Nguyên nhân gây thuyên tắc phổi
Nguyên nhân gây thuyên tắc phổi
Nguyên nhân gây thuyên tắc phổi - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân gây thuyên tắc phổi

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/01/2024
Thuyên tắc phổi là một biến chứng nguy hiểm của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Bài viết dưới đây dành cho những ai đang chăm sóc cho người cao tuổi hoặc những người bị di chứng bệnh nặng như tai biến mạch máu não,... và sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra thuyên tắc phổi.

Thuyên tắc phổi là một bệnh lý tiềm ẩn, khó chẩn đoán, diễn tiến nhanh và nguy cơ tử vong cực kỳ cao. Các bác sĩ khi chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khác luôn luôn phòng ngừa bệnh nhân xuất hiện nguy cơ thuyên tắc phổi, một số trường hợp cấp cứu can thiệp khẩn sẽ để lại di chứng nặng nề hoặc có khi tử vong.

Vì thế bài viết này sẽ nêu các yếu tố nguy cơ để chúng ta có thể dự phòng và đưa đi khám bệnh viện kịp thời cho người thân của chúng ta.

Vậy thuyên tắc phổi là gì? Thuyên tắc phổi, như cái tên của nó, là tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi do các vật chất bắt nguồn từ bất kỳ nơi đâu trong cơ thể, ví dụ như cục huyết khối, khí, khối u hoặc mỡ. Tuy nhiên, nguyên nhân gây tắc động mạch phổi thường gặp nhất là do huyết khối đến từ hệ tĩnh mạch sâu chi dưới.

Nguyên nhân gây thuyên tắc phổi

Theo sinh lý bệnh, thuyên tắc phổi sẽ xảy ra khi có ba yếu tố:

Sự ứ trệ máu tĩnh mạch: tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi với các tình trạng: bất động, liệt, sau tổn thương tủy sống hoặc nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim sung huyết, COPD.

Tổn thương mạch máu: do chấn thương, sau phẫu thuật, tiền căn bệnh nhân bị bệnh nặng - nguy kịch phải thực hiện các thủ thuật xâm lấn để cứu mạng.

Tình trạng tăng đông: phần lớn do các bệnh lý nặng, thường sẽ được bác sĩ chẩn đoán bệnh lý nền tư vấn và cho thuốc kháng tình trạng đông máu, nhớ lưu ý kỹ, một số ít do uống các loại thuốc ngừa thai hoặc béo phì, các bệnh lý hệ thống tự miễn....

90% trường hợp thuyên tắc phổi bắt nguồn từ cục máu đông trong tĩnh mạch sâu. Khoảng 80% cục máu đông này sẽ tự tan biến mà không gây tắc nghẽn, 20% còn lại có thể di chuyển đến tĩnh mạch chậu đùi và gây vỡ, cho phép máu đông di chuyển lên tĩnh mạch chủ dưới và cuối cùng đến phổi, gây tắc nghẽn tại đó.

Các yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi

Các yếu tố nguy cơ của thuyên tắc phổi bao gồm:

  • Tuổi: Có yếu tố nguy cơ khi trên 40 tuổi kèm bệnh lý gây bất động, nguy cơ sẽ tăng dần theo độ tuổi.
  • Tiền sử bản thân hoặc gia đình có bệnh lý hình thành cục máu đông: Nếu bạn hoặc gia đình có tiền sử bệnh lý như huyết khối, tai biến mạch máu não, hay bệnh tim mạch, bạn có nguy cơ cao hơn mắc thuyên tắc phổi.
  • Ung thư: Những người đang mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, có nguy cơ cao hơn bị thuyên tắc phổi. Các tế bào ung thư có thể gây ra mất cân bằng quá trình đông cầm máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Sử dụng các thuốc tránh thai chứa estrogen: Các loại thuốc tránh thai có chứa hormone estrogen có thể tăng nguy cơ mắc thuyên tắc phổi. Estrogen có thể làm tăng sự đông máu và ảnh hưởng đến quá trình đông cầm máu.
  • Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh: Phụ nữ mang thai hoặc sau sinh có nguy cơ cao hơn bị thuyên tắc phổi. Sự thay đổi hormone và áp lực từ thai nhi hoặc quá trình sinh đẻ có thể làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
  • Béo phì: Béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc phổi. Béo phì gây xơ vữa mạch máu, xúc tác các phản ứng viêm mãn tính và tăng đông của máu tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành cục máu đông. Việc giảm cân và duy trì cân nặng lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ bị thuyên tắc phổi.

Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi bao gồm:

  • Phẫu thuật gần đây: Sau phẫu thuật, người bệnh có thể trở nên ít di chuyển và dễ bị tắc nghẽn máu.
  • Chấn thương, gãy xương:Các chấn thương, gãy xương, đặc biệt là các xương chi dưới như gãy xương đùi, gãy xương chày, xương mác có thể gây tổn thương mạch máu và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
  • Bất động trong thời gian dài: Khi ngồi hoặc nằm không di chuyển trong thời gian dài, ví dụ như di chứng sau khi bị các bệnh lý nặng như tổn thương tủy sống, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng huyết, nhồi máu cơ tim, dòng máu trong cơ thể chậm lại và dễ bị tạo thành cục máu đông.

Trên đây là một số thông tin và yếu tố nguy cơ dẫn đến thuyên tắc phổi. Để đảm bảo sức khỏe của bạn và người thân của bạn, hãy tuân thủ điều trị duy trì bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu người thân hoặc bạn có quá nhiều yếu tố được nêu ở trên và kèm theo các triệu chứng báo hiệu sớm thuyên tắc phổi, hãy đi khám ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết