyên hít phải khói bụi ở các khu công nghiệp,...
  • Người nghiện thuốc lá, thuốc lào, rượu bia và các chất kích thích độc hại khác (lạm dụng ma túy…).
  • Người có tiền sử chấn thương vùng ngực, cột sống, não, xương sườn.
  • Người có tiền sử gia đình bị các vấn đề về hô hấp.
  • Người có hệ thống miễn dịch yếu.
  • Người bị các bệnh hô hấp mạn tính, chẳng hạn như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen…

Suy hô hấp cấp là tình trạng nguy hiểm với tốc độ tiến triển rất nhanh. Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng suy hô hấp cấp hoặc tương tự, người bệnh cần thăm khám ngay để được xác định nguyên nhân chính xác và điều trị hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết