Nước tiểu đục cảnh báo bệnh gì?

Tác giả: - Xuất bản: 25/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 21/03/2024
Tiểu đục là dấu hiệu của nhiều bệnh lý
Tiểu đục là dấu hiệu của nhiều bệnh lý - Ảnh: BookingCare
Nước tiểu  có vai trò quan trọng, nó phần nào phản ánh được tình trạng của sức khỏe cơ thể, và bất kỳ thay đổi nào trong màu sắc, độ trong hoặc mùi của nước tiểu đều có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe. Bình thường nước tiểu có màu trong hoặc hơi vàng nhẹ, nếu nước tiểu trở nên đục có nghĩa cơ thể đang gặp phải một tình trạng bất thường nào đó.

Nước tiểu, mặc dù thường được xem là một phần không đáng chú ý trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thực ra lại chứa nhiều thông tin quý giá về sức khỏe của chúng ta. Nó là tấm gương phản ánh của cơ thể, phản ánh tình trạng của hệ thống thận - tiết niệu . Khi nước tiểu đục điều này có thể là dấu hiệu của một bệnh lý  của cơ quan thận tiết niệu. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về tình trạng nước tiểu đục trong bài viết dưới đây.

Nhận biết nước tiểu đục

Thông thường nước tiểu không màu hoặc màu vàng trong, nước tiểu đục xảy ra khi nước tiểu có màu đục hoặc màu trắng đục hoặc như nước vo gạo, có thể có cặn.

Nước tiểu chứa nước, muối và chất thải của thận. Sự cân bằng của chúng quyết định độ pH trong nước tiểu - độ kiềm (cơ bản) hay tính axit của nó. 

Thang đo pH nước tiểu dao động từ 0 đến 14:

  • Phạm vi pH nước tiểu bình thường là từ 5 đến 8 pH. 
  • Với 6 là trung tính. 
  • Nước tiểu có độ pH dưới 5 được coi là có tính axit. 
  • Nước tiểu có độ pH từ 8 trở lên có tính kiềm. 

Nồng độ kiềm cao trong nước tiểu là nguyên nhân phổ biến nhất khiến nước tiểu chuyển sang màu đục hoặc màu trắng đục.

Thang đo pH nước tiểu - Ảnh: Freepik

Nguyên nhân gây nước tiểu đục

Có nhiều lý do khác nhau khiến nước tiểu của có thể đục. Màu sắc và mức độ đục trong nước tiểu có thể cho thấy những lo ngại về sức khỏe. Các nguyên nhân phổ biến nhất khiến nước tiểu đục bao gồm:

  • Không uống đủ nước hoặc mất nước: khi lượng nước rời khỏi cơ thể nhiều hơn lượng đưa vào cơ thể, có thể dẫn đến mất nước. Điều này có thể gây ra nước tiểu đục. Mất nước có thể do tiêu chảy, bỏng, nôn sốt, mất qua mồ hôi.
  • Do thực phẩm: trong một số trường hợp, chế độ ăn uống của một người có thể khiến nước tiểu của họ bị đục. Ví dụ, nếu một người tiêu thụ một lượng lớn phốt pho. Khi đó, nước tiểu đục sẽ xuất hiện do thận của họ cố gắng lọc lượng khoáng chất dư thừa ra khỏi máu. Các loại thực phẩm sau đây có chứa phốt pho: sản phẩm bơ sữa, thịt, hải sản, các loại hạt và hạt giống đậu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến nước tiểu đục. Nước tiểu đục thường xuất phát từ việc chảy mủ hoặc máu vào đường tiết niệu. Nó cũng có thể là sự tích tụ của các tế bào bạch cầu cho thấy cơ thể đang cố gắng loại bỏ vi khuẩn xâm nhập.
  • Sỏi hệ tiết niệu: sỏi thận cũng có thể khiến nước tiểu đục. Sỏi phát triển từ sự tích tụ của một số khoáng chất trong cơ thể. Sỏi kích thước nhỏ có thể đi qua mà không gặp vấn đề gì, nhưng những viên sỏi lớn có thể gây tắc nghẽn dẫn đến nhiễm trùng đường niệu.
  • Viêm tuyến tiền liệt: bệnh xảy ra ở 10-15% nam giới, các triệu chứng điển hình của bệnh là đau, buốt khi đi tiểu, tiểu rắt, thường xuyên buồn đi tiểu, có thể xuất hiện tiểu máu.
  • Viêm âm đạo: nhiễm khuẩn là nguyên nhân hay gặp gây viêm âm đạo.
  • Tiểu ra dưỡng chấp: sự rò rỉ từ hệ bạch huyết vào đường niệu khiến cho nước tiểu có màu đục. Triệu chứng của tiểu dưỡng chấp là nước tiểu trắng đục như sữa hoặc như nước vo gạo, có những váng mỡ, để lắng lại có những mảng keo, mảng trắng như sữa đông hoặc mỡ đông, xảy ra từng đợt.
  • Dùng thuốc: Một số thuốc cũng có thể dẫn đến hiện tượng nước tiểu đục. Khi uống các loại thuốc như: thuốc điều trị đái tháo đường, Vitamin B và Vitamin C bởi chúng có chứa phốt pho.
  • Đái tháo đường: bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến biến chứng thận, cũng là một nguyên nhân gây nước tiểu đục.
  • Bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: một số bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến như lậu và chlamydia có thể gây ra nước tiểu đục. Bên cạnh đó có thể kèm theo các triệu chứng khác như là đau, ngứa bộ phận sinh dục, viêm loét, dịch tiết có mùi hôi thối… 

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Thỉnh thoảng nước tiểu đục là bình thường, sau khi thay đổi những thói quen hằng ngày như uống đủ nước, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc… nước tiểu trong trở lại và không có thêm bất kỳ triệu chứng nào khác thì điều đó không đáng lo ngại. 

Nhưng nếu nước tiểu đục dai dẳng và không biến mất trong vòng vài ngày hoặc kèm theo các triệu chứng cảnh báo khác như đau, tiểu buốt rắt, sốt, tiểu đục dần thành tiểu đỏ… cần đến gặp các bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu đục và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.

Cách hạn chế tình trạng nước tiểu đục

Nước tiểu đục là một triệu chứng, có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, vì vậy cách điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu đục. Tham khảo một số cách dưới đây giúp hạn chế tình trạng nước tiểu đục:

  • Giữ đủ nước và uống nhiều nước.
  • Uống vitamin C để giảm nồng độ kiềm.
  • Dùng thuốc kháng sinh để điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào.
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng.
  • Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc
  • Thường xuyên tập thể dục và chơi thể thao phù hợp 
  • Duy trì lối sống lành mạnh, tránh đồ ăn nhanh, đồ uống có cồn.

Nước tiểu đục không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy người bệnh không nên chủ quan bỏ qua. Khi nhận thấy có tình trạng nước tiểu đục mà không rõ nguyên nhân, sau khi đã thực hiện các biện pháp đơn giản tại nhà không đỡ, cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết