Những điều bạn cần biết về bệnh rò hậu môn
Những điều bạn cần biết về rò hậu môn
Rò hậu môn là bệnh lý thường gặp vùng hậu môn - trực tràng - Ảnh: BookingCare

Những điều bạn cần biết về bệnh rò hậu môn

Tác giả: - Xuất bản: 01/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 30/03/2024
Rò hậu môn là bệnh lý thường gặp vùng hậu môn trực tràng, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của người bệnh.

Những vấn đề sức khỏe liên quan đến hậu môn - trực tràng luôn khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và xấu hổ không dám đi thăm khám. Bệnh rò hậu môn là một trong số đó. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh rò hậu môn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt và tinh thần của người bệnh.

  • Bệnh rò hậu môn là gì?

    Rò hậu môn là bệnh lý thường gặp vùng hậu môn - trực tràng, bệnh đặc trưng bởi sự hình thành của những lỗ rò. Lỗ rò là một đường hầm phát triển giữa bên trong hậu môn và vùng da bên ngoài xung quanh hậu môn. Đường rò gồm đường rò nguyên phát hay lỗ trong và đường rò thứ phát hay lỗ ngoài. 

    • Đường rò nguyên phát thường được hình thành do nhiễm trùng các tuyến hậu môn tại hốc hậu môn. 
    • Đường rò thứ phát hình thành do các ổ áp xe vỡ ra ngoài tạo thành lỗ quanh vùng da hậu môn hoặc vỡ vào lòng hậu môn.

Các nguyên nhân gây rò hậu môn

Có rất nhiều nguyên nhân hình thành rò hậu môn mà cơ chế chủ yếu là sự khởi phát viêm cấp tính bên trong các tuyến hậu môn và sau đó là sự vỡ của áp xe hậu môn để tạo thành đường rò ra bên ngoài. Vì vậy rò hậu môn có thể có các nguyên nhân như sau:

  • Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây rò hậu môn: Các chủng vi khuẩn có thể gây nên nhiễm trùng và hình thành các ổ áp xe như: E.Coli, Proteus,... khi áp xe vỡ ra ngoài và hình thành đường rò thì còn có thể có tụ cầu, liên cầu khuẩn,... Ngoài ra, trước kia rò hậu môn còn do trực khuẩn lao nhưng ngày nay hiếm gặp.
  • Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs) ở hậu môn và trực tràng, thường là thứ phát sau giao hợp qua đường hậu môn.
  • Viêm đại tràng phóng xạ do xạ trị
  • Rò hậu môn sau khi sinh đẻ
  • Dị vật bên trong lòng hậu môn trực tràng do đặt vào hoặc chấn thương vùng hậu môn - trực tràng.

Triệu chứng điển hình của rò hậu môn

Bệnh rò hậu môn đặc trưng bởi hai giai đoạn: 

  • Giai đoạn cấp tính là giai đoạn nhiễm trùng hình thành áp xe hậu môn 
  • Giai đoạn mãn tính là giai đoạn hình thành lỗ rò hậu môn. 

Nhìn chung các triệu chứng phổ biến của rò hậu môn bao gồm: 

  • Đau hậu môn, thường dữ dội và đau nhói. Bệnh nhân cảm thấy đau nhiều hơn khi đại tiện, ho hoặc ngồi. Mông có thể nhạy cảm khi chạm vào.
  • Sưng và đỏ bên trong hoặc xung quanh hậu môn. Đây là những dấu hiệu của nhiễm trùng đang hoạt động dưới da.
  • Chất lỏng chảy ra xung quanh hậu môn, có thể bao gồm mủ, phân hoặc máu (chảy máu trực tràng) và có mùi khó chịu.

Các triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Sốt.
  • Đau khi đi tiểu.
  • Khó khăn trong việc giữ phân.
  • Người bệnh có thể nhìn thấy lỗ rò hoặc không thấy.

Các phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán rò hậu môn

Để chẩn đoán chính xác bệnh rò hậu môn ngoài các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của bệnh nhân cần phải kết hợp với một số phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán như sau:

  • Về chẩn đoán hình ảnh:
    • Siêu âm nội soi: siêu âm qua lòng trực tràng là phương pháp tốt để đánh giá lỗ rò và phát hiện đường rò bên trong và các tổn thương khác.
    • Chụp CT-Scanner: xác định áp xe và tụ dịch có thể dẫn lưu, có thể đánh giá đường rò trước phẫu thuật nhưng không đặc hiệu và không nhạy bằng chụp cộng hưởng từ (MRI).
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI): là công cụ giá trị nhất để xác định đường rò, ổ áp xe và liên quan của đường rò với các thành phần xung quanh. Do độ đặc hiệu và độ nhạy cao nên được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán và phân loại bệnh rò hậu môn
  • Về xét nghiệm: Cần kết hợp thêm các xét nghiệm máu, xét nghiệm vi sinh xem chủng vi khuẩn và có thể sinh thiết tổn thương khi soi hậu môn - trực tràng để phân biệt các tổn thương khác như bệnh Crohn, ung thư có đường rò,...

Điều trị bệnh rò hậu môn

Điều trị trong bệnh rò hậu môn chủ yếu là phẫu thuật. Một số phương pháp điều trị bệnh rò hậu môn như sau:

  • Giai đoạn áp xe cạnh hậu môn: cần mổ dẫn lưu càng sớm càng tốt, tùy theo vị trí áp xe mà sử dụng phương pháp gây tê gây mê hợp lý, luôn đảm bảo mổ dẫn lưu đủ rộng và đúng phương pháp.
  • Giai đoạn rò hậu môn: Đối với những lỗ rò đơn giản thì phương pháp chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ đường rò, trong một lần có thể đạt 95% mục tiêu điều trị. Còn với đường rò phức tạp thì có một số cách sau đây:
    • Phương pháp seton đường rò.
    • Thủ thuật LIFT (thắt đường rò gian cơ thắt).
    • Phẫu thuật nội soi hỗ trợ (VAAFT).
    • Ngoài ra còn một số phương pháp khác như: Khâu bịt lỗ trong, bơm keo sinh học, bịt đường rò bằng Plug,...

Rò hậu môn có nguy hiểm không?

Rò hậu môn không được điều trị thường sẽ không tự khỏi. Để lâu  có thể gây ra một số biến chứng sau:

  • Nhiễm trùng dai dẳng: nhiễm trùng tái đi tái lại do vi khuẩn tiếp tục hình thành các ổ áp xe mới.
  • Hình thành những đường rò mới nhiều nhánh, từ đường rò đơn giản đến phức tạp và khó điều trị hơn.
  • Ung thư hậu môn - trực tràng.

Bên cạnh đó, mặc dù được điều trị nhưng vẫn cần lưu ý những biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật rò hậu môn như:

  • Lỗ rò có thể tái phát 
  • Đại tiện không tự chủ 
  • Hẹp hậu môn
  • Vết thương chảy máu mãn tính

Chăm sóc bệnh nhân rò hậu môn sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật các bệnh nhân rò hậu môn được chăm sóc cẩn thận, kỹ càng tránh các biến chứng có thể xảy ra, cần chú ý tới:

  • Theo dõi chặt chẽ vết thương sau mổ: Đánh giá tình trạng vết thương qua từng ngày, thay băng thường xuyên. Lưu ý tới các biến chứng xảy ra của vết thương để báo cho bác sĩ điều trị như: chảy máu nặng hơn, vết thương sưng nóng đỏ đau, sốt cao, tiểu khó,...
  • Vệ sinh tắm rửa một cách cẩn thận tránh nhiễm trùng tại vết mổ, sử dụng khăn sạch, bông mềm rửa nhẹ nhàng và chấm khô sau rửa. Tránh sử dụng sản phẩm có mùi thơm hay bôi các sản phẩm mà không có chỉ định.
  • Chế độ ăn của bệnh nhân sau phẫu thuật rò hậu môn cần đầy đủ chất dinh dưỡng:
    • Tránh thức gây kích thích niêm mạc vùng hậu môn - trực tràng như đồ cay nóng, chất kích thích (rượu, bia, cafe, thuốc lá,...), các loại chất béo động vật,... 
    • Nên ăn chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây; tích cực uống nước và ăn các món ăn được chế biến vừa phải không quá mặn.

Bệnh lý vùng hậu môn - trực tràng ngày càng phổ biến và đa dạng hơn, khiến nhiều người mặc cảm khi mắc phải. Cần phải chú ý đến các triệu chứng phổ biến của bệnh rò hậu môn để kịp thời phát hiện và xử trí tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết