Những nguyên nhân chính gây ra bệnh Parkinson
Những nguyên nhân chính gây ra bệnh Parkinson
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson
Nguyên nhân gây bệnh Parkinson - Ảnh: BookingCare

Những nguyên nhân chính gây ra bệnh Parkinson

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 22/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 05/10/2023
Hầu hết chúng ta đều biết bệnh Parkinson xuất hiện chủ yếu ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh cụ thể là gì? Cùng tìm hiều trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh Parkinson là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh căn này là gì.

Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh một vài yếu tố có liên quan tới việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở một người.

Các triệu chứng của bệnh Parkinson xuất hiện do đâu?

Bệnh Parkinson khiến một vùng não cụ thể hoặc vùng hạch nền bị thoái hóa. Khi khu vực này xấu đi, người bệnh sẽ mất đi khả năng mà những khu vực đó chịu trách nhiệm kiểm soát. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh Parkinson gây ra sự thay đổi lớn về mặt hóa học trong não của người bệnh.

Trong trường hợp bình thường, não sử dụng các hóa chất được gọi là chất dẫn truyền thần kinh để kiểm soát cách các tế bào não (tế bào thần kinh) giao tiếp với nhau. Khi mắc bệnh Parkinson, người bệnh không có đủ dopamine, một trong những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nhất.

Khi não gửi tín hiệu kích hoạt yêu cầu cơ bắp di chuyển, nó sẽ điều chỉnh các chuyển động của cơ thể bằng cách sử dụng các tế bào cần dopamine. Đó là lý do tại sao thiếu dopamine gây ra các triệu chứng cử động chậm lại và run rẩy của bệnh Parkinson.

Khi bệnh Parkinson tiến triển, các triệu chứng ngày càng gia tăng và dữ dội hơn. Các giai đoạn sau của bệnh thường ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của não, gây ra các triệu chứng giống như chứng mất trí nhớ và trầm cảm.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

  • Gen, Di truyền: 

Bệnh Parkinson có thể xuất phát từ nguyên nhân di truyền, nghĩa là một người có thể thừa hưởng gen bệnh từ cha mẹ hoặc cả hai. Tuy nhiên, điều này chỉ chiếm khoảng 10% tổng số trường hợp.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tìm ra được có ít nhất 3 loại gen làm tăng nguy cơ gây ra căn bệnh này.

Những đột biến gen của protein alpha-synuclein nằm trên nhiễm sắc thể số 4 gây ra hội chứng Parkinson di truyền theo tính trội. Các nghiên cứu cũng cho thấy tổn thương DNA ty thể do MPTP cũng có thể là nguyên nhân.

  • Yếu tố môi trường:

Việc tiếp xúc với một số chất độc hoặc các yếu tố môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson sau này, nhưng nguy cơ này rất nhỏ.

Giả thuyết này dựa trên dữ kiện độc tố MPTP, là chất tương tự meperidine, được người nghiện heroin sử dụng, gây ra bệnh Parkinson ở người và động vật. MPTP bị oxide hóa thành MPP+ gây độc tính trên tế bào thần kinh. Có lẽ một số độc tố giống MPTP có vai trò cho bệnh lý này

  • Phơi nhiễm độc tố:

 Tiếp xúc liên tục với thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson mặc dù khả năng này là không cao

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có nhiều thay đổi xảy ra trong não của người mắc bệnh Parkinson, mặc dù không rõ tại sao những thay đổi này lại xảy ra. Những thay đổi này bao gồm:

  • Sự hiện diện của thể Lewy. Các hạt thể vùi dạng sợi, ưa acid, trong tế bào não là dấu hiệu vi mô của bệnh Parkinson. Chúng được gọi là thể Lewy và các nhà nghiên cứu tin rằng những thể Lewy này nắm giữ manh mối quan trọng về nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson. Thể Lewy phân bổ rộng ở nhiều vùng trong não, ví dụ hành khứu (gây mất mùi giai đoạn sớm), vùng thân não, nhân lục (gây ra rối loạn giấc ngủ)
  • Alpha-synuclein được tìm thấy trong thể Lewy. Mặc dù có nhiều chất được tìm thấy trong thể Lewy, nhưng các nhà khoa học tin rằng một chất quan trọng là protein tự nhiên và phổ biến có tên là alpha-synuclein, còn được gọi là a-synuclein. Nó được tìm thấy trong tất cả các thể Lewy ở dạng vón cục mà tế bào không thể phá vỡ. Đây hiện là trọng tâm quan trọng của các nhà nghiên cứu bệnh Parkinson. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy protein alpha-synuclein vón cục trong dịch tủy sống của những người sau này mắc bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở những người cao tuổi. Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời và hạn chế những rủi ro biến chứng của bệnh Parkinson.

 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare