Những điều cần biết về xét nghiệm chức năng gan

Tác giả: - Xuất bản: 05/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 10/11/2023
nhung-dieu-can-biet-ve-xet-nghiem-chuc-nang-gan
Xét nghiệm chức năng gan có vai trò quan trọng trong việc đánh giá và theo dõi tình trạng sức khỏe tổng quát - ảnh: BookingCare
Xét nghiệm chức năng gan là một trong những xét nghiệm phổ biến khi kiểm tra sức khỏe tổng quát nói chung, thăm khám bệnh lý về gan nói riêng. Vậy xét nghiệm chức năng gan xét nghiệm các chỉ số nào? Có điều gì cần lưu ý? Đọc ngay trong bài viết sau!

Xét nghiệm chức năng gan sử dụng phương pháp phân tích mẫu máu để đo lượng protein và men gan. Dựa vào kết quả xét nghiệm, mức độ chỉ số có thể cho thấy các vấn đề về gan đang hiện hữu để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. 

Xét nghiệm chức năng gan là gì?

Xét nghiệm chức năng gan là các xét nghiệm được thực hiện để đánh giá khả năng thực hiện các chức năng cơ bản của gan bao gồm tổng hợp các chất, chuyển hóa, tiết ra mật và loại bỏ chất thải.

Xét nghiệm chức năng gan nhằm mục đích sàng lọc, chẩn đoán, theo dõi và các bệnh lý về gan cũng như đánh giá hiệu quả của việc điều trị các bệnh lý về gan hoặc các tác dụng phụ có thể xảy ra bởi thuốc.

Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm chức năng gan?

Người kiểm tra có thể thực hiện xét nghiệm chức năng gan khi:

  • Có nhu cầu sàng lọc các bệnh về gan và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến gan, xét nghiệm sức khỏe định kỳ, kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân và mang thai…
  • Theo dõi tác dụng phụ của một số loại thuốc như: NSAID, statin, kháng sinh, thuốc trị lao,... có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.
  • Có một số bệnh lý trước đó liên quan đến mỡ máu cao, tiểu đường, huyết áp, thiếu máu,...
  • Xuất hiện các triệu chứng phổ biến của bệnh như: vàng da, vàng mắt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu, mệt mỏi...

Người khám có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chức năng gan nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người xuất hiện các triệu chứng của bệnh gan: vàng da, vàng mắt,, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, phân sáng màu…
  • Những người có nguy cơ cao mắc bệnh về gan: người nghiện rượu, người mắc bệnh tiểu đường, người tiếp xúc với virus viêm gan, có tiền sử gia đình mắc bệnh gan…
  • Người thường xuyên sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Người đang theo dõi sự tiến triển của bệnh gan hoặc đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị gan.

Quy trình xét nghiệm chức năng gan

Quy trình thực hiện xét nghiệm chức năng gan thường bao gồm các bước sau:

Chuẩn bị trước xét nghiệm

Bác sĩ có thể đưa ra một số hướng dẫn về quy trình và các yêu cầu chuẩn bị về mẫu máu trước khi thực hiện xét nghiệm như việc không sử dụng các loại thực phẩm, chất kích thích hoặc thuốc trong một khoảng thời gian cụ thể trước xét nghiệm.

Lấy mẫu

Các xét nghiệm chức năng gan thường sử dụng mẫu máu để phân tích. Người làm kiểm tra thường được lấy máu từ tĩnh mạch. Thủ tục này thường không gây quá nhiều đau đớn và trong thời gian ngắn. Mẫu máu này sẽ được lưu trữ và vận chuyển đến phòng xét nghiệm để tiến hành các phân tích.

Xử lý mẫu máu

Mẫu máu sẽ được xử lý phân tích trong phòng thí nghiệm hóa học. Quá trình này thường được thực hiện bởi các chuyên gia cùng hệ thống máy móc kỹ thuật xét nghiệm chuyên nghiệp.

Phân tích mẫu

Khi quá trình xử lý mẫu máu hoàn thành, chuyên gia xét nghiệm sẽ tiến hành đo lường và phân tích các yếu tố phục vụ đánh giá chức năng gan. Các chỉ số chức năng gan sẽ được đo và so sánh với các giá trị chuẩn để đưa ra tình trạng sức khỏe của người làm xét nghiệm.

Báo cáo kết quả

Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi tới bác sĩ hoặc trả kết quả về cho người bệnh. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ phân tích và đưa ra chẩn đoán, đánh giá về chức năng gan và tư vấn phác đô điều trị, chăm sóc.

Quy trình thực hiện xét nghiệm chức năng gan có thể thay đổi tùy thuộc vào phương pháp và quy trình cụ thể được sử dụng tại cơ sở xét nghiệm. Người kiểm tra có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành xét nghiệm nếu có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng gan

Kết quả xét nghiệm chức năng gan có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố cụ thể như:

Các loại thuốc điều trị, thực phẩm chức năng

Việc sử dụng một số loại thuốc và chế phẩm có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm gan. Một số loại thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống co giật, thuốc chống ung thư và thuốc chống vi khuẩn có thể gây tăng hoặc giảm các chỉ số gan. Nếu đang sử dụng thuốc, người là xét nghiệm nên thông báo trước cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

xet-nghiem-chuc-nang-gan-anh-2
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ các chất trong xét nghiệm chức năng gan - ảnh: canva.com

Rượu và chất gây nghiện

Sử dụng rượu hoặc các chất gây nghiện có thể gây tổn thương gan và ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng gan. Các chất này có thể làm tăng enzym gan và gây tăng bilirubin trong máu. Để có kết quả xét nghiệm chính xác, người làm xét nghiệm cần hạn chế hoặc tránh uống rượu và sử dụng chất gây nghiện trước khi thực hiện xét nghiệm.

Thực phẩm

Các loại thực phẩm nhiều chất béo có thể gây tăng enzym gan, nếu người kiểm tra sử dụng trước khi xét nghiệm có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Bệnh lý gan

Các trường hợp mắc bệnh lý như viêm gan, xơ gan, viêm gan virus, gan nhiễm mỡ hoặc ung thư gan cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng gan. Một số bệnh di truyền như bệnh Wilson (gây ra sự tích tụ kim loại đồng trong gan và não) hoặc alpha-1 antitrypsin deficiency (bệnh di truyền gây ra tổn thương gan) có thể làm thay đổi các chỉ số chức năng gan.

Tình trạng sức khỏe tổng quát

Một số vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc thận có thể ảnh hưởng đến chức năng gan và kết quả xét nghiệm chức năng gan.

Để đảm bảo có được kết quả xét nghiệm chính xác, người xét nghiệm cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các yếu tố sức khỏe và bệnh lý đặc biệt của mình. Bác sĩ sẽ xem xét những yếu tố kết hợp với kết quả xét nghiệm để đưa ra đánh giá cuối cùng về tình trạng chức năng gan.

Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm chức năng gan

  • ALT (alanine aminotransferase): nếu xét nghiệm ALT có kết quả cao hơn bình thường cho thấy người xét nghiệm có dấu hiệu tổn thương gan.
  • AST (aspartate aminotransferase): nếu kết quả xét nghiệm ALT cao có thể cho thấy gan hoặc cơ đang có vấn đề. Nếu ALT, Bilirubin và ALP đều tăng, điều đó cho thấy gan đã bị tổn thương.
  • ALP (alkaline phosphatase): xét nghiệm ALP có kết quả cao hơn mức trung bình có thể là dấu hiệu của viêm gan, tắc ống mật hoặc các bệnh liên quan đến xương.
  • Albumin: nếu chỉ số albumin thấp có thể cảnh báo gan đang có nguy cơ mắc các bệnh như xơ gan, suy dinh dưỡng hoặc ung thư gan.
  • Bilirubin: nếu xét nghiệm bilirubin có chỉ số cao hơn mức trung bình, cùng với mức ALT và AST tăng cao có thể cảnh báo các nguy cơ về viêm gan hoặc xơ gan.

Xét nghiệm chức năng gan có ý nghĩa quan trọng giúp tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng, theo dõi tổn thương và hiệu quả điều trị các bệnh lý về gan dựa trên việc sản xuất protein và lượng enzyme mà tế bào gan giải phóng. Dựa trên kết quả xét nghiệm toàn diện, các bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán cụ thể về tình trạng gan hoặc quyết định phương pháp điều trị cần thiết.