Phần lớn các trường hợp người bệnh nhiễm cúm B có thể được chăm sóc tại nhà mà không cần phải dùng thuốc hay đến bệnh viện. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách dễ để lại các biến chứng gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe. Vậy cần chăm sóc bệnh nhân cúm B tại nhà như thế nào? Cùng BookingCare tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân cúm B tại nhà
Bổ sung dinh dưỡng
Ăn uống chế độ lành mạnh nhiều trái cây rau củ quả bổ sung vitamin giúp tăng sức đề kháng. Bổ sung thực phẩm giàu kẽm rút ngắn thời gian mắc bệnh như thịt bò, thịt lợn, các loại đậu (đậu xanh, đậu lăng),...
Người bệnh nhiễm cúm B hay gặp các triệu chứng như ho sốt, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, cảm thấy chán ăn,... Do vậy, nên chế biến những món dễ tiêu hóa và dễ hấp thu như súp, cháo, canh
Bù nước
Bổ sung nước nhằm tránh tình trạng mất nước khi sốt cao. Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa caffeine vì khiến cơ thể mất nhiều nước hơn.
Ngoài bổ sung nước, cần bổ sung điện giải cho người bệnh. Pha Oresol theo đúng hướng dẫn, uống theo nhu cầu để bổ sung đầy đủ nước và điện giải cho người bệnh nhiễm cúm B,...
Tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia
Người nhiễm cúm B không nên sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia. Đây là những đồ uống khiến cơ thể mất nước nên sẽ làm nặng thêm tình trạng mất nước và rối loạn điện giải,... Ngoài ra rượu bia còn làm suy giảm miễn dịch khiến người bệnh khó hồi phục hơn.
Không sử dụng thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc .
Nghỉ ngơi hợp lý
Trong quá trình điều trị cúm B, người bệnh nên giảm bớt khối lượng công việc hay việc phải di chuyển ngoài trời nhiều. Người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn tạo điều kiện bệnh tiến triển tốt hơn.
Người bệnh nên ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya. Ngủ đủ giấc tạo điều kiện giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn sẽ giúp quá trình hồi phục nhanh hơn.
Xông hơi tại nhà
Khi tắc nghẽn đường thở, xông hơi giúp đường thở thông thoáng. Có thể xông hơi bằng cách đun sôi nước và dùng một chiếc khăn trùm đầu, nhắm mắt lại và hơi ngả người về phía trước để hơi nước bốc hơn lên mặt. Ngồi yên và hít thở sâu trong vòng 30 phút. Sau khi xông, tắm rửa nhanh rồi nghỉ ngơi.
Có thể sử dụng các loại lá xông cùng để tăng hiệu quả như: lá sả, lá tía tô, ngải cứu, bạc hà, lá bưởi,...
Vệ sinh mũi họng với nước muối
Nước muối loãng có tác dụng giúp loại bỏ đờm trong họng và dịch nhầy mũi. Rửa mũi và súc họng bằng nước muối trong thời khi nhiễm cúm giúp giảm các triệu chứng tai mũi họng như ngạt mũi, sổ mũi, đau rát họng,…
Hy vọng bài viết trên đây của BookingCare sẽ giúp bạn có thêm thông tin giúp ích cho việc chăm sóc bệnh nhân cúm B tại nhà.