Những điều cần biết về bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2
Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2
Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2 - Ảnh: BookingCare

Những điều cần biết về bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung được chia thành 3 giai đoạn khác nhau. Bệnh chuyển biến sang giai đoạn 2 có những đặc điểm và cần lưu ý gì? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến ở phụ nữ. Về bản chất, bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để lâu không chữa trị, đặc biệt là từ giai đoạn 2, bệnh không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống, mà còn có thể gây ra các biến chứng phức tạp khác cho người bệnh.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2 là gì?

Lộ tuyến CTC là hiện tượng biểu mô trụ nằm ở trong ống cổ tử cung bị lộn ra ngoài CTC. Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng các tế bào này  bị các loại vi khuẩn, nấm… xâm nhập khiến bộ phận này bị tổn thương gây ra các tình trạng viêm, sưng đỏ, lở loét,...

Khi chuyển sang giai đoạn 2, diện tích tổn thương ở cổ tử cung lên tới 50 - 70%. Lúc này, người bệnh cần có các biện pháp y khoa can thiệp điều trị ngay lập tức. Tránh trường hợp bệnh chuyển biến nặng hơn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí là vô sinh.

Nguyên nhân gây bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung khởi phát có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp là do bẩm sinh, còn lại hầu hết đều do những yếu tố môi trường sống và thói quen sinh hoạt không lành mạnh tác động. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

Không khám phụ khoa định kỳ

Nhiều chị em phụ nữ có tâm lý e ngại khi đi khám phụ khoa, chỉ khi thấy các triệu chứng xuất hiện mới đi kiểm tra. Trong nhiều trường hợp, bệnh chỉ biểu hiện ra bên ngoài khi đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2 có thể là kết quả của việc người bệnh không đi khám phụ khoa định kỳ. Nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị triệt để ngay từ giai đoạn 1. Vì vậy, 3-6 tháng là thời gian nên khám phụ khoa định kỳ được khuyến cáo ở phụ nữ. 

Vệ sinh vùng kín không đúng cách

Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa các bệnh về nấm, viêm nhiễm. Trong trường hợp người bệnh vệ sinh không đúng cách, thụt rửa quá sâu, sử dụng các dung dịch vệ sinh không phù hợp,gây tổn thương, trầy xước cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Quan hệ tình dục không an toàn

Quan hệ tình dục bừa bãi không sử dụng các biện pháp an toàn tránh lây nhiễm các bệnh tình dục cũng là một trong số các nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung. Đồng thời, đây cũng là nguồn gốc của những căn bệnh thế kỷ như HIV/ AIDS, lậu, giang mai, sùi mào gà,...

Người có tiền sử nạo phá thai, sử dụng các thủ thuật phụ khoa

Nạo phá thai, sảy thai hay đặt vòng âm đạo là những thủ thuật phụ khoa có thể làm tổn thương cổ tử cung. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây viêm nhiễm xâm nhập và phát triển mạnh.

Người mắc các bệnh phụ khoa

Những căn bệnh viêm nhiễm phụ khoa do lây qua đường tình dục cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung. 

Thay đổi nội tiết tố

Phụ nữ thay đổi nội tiết tố có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như: phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, sau sinh hoặc uống thuốc tránh thai,...

Sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung.

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2

Tương tự như viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 1, ở giai đoạn 2, các triệu chứng của bệnh vẫn tồn tại với những biểu hiện nặng hơn, rõ rệt hơn:

  • Khí hư ra nhiều bất thường 
  • Màu sắc khí hư có thể bao gồm: xanh, vàng, trắng đục kèm theo bọt
  • Vùng kín ngứa ngáy kèm theo mùi hôi khó chịu
  • Âm hộ đau rát
  • Có thể chảy máu, xuất huyết khi quan hệ tình dục
  • ...

Phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2

Ở giai đoạn 2, phương pháp điều trị bằng thuốc chỉ đóng một vai trò hỗ trợ giảm viêm và ngăn chặn các triệu chứng viêm loét lan rộng hơn. Để có thể điều trị bệnh triệt để, các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh sử dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu.

Quy trình điều trị bệnh có thể khái quát như sau:

  • Người bệnh được khám phụ khoa trước, thực hiện soi cổ tử cung hoặc làm phiến đồ âm đạo nhằm xác định tình trạng cụ thể, kiểm tra sức khỏe tổng thể để xem có đủ điều kiện thực hiện điều trị xâm lấn hay không.
  • Dùng thuốc kháng viêm điều trị vi khuẩn gây viêm nhiễm và ngăn vi khuẩn quay trở lại tấn công trong một thời gian nhất định
  • Sau khi tình trạng viêm loét đã được kiểm soát, người bệnh được các bác sĩ thực hiện các phương pháp điều trị xâm lấn như đốt diệt tuyến, áp lạnh,... trực tiếp vào các tế bào gây viêm nhiễm.

Khi đốt diệt tuyến cổ tử cung, nếu đốt quá sâu, cổ tử cung có thể xuất hiện sẹo xơ cứng, lỗ cổ tử cung bị chít hẹp, gây ứ đọng máu kinh, đau đớn trong thời kỳ kinh nguyệt và có thể cản trở quá trình thụ thai.

Người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Các biến chứng của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung ở giai đoạn 2 có nguy cơ mắc biến chứng cao hơn nhiều lần. Người bệnh cần điều trị ngay lập tức để ngăn chặn bệnh chuyển biến sang giai đoạn cuối.

Dưới đây là một số ảnh hưởng xấu cùng như biến chứng của bệnh viêm lộ tuyến cố tử cung tới sức khỏe và đời sống của người bệnh:

  • Tắc vòi trứng
  • Viêm nội mạc tử cung
  • Vô sinh, hiếm muộn
  • Ung thư cổ tử cung
  • Giảm ham muốn
  • Stress, lo âu
  • Tự ti

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung giai đoạn 2, người bệnh không nên quá hoang mang lo lắng. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bệnh vẫn có thể được trị khỏi hoàn toàn. Người bệnh cần tuân thủ các phương pháp điều trị của bác sĩ và xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh để đạt kết quả điều trị tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết