Cúm B: Triệu chứng, cách điều trị và chăm sóc tại nhà hiệu quả
Cúm B - một trong những chủng cúm mùa phổ biến hàng năm
Cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến hàng năm - Ảnh: BookingCare

Cúm B: Triệu chứng, cách điều trị và chăm sóc tại nhà hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 27/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 28/01/2024
Cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến hàng năm và có xu hướng gia tăng khi thời tiết thay đổi và trở lạnh. Bệnh cúm B có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi, những người có hệ miễn dịch yếu.

Cúm B là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Bệnh dễ lây lan và truyền từ người này sang người khác. Khi nhiễm cúm, virus cúm B sẽ tấn công vào các thanh phần của hệ thống hô hấp như mũi, họng và đôi khi cả phổi. Vậy các triệu chứng ở bệnh nhân cúm B như thế nào? Phương pháp điều trị bệnh là gì và cách chăm sóc người bệnh nhiễm cúm B sao cho hiệu quả?

Cùng tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này qua bài viết dưới đây của chuyên gia.

Cúm B là gì?

Cúm B là bệnh lý gây ra bởi virus cúm B. Virus cúm tấn công hệ hô hấp qua mũi, họng và phổi. Phần lớn người nhiễm cúm B sẽ tự khỏi ngay cả khi không can thiệp điều trị. Tuy nhiên với các nhóm người như người già, người mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai.... bệnh cúm B có thể trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Virus cúm B có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, chủng này chỉ có thể gây bệnh cúm thông thường và ít khả năng gây dịch. Bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn chuyển mùa, khi thời tiết trở lạnh (mùa đông, đông xuân) và cũng có thể gặp ở các thời điểm khác  trong năm.

Đường lây truyền chủ yếu là hô hấp, virus lây qua các giọt dịch tiết nước bọt, dịch mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi (trong khoảng cách 2m) hay người lành tiếp xúc với bề mặt có mầm bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng.

Ở nơi đông người, trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, virus cúm B càng lây lan mạnh và người lành càng dễ mắc cúm B.

Cúm B chỉ có một chủng virus gây bệnh duy nhất, gồm hai dòng phổ biến:

  • Cúm B - Yamagata.
  • Cúm B - Victoria.

Triệu chứng của cúm B

Các triệu chứng của cúm A và cúm B có thể giống nhau nên chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng của bệnh thì rất khó phân biệt.

Cúm B thường có những triệu chứng từ nhẹ đến nặng, các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng và kéo dài khoảng một tuần. 

Một số triệu chứng về hô hấp của cúm B thường gặp:

  • Ho, đau rát họng.
  • Hắt hơi liên tục.
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi.

Một số triệu chứng toàn thân ở người bệnh:

  • Sốt vừa đến sốt cao (có thể trên 39 độ C đến 40 độ C).
  • Mệt mỏi, ớn lạnh toàn thân.
  • Đau nhức đầu.
  • Đau nhức cơ, yếu cơ

Ngoài ra, một số người bệnh có thể gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa như:

  • Buồn nôn, nôn.
  • Chán ăn.
  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.

Những bệnh nhân mắc cúm B có thể sốt kéo dài khoảng 5 ngày. Các triệu chứng của cúm có thể sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần. hưng với những đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai hay người có bệnh nền, các triệu chứng có thể kéo dài lâu hơn hoặc xuất hiện các biến chứng gây nguy hiểm.

Một số dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo ở người mắc cúm B trở nặng, cần được nhập viện và theo dõi bởi các nhân viên y tế:

  • Trẻ em (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi): khó thở, thở gấp, ăn kém hay bỏ ăn, bỏ bú, li bì, da xanh, sốt cao kéo dài trên 38.5 độ C, nôn nhiều...
  • Người lớn: khó thở, thở gấp và đau tức ngực, sốt cao kéo dài trên 39 độ C, chóng mặt, tiêu chảy và nôn kéo dài,...
  • Người già, người mắc bệnh lý nền và người suy giảm miễn dịch cần được theo dõi và điều trị kịp thời, nếu không bệnh sẽ trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Điều trị cúm B như thế nào?

Vậy phác đồ điều trị cúm B hiện nay như thế nào?

Hiện nay thuốc đặc trị để điều trị bệnh cúm B vẫn chưa có, bệnh nhân cúm B sẽ được điều trị triệu chứng, được chăm sóc để tăng sức đề kháng cơ thể và tăng cường thể lực, hạn chế bệnh trở nặng có gây biến chứng. Một số trường hợp bệnh nhân có bội nhiễm thêm vi khuẩn sẽ được dùng kháng sinh để điều trị bội nhiễm.

  • Thuốc hạ sốt, giảm đau: Ibuprofen, Acetaminophen (ví dụ như Tylenol), giúp giảm triệu chứng sốt, đau mỏi cơ.
  • Một số trường hợp sử dụng thuốc kháng virus để rút ngắn quá trình điều trị, thường áp dụng với những đối tượng nguy cơ cao như người già,... (tuy nhiên thuốc không có khả năng tiêu diệt virus cúm và chỉ sử dụng trong vòng 48 giờ khi xuất hiện triệu chứng). Một số thuốc kháng virus hay được khuyên dùng gồm: Rapivab (peramivir), Relenza (Zanamivir), Tamiflu (Oseltamivir photphat), Xofluza (Balonxavir marboxil).
  • Uống nhiều nước. Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
  • Bổ sung thêm các loại vitamin (vitamin A, B, C, D, E) giúp tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, thoáng mát.
  • Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm: chủ động phòng ngừa cúm hiệu quả.
Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm là biện pháp phòng cúm hiệu quả
Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm là biện pháp phòng cúm hiệu quả - Ảnh: Freepik

Biến chứng của cúm B

Cúm B có nguy hiểm không? chắc hẳn là câu hỏi nhiều người quan tâm. Cúm B có thể tiến triển nặng và gây nên biến chứng đặc biệt ở những đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, những người mắc bệnh nền và suy giảm miễn dịch.

Biến chứng về hô hấp thường gặp do cúm B là:

  • Viêm phổi tiên phát: Hô hấp gặp khó khăn, thở nhanh, có thể tiến triển thành suy hô hấp, suy tuần hoàn. Ho kèm khạc ra đờm, da tái, sốt cao liên tục và kéo dài (khoảng 3- 5 ngày) trên 39.5 độ C,....
  • Viêm phổi thứ phát: triệu chứng bao gồm đau tức ngực, hô hấp khó khăn, ho đờm, suy kiệt, mệt mỏi, sốt cao trở lại sau khi hạ sốt 2-3 ngày,.... Tình trạng viêm phổi này thường gặp ở người có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch.

Ngoài ra, nếu để bệnh trở nặng và không được điều trị bệnh có thể làm các bệnh mạn tính trở nặng, ảnh hưởng đến cơ quan bộ phận cơ thể:

  • Trẻ sơ sinh: Viêm tai, xương chũm, thần kinh bị nhiễm độc.
  • Phụ nữ có thai: Ảnh hưởng đến thai nhi và mẹ, có thể gây dị tật thai, sảy thai.
  • Các biến chứng tại hệ tim mạch và thần kinh: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn; viêm não, viêm màng não,.... 

Chăm sóc bệnh nhân cúm B tại nhà và cách phòng ngừa

Để người bệnh sớm bình phục, cần có biện pháp chăm sóc bệnh nhân cúm B tại nhà hiệu quả:

  • Hạn chế người bệnh tiếp xúc, đi lại nơi đông người.
  • Cho người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn tại nơi yên tĩnh, vệ sinh phòng ốc cho thông thoáng, sạch sẽ. Nên cho người bệnh mặc quần áo thoáng, mềm mại để thoải mái hơn. Tránh nằm ở vị trí gió điều hòa hay gió thổi trực tiếp vào người, như vậy sẽ khiến bệnh tình trở nặng.
  • Khuyến khích uống nhiều nước (nước ấm, uống sữa hoặc nước trái cây), tránh uống nước lạnh hay đồ uống có cồn, nước ngọt có gas. Bổ sung nước giúp tránh tình trạng mất nước khi sốt cao, giúp đờm loãng hơn, giảm nghẹt mũi.
  • Uống thuốc hạ sốt và oresol theo chỉ định của bác sĩ.
  • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất trong các loại rau củ quả như cam, quýt, bưởi,..., đặc biệt các loại vitamin hỗ trợ hệ miễn dịch như vitamin C,D,...
  • Cho người bệnh vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
  • Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần giữ ấm, đeo khẩu trang, che mũi, miệng cho người bệnh (đặc biệt khi ho, hắt hơi).
  • Người thân gia đình chú ý đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Khi triệu chứng cúm B kéo dài, tình trạng ho, sốt,... không thuyên giảm và có biểu hiện nặng hơn,người nhà cần đưa bệnh nhân đi khám ngay để được điều trị và chăm sóc kịp thời.

Phòng ngừa cúm B như thế nào?

  • Tránh xa đám đông và tiếp xúc gần với người mắc bệnh, người có dấu hiệu nghi nhiễm cúm như sốt, ho, sổ mũi.
  • Che mũi, miệng khi ho; đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế việc chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
  • Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt đồ vật nơi sinh sống và  làm việc.
  • Tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân bằng việc xây dựng lối sống khoa học, chế độ ăn uống dinh dưỡng lành mạnh, uống đầy đủ nước mỗi ngày,...
  • Tiêm vacxin phòng cúm hàng năm là biện pháp bảo vệ cơ thể hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết