Xuất bản: 22/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 04/04/2024
Các triệu chứng thường bắt đầu khoảng 5 ngày trước khi có kinh và kết thúc trong vòng vài giờ sau khi phụ nữ ra máu kinh - Ảnh BookingCare
Nhiều phụ nữ thường cảm thấy có sự thay đổi rõ về sức khỏe thể chất và tinh thần một vài ngày trước khi có kinh. Những triệu chứng như vậy xuất hiện đều đặn mỗi tháng và ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt hàng ngày của chị em, được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt.
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS: Premenstrual Syndrome) đề cập đến tập hợp các triệu chứng rắc rối theo chu kỳ xuất hiện trong giai đoạn hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt - đặc biệt là ở giai đoạn hoàng thể muộn - biến mất khi hết chu kỳ kinh nguyệt và không xuất hiện trong giai đoạn nang trứng.
Mỗi người sẽ có mức độ và cường độ của các triệu chứng trong hội chứng tiền kinh nguyệt khác nhau và không giống nhau giữa các chu kỳ kinh. Các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu cơ thể bạn đang chịu căng thẳng hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, các triệu chứng có thể tồn tại cho đến sau kỳ kinh. Hội chứng tiền kinh nguyệt do nhiều nguyên nhân gây ra.
Triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt
Các triệu chứng thường bắt đầu khoảng 5 ngày trước khi có kinh và kết thúc trong vòng vài giờ sau khi phụ nữ ra máu kinh. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng tiền kinh phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe chung của người phụ nữ ở thời điểm đó.
Các triệu chứng thường gặp nhất là:
Dễ bị kích thích, lo lắng, kích động hơn so với ngày thường
Dễ tức giận vô cớ
Mất ngủ dẫn đến khó tập trung, lơ mơ
Trầm cảm và mệt mỏi nghiêm trọng.
Quá trình chuyển hóa và hấp thu của cơ thể bị rối loạn làm cơ thể tích nước gây ra phù, tăng cân nhanh, vú căng tức và đau.
Cảm giác tức nặng hoặc áp lực đè nặng vùng chậu và đau.
Một số phụ nữ, đặc biệt là ở người trẻ, thường sẽ bị đau bụng khi bắt đầu kỳ kinh.
Các triệu chứng ít gặp khác có thể xuất hiện trước kỳ kinh bao gồm: nhức đầu, chóng mặt, bức bối của các chi, ngất, đánh trống ngực, táo bón, buồn nôn, nôn ói, và thay đổi thèm ăn. Mụn trứng cá và viêm da thần kinh cũng có thể xảy ra.
Một số phụ nữ mắc chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Khi mắc chứng này, phụ nữ không những có tâm trạng chán nản rõ rệt, lo lắng, dễ cáu giận, và cảm xúc không ổn định mà còn có những tư tưởng tự sát và sự quan tâm đến các hoạt động hàng ngày suy giảm đáng kể.
Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt
Nguyên nhân của hội chứng tiền kinh nguyệt không rõ ràng nhưng theo nhiều nghiên cứu, hội chứng tiền kinh nguyệt có liên quan đến các yếu tố sau:
Nhiều yếu tố nội tiết
Hạ đường huyết
Các thay đổi khác trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, tăng prolactin máu, biến động về mức độ tuần hoàn estrogen và progesterone, đáp ứng bất thường với estrogen và progesterone, thừa aldosteron hoặc hormon chống bài niệu ADH.
Khuynh hướng di truyền
Thiếu serotonin
Có thể thiếu magie và canxi
Estrogen và progesterone có thể gây giữ dịch tạm thời, giống như thừa aldosterone hoặc ADH.
Các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt
Để chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt, phụ nữ phải có từ 5 trong số các triệu chứng sau trong hầu hết tuần trước khi có kinh và các triệu chứng phải giảm thiểu hoặc biến mất trong tuần sau khi có kinh nguyệt. Các triệu chứng phải bao gồm một hoặc nhiều các triệu chứng có liên quan đến tâm trạng sau:
Thay đổi tâm trạng rõ rệt: đang buồn tự dưng vui, căng thẳng..
Sự cáu kỉnh hoặc tức giận rõ rệt hoặc gia tăng mâu thuẫn giữa các cá nhân
Khí sắc giảm đáng kể, cảm giác tuyệt vọng hoặc những suy nghĩ tự hối lỗi
Ghi nhận sự lo lắng, căng thẳng hoặc một cảm giác chơi vơi.
Ngoài ra phải có nhiều hơn một điểm sau:
Giảm quan tâm trong hoạt động bình thường hoặc giảm khả năng lao động
Khó tập trung
Giảm năng lượng, mệt mỏi
Thay đổi về khẩu vị: thèm ăn, ăn quá nhiều
Mất ngủ hoặc tăng ngủ, thường sẽ mất ngủ nhiều hơn
Ngực căng đau, khó chịu.
Thêm vào đó, các triệu chứng phải xuất hiện trong hầu hết 12 tháng trước đó và các triệu chứng phải đủ nghiêm trọng, có thể can thiệp vào các hoạt động và chức năng hàng ngày thì mới được chẩn đoán mắc bệnh hội chứng tiền kinh nguyệt.
Cách điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh có thể khó điều trị. Không có phương pháp điều trị đơn độc nào đã chứng minh có hiệu quả cho tất cả phụ nữ, một số trường hợp phụ nữ đã được chữa khỏi hoàn toàn với một phương pháp điều trị cụ thể. Do đó, điều trị có thể đòi hỏi phải thử và có thể sai, cũng như cần có sự kiên nhẫn.
Điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt là điều trị triệu chứng, bắt đầu với nghỉ ngơi và ngủ đủ, tập thể dục thường xuyên, và các hoạt động thư giãn kết hợp với điều trị nội khoa.
Thay đổi chế độ ăn uống
Tăng lượng protein,
Giảm đường, tiêu thụ carbohydrate phức tạp
Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn.
Tránh một số loại thức ăn và thức uống nhất định (ví dụ như cola, cà phê, thịt lợn, khoai tây chiên, đóng hộp) và ăn nhiều loại khác hơn (ví dụ như trái cây, rau, sữa, thực phẩm giàu chất xơ, thịt ít béo, thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D).
Bổ sung canxi (600mg x 2 lần/ngày) có thể làm giảm tâm trạng tiêu cực và các triệu chứng thân thể.
Một số chất bổ sung chế độ ăn uống có hiệu quả nhẹ để giảm triệu chứng; các chất này bao gồm chiết xuất chasteberry từ quả agnus castus (dường như làm giảm các triệu chứng thể chất), vitamin B6 (không quá 100 mg mỗi ngày) và vitamin E.
Thay đổi lối sống
Tránh các hoạt động căng thẳng, tập luyện thư giãn, liệu pháp ánh sáng, điều chỉnh giấc ngủ và điều trị hành vi nhận thức.
Nghỉ ngơi nhiều hơn, nếu tâm trạng bức bối có thể chia sẻ với gia đình, bạn bè để giải tỏa cảm xúc.
Tập thể dục thường xuyên
Khi bắt đầu thấy các dấu hiệu của hội chứng tiền kinh, chị em phụ nữ có thể vận động, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội,... để não tăng sản xuất chất endorphins có tác dụng giảm đau, tăng cảm giác hưng phấn, lạc quan vui vẻ.
Chị em có thể áp dụng một số liệu pháp thư giãn phổ biến là massage, thiền, yoga, tập hít thở nhẹ nhàng.
Dùng thuốc
Thuốc chống trầm cảm: là nhóm thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin (SSRIs) bao gồm fluoxetine (Prozac, Sarafem), sertraline (Zoloft), paroxetine (Paxil, Pexeva)… được xác nhận có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng bất an về tâm lý.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): như ibuprofen, naproxen có thể được sử dụng để giảm đau bụng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên thường các bác sĩ sẽ cân nhắc vì nhóm thuốc này có tác dụng phụ gây xuất huyết dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng.
Thuốc ngăn ngừa sự rụng trứng: ví dụ như thuốc tránh thai nội tiết tố có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến thể chất.
Hội chứng tiền kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Khoảng 85-90% phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh từ mức độ nhẹ đến nặng, khoảng 20-40% có những rối loạn làm hạn chế khả năng tâm thần và sinh lý và 2-3% mắc hội chứng tiền kinh mức độ nặng với mất khả năng hoạt động thật sự.
Hội chứng tiền kinh có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ lúc còn là thiếu nữ nhưng tần suất xảy ra nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Đây không phải là chứng bệnh quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng nặng nề đến tâm thần và thể chất của người phụ nữ, ở mức độ nặng có thể khiến chị em bị ám ảnh và sợ hãi, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình cũng như những hoạt động hàng ngày nếu không được điều trị.
Hội chứng tiền kinh không thể biến mất hoàn toàn, chị em phụ nữ nên học cách sống chung với nó bằng cách làm giảm các triệu chứng thông qua việc chăm sóc bản thân đúng cách.