Rò luân nhĩ có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp của rò luân nhĩ

Tác giả: - Xuất bản: 07/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 17/01/2024
Rò luân nhĩ có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp của rò luân nhĩ
Rò luân nhĩ có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp của rò luân nhĩ - Ảnh: BookingCare
Rò luân nhĩ có nguy hiểm không là một câu hỏi mà bạn đọc thường thắc mắc khi phát hiện mình mang dị tật này. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về biến chứng có thể gặp phải và thời điểm cần chỉ định phẫu thuật rò luân nhĩ.

Rò luân nhĩ hay rò gờ trước tai là một dị tật bẩm sinh lành tính thường hình thành trong tuần thứ 6 của thai kỳ. Mặc dù là một dị tật khá phổ biến nhưng do kích thước lỗ rò chỉ bằng đầu tăm, nhiều người còn lầm tưởng đó là điểm cho thấy nhiều “tài lẻ” nên thường không được chú ý đúng mức. Tuy nhiên dị tật này có thể kết hợp với các dị tật khác gây nên những biến chứng nguy hiểm không chỉ gây tác động xấu tới sức khoẻ mà còn ảnh hưởng tới thẩm mĩ của người bệnh.

Biến chứng của rò luân nhĩ

Đường rò luân nhĩ được lát bởi các tế bào biểu mô thường xuyên tiết ra chất nhầy. Bình thường chất nhầy trong, không có mùi, chúng ta chỉ cần vệ sinh bằng cách lấy nước muối sinh lý thấm vào bông gạc sạch và lau nhẹ.

Rò luân nhĩ thực chất không hề nguy hiểm, nhưng nếu chủ quan người bệnh có thể mắc một số biến chứng như:

  • Tạo nang bội nhiễm tại lỗ rò, nặng hơn có thể gây áp xe rò luân nhĩ, gây nhiễm trùng ra sau tai.
  • Ảnh hưởng đến thẩm mĩ nếu bệnh nhân điều trị muộn hoặc điều trị không đúng cách làm ổ áp xe lan rộng.

Vì vậy khi thấy các triệu chứng của rò luân nhĩ, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng thăm khám.

Khi nào chỉ định phẫu thuật loại bỏ lỗ rò luân nhĩ?

Khi nhiễm trùng tái phát đi tái phát lại nhiều lần, tạo nang hoặc đã có hình thành ổ mủ thì phẫu thuật để lấy bỏ đường rò là cần thiết. 

Phẫu thuật rò luân nhĩ nhằm lấy bỏ toàn bộ đường rò bẩm sinh. Các bước phẫu thuật bao gồm:

  • Bệnh nhân được gây tê hoặc gây mê khi thực hiện phẫu thuật. 
  • Phẫu thuật viên đánh dấu  đường rò bằng xanh methylen.
  • Rạch da hình quả trám quanh  miệng lỗ rò, bóc tách đường rò và lấy toàn bộ đường rò. 
  • Khâu vết mổ.
  • Sau khi phẫu thuật người bệnh sẽ được thay băng và dùng kháng sinh kháng viêm thích hợp từ 5- 7 ngày.

Bài viết cung cấp cho bạn đọc những kiến thức về biến chứng và phẫu thuật loại bỏ lỗ rò luân nhĩ. Khi phát hiện có dị tật này, người bệnh không nên chủ quan nhưng cũng không cần quá hoảng sợ vì các biện pháp điều trị rò luân nhĩ hiện nay rất hiệu quả và ít để lại biến chứng.