Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm Chlamydia
xet-nghiem-chlamydia
Xét nghiệm Chlamydia là một trong số các xét nghiệm bệnh tình dục phổ biến hiện nay - ảnh: BookingCare

Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm Chlamydia

Tác giả: - Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Xét nghiệm Chlamydia là phương pháp nhanh và hiệu quả nhất trong việc chẩn đoán bệnh lý Chlamydia trước khi bước vào giai đoạn nghiêm trọng. Đọc thêm trong bài viết!

Tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến xét nghiệm Chlamydia giúp người bệnh hiểu rõ hơn về các trường hợp cần thực hiện xét nghiệm, phân loại, quy trình, ý nghĩa kết quả và những lưu ý cần thiết cho việc khám và chăm sóc sức khỏe.

Mục đích xét nghiệm Chlamydia

Xét nghiệm Chlamydia là một phương pháp chẩn đoán y tế được sử dụng để tìm kiếm chủng vi khuẩn Chlamydia trong cơ thể.

Chlamydia là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể lây lan qua đường tình dục âm đạo, miệng hoặc hậu môn với người nhiễm bệnh.

Nhiều trường hợp nhiễm Chlamydia thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên người bệnh có thể không biết bản thân mắc vi khuẩn hoặc nhầm lẫn với một số bệnh khác như bệnh lậu, giang mai...

Vì vậy, xét nghiệm Chlamydia là phương pháp được khuyến cáo sử dụng nhằm chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa sự phát triển các biến chứng cũng như khả năng lây nhiễm cho người khác.

Các trường hợp cần thực hiện xét nghiệm Chlamydia

Xét nghiệm Chlamydia được khuyến nghị thực hiện mỗi năm 1 lần cho các trường hợp nam nữ có quan hệ tình dục, đặc biệt là các trường hợp:

  • Những người dưới 25 tuổi quan hệ tình dục không bảo vệ hoặc có quan hệ tình dục với nhiều người.
  • Những người có quan hệ với đối tác từng mắc bệnh hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Người nhiễm HIV, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mang thai.
  • Những người có triệu chứng hoặc nghi ngờ mắc bệnh Chlamydia như: tiểu đau rát, dịch tiết bất thường, xuất huyết, kích ứng ở bộ phận sinh dục, trực tràng, hậu môn.

Phân loại và quy trình xét nghiệm Chlamydia

Xét nghiệm Chlamydia có thể thực hiện trên mẫu nước tiểu hoặc mẫu dịch tiết từ âm đạo, niệu đạo, cổ tử cung để tìm kiếm vi khuẩn hoặc huyết thanh người bệnh. Các mẫu này được phân tích dựa trên hai phương pháp chính:

  • Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT): phân tích mẫu tìm kiếm ADN của vi khuẩn Chlamydia. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán bệnh.
  • Xét nghiệm nuôi cấy tế bào: xem xét sự phát triển của tế bào (chủ yếu ở hậu môn) và đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị.
  • Xét nghiệm xác định kháng nguyên hoặc kháng thể: như kỹ thuật miễn dịch ELISA hoặc test nhanh. 
  • Xét nghiệm PCR: xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhằm tìm kiếm vật chất di truyền của vi khuẩn.

Khi thực hiện xét nghiệm, người làm xét nghiệm sẽ được hướng dẫn các bước chuẩn bị trước khi thu thập mẫu. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp lấy mẫu cho từng trường hợp, sau đó mẫu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm chuyên khoa để phân tích dấu hiệu của vi khuẩn Chlamydia.

Kết quả xét nghiệm sẽ có sau khoảng vài chục phút hoặc 1-2 ngày, sau đó bác sĩ dựa vào kết quả để chẩn đoán và chỉ dẫn phù hợp.

Những điều cần chú ý khi thực hiện xét nghiệm Chlamydia

Trước khi xét nghiệm

Trước khi làm xét nghiệm tình dục này, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe, các loại thuốc và tiền sử bệnh lý trước đó để được hướng dẫn cụ thể về việc ngừng thuốc và các chỉ định khác.

Người xét nghiệm cần chú ý không đi tiểu trong vài giờ trước khi làm xét nghiệm hoặc thụt rửa sâu, sử dụng dung dịch vệ sinh cơ quan sinh dục trước khi thực hiện xét nghiệm có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng mẫu.

Khi xét nghiệm

Người bệnh sẽ thực hiện tự lấy mẫu nước tiểu vào cốc vô trùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nên thu thập phần đầu tiên của dòng nước tiểu để cho kết quả chính xác nhất. Trường hợp lấy mẫu xét nghiệm ở niệu đạo và âm đạo, bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông hoặc bàn chải để lấy dịch tiết mang đi xét nghiệm.

Sau khi xét nghiệm

Kết quả xét nghiệm sẽ có sau chục phút hoặc 1 - 2 ngày tùy vào phương pháp xét nghiệm. Trong thời gian chờ kết quả, người làm xét nghiệm nên tránh quan hệ tình dục không an toàn để giảm nguy cơ lây nhiễm cho đối tác và thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe khác.

Giải thích kết quả xét nghiệm Chlamydia

Kết quả xét nghiệm Chlamydia sẽ cho biết liệu có vi khuẩn Chlamydia trong mẫu hay không. Kết quả thường được phân loại thành hai loại:

  • Kết quả âm tính: không phát hiện vi khuẩn Chlamydia trong mẫu cho thấy người xét nghiệm không nhiễm vi khuẩn Chlamydia trong thời điểm xét nghiệm hoặc lấy mẫu không đúng, cần theo dõi thêm nếu nằm trong trường hợp có nguy cơ cao.
  • Kết quả dương tính: người được làm xét nghiệm đã nhiễm vi khuẩn Chlamydia, cần thực hiện điều trị và dự phòng lây nhiễm cho đối tác.

Thông thường, các trường hợp dương tính được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Người bệnh cần thực hiện xét nghiệm đánh giá phương pháp điều trị sau khoảng ba tuần và xét nghiệm kiểm tra khoảng ba tháng sau đó để xác nhận hoàn thành điều trị bệnh.

Xét nghiệm Chlamydia đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh tình dục. Việc thực hiện xét nghiệm sớm giúp phát hiện, ngăn ngừa biến chứng và hạn chế lây nhiễm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân người bệnh và đối tác.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết