Những điều bạn cần biết về rò luân nhĩ

Tác giả: - Xuất bản: 22/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 17/01/2024
Những điều bạn cần biết về rò luân nhĩ
Những điều bạn cần biết về rò luân nhĩ - Ảnh: BookingCare
Rò luân nhĩ là một dị tật lành tính nên thường dễ bị bỏ qua, chỉ khi đường rò bị nhiễm trùng gây ảnh hưởng tới sức khoẻ thì người bệnh mới để ý. Điều trị kết hợp nội khoa và ngoại khoa cùng với vệ sinh tai sạch sẽ giúp ngăn ngừa hình thành ổ viêm tại đường rò.

Rò luân nhĩ hay rò gờ trước tai là đường rò vùng đầu mặt khá phổ biến, chiếm đến 76% đường rò quanh tai. Đây là một dị tật bẩm sinh lành tính, thường hình thành trong tuần thứ 6 của thai kỳ. Vì lỗ rò luân nhĩ kích thước nhỏ chỉ bằng đầu tăm, khi tiết dịch mủ nhiều người nhầm tưởng là mụn trứng cá và tự ý bóp nặn có thể gây nguy hiểm tới sức khoẻ.

Biểu hiện của rò luân nhĩ

Hầu hết các lỗ rò luân nhĩ không có biểu hiện gì nếu không xảy ra sự nhiễm trùng. Trong trường hợp đường rò viêm nhiễm, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng:

  • Chảy mủ miệng đường rò, có thể có mùi hôi.
  • Đau vùng trước tai.
  • Đỏ, ngứa, sưng tấy xung quanh đường rò.
  • Nếu nhiễm trùng nặng có thể sốt, nhức đầu.
Đỏ, ngứa, sưng tấy xung quanh đường rò là biểu hiện của nhiễm trùng lỗ rò - Ảnh: Phẫu thuật Nhi Hà Nội
Đỏ, ngứa, sưng tấy xung quanh đường rò là biểu hiện của nhiễm trùng lỗ rò - Ảnh: Phẫu thuật Nhi Hà Nội

Khi người bệnh có các triệu chứng trên cần được đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân rò luân nhĩ

Rò luân nhĩ là sự kết hợp không hoàn chỉnh giữa cung mang thứ nhất và cung mang thứ hai hoặc khiếm khuyết của sáu đồi thính giác trong quá trình phát triển của màng nhĩ ở tuần thứ 6 của thai kỳ. Tỉ lệ mắc bệnh này ở nữ nhiều hơn nam.

Một số trường hợp rò luân nhĩ liên quan đến hội chứng di truyền như:

  • Hội chứng Beckwith-Wiedemann: Liên quan đến các vấn đề trong thận và gan.
  • Rối loạn trương lực cơ hàm mặt: Bất thường ở đầu và mặt, đầu rất nhỏ không phát triển theo cơ thể, chậm phát triển, các vấn đề về ngôn ngữ còn được gọi là hội chứng Treacher Collins.
  • Các hội chứng khác: Hội chứng Wolf-Hirschhorn; hội chứng mất đoạn 5p nhiễm sắc thể; hội chứng Wolf-Hirschhorn; hội chứng mất đoạn 5p nhiễm sắc thể cũng liên quan đến rò luân nhĩ.
  • Dùng thuốc propylthiouracil trong thời kỳ đầu mang thai: Có thể gây ra rò luân nhĩ cho thai nhi. Thuốc này được sử dụng để điều trị cường giáp hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức

Chẩn đoán rò luân nhĩ

Chẩn đoán bệnh rò luân nhĩ ban đầu dựa vào thăm khám lâm sàng:

  • Hình ảnh lỗ tròn luân nhĩ gần với vùng trước vành tai, chỗ sụn của vành tai.
  • Sưng đau, có tụ dịch.
  • Cạnh lỗ nhỏ sờ thấy một cục nhỏ như đầu ngón tay.

Điều trị rò luân nhĩ

Người bệnh có thể điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh . Nếu bệnh nhân đang trong tình trạng viêm nhiễm cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh kết hợp với các phương pháp vệ sinh tai nhằm khống chế sự nhiễm trùng.

Nếu người bệnh không đáp ứng tốt với thuốc hoặc điều trị muộn hoặc có điều trị nhưng không đúng cách có thể làm tiến triển thêm nhiễm trùng dẫn tới hình thành các ổ áp xe thì bác sĩ sẽ chỉ định làm các thủ thuật như: 

  • Chọc hút dịch ổ áp xe: làm giảm áp lực lên ổ áp xe, bác sĩ sẽ dùng kim nhọn để chọc vào khối tụ dịch và hút dịch.
  • Lấy bệnh phẩm để nuôi cấy nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó chọn loại kháng sinh thích hợp nhất điều trị cho bệnh nhân.
  • Trong một số trường hợp, bệnh nhân phải được chích rạch và dẫn lưu mủ nếu ổ áp xe quá lớn hoặc cả 2 phương pháp trên đều không đáp ứng tốt với tình trạng bệnh.

Trường hợp người bệnh đáp ứng tốt với thuốc, khống chế được sự nhiễm trùng sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát nhiều lần. Phẫu thuật rò luân nhĩ tương đối an toàn, đa số liền sẹo tốt, tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật khá ít.

Khi có các triệu chứng của rò luân nhĩ bạn cần phải đến thăm khám bác sĩ để có phương pháp điều trị rò luân nhĩ phù hợp, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng tái phát cũng như hạn chế biến chứng.

Biến chứng rò luân nhĩ bạn có thể gặp

Biến chứng rò luân nhĩ xảy ra khi người bệnh chủ quan không thăm khám bác sĩ hoặc tự mua thuốc kháng sinh điều trị không đúng cách, có thể gặp:

  • Tạo nang bội nhiễm tại lỗ rò, nặng hơn có thể gây áp xe rò luân nhĩ, 
  • một số đường rò xuyên vào sụn vành tai và ống tai ngoài nếu viêm nhiễm có thể bị viêm lan vào sụn vành tai và ống tai
  • Nếu không điều trị kịp thời để lỗ rò phình to và bị vỡ gây mất thẩm mỹ.

Vệ sinh rò luân nhĩ hiệu quả

Bệnh rất dễ bị bỏ qua vì kích thước nhỏ và không biểu hiện triệu chứng. Chỉ đến khi tình trạng nhiễm trùng xuất hiện, bệnh nhân kêu đau thì mới để ý. Nhằm tránh các biến chứng rò luân nhĩ có thể xảy ra, chúng ta cần thực hiện:

  • Không được bóp nặn tại vị trí lỗ rò, không cố gắng chọc sâu vào đường rò dễ làm ổ nhiễm trùng lan rộng.
  • Vệ sinh tai, lỗ rò, dịch nhầy tiết ra từ lỗ rò bằng cách dùng miếng gạc sạch thấm nước muối sinh lý và lau nhẹ. Nên thực hiện hàng ngày giúp đôi tai được sạch sẽ.

Cách phòng ngừa rò luân nhĩ

Người có dị tật rò luân nhĩ có thể sống chung với chúng suốt đời mà không có biến chứng gì. Tuy nhiên bạn vẫn nên vệ sinh sạch sẽ và thực hiện một số phương pháp giúp phòng tránh viêm nhiễm đường rò, cụ thể:

  • Hàng ngày sau khi tắm hoặc sau khi rửa mặt, bạn chỉ cần dùng miếng gạc sạch thấm nước muối sinh lý lau nhẹ lỗ rò, không cố gắng đưa tăm bông hoặc bất cứ vật nhỏ nào vào sâu trong lỗ rò sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Không sờ hay nặn lỗ rò, không đắp lá hay bất cứ thứ gì lên lỗ rò.
  • Trường hợp chảy dịch từ lỗ rò có dấu hiệu nhiễm trùng, dịch nặng mùi, vùng xung quanh bị sưng tấy đỏ, áp xe bên trong nốt rò, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài viết cung cấp kiến thức tổng quan về bệnh rò luân nhĩ, biểu hiện, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh. Khi có biểu hiện của nhiễm trùng, bạn hãy sắp xếp thời gian thăm khám bác sĩ Tai Mũi Họng sớm nhất có thể để được điều trị đúng cách nhé.