Đi tiểu ra máu - Dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh
Đi tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của bệnh thận
Đi tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của bệnh thận - Ảnh: BookingCare

Đi tiểu ra máu - Dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 08/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 29/01/2024
Sẽ thế nào nếu một ngày bất chợt thấy nước tiểu có máu. Đây được gọi là tình trạng đi tiểu ra máu hay còn gọi là đái máu. Trong nhiều trường hợp đái máu do nguyên nhân vô hại nhưng cũng có thể đái máu là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh nguy hiểm.

Đi tiểu ra máu hay còn gọi là đái máu, là một triệu chứng hay gặp trong nhóm bệnh thận tiết niệu. Đôi khi đi tiểu ra máu là thoáng qua và có thể tự hết mà không cần điều trị, nhưng cũng có thể đái máu là dấu hiệu bệnh lý. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị đái máu trong bài viết dưới đây.

Đi tiểu ra máu là gì?

Nước tiểu được sản xuất ở thận, sau đó nó chảy từ thận qua niệu quản đến bàng quang. Khi bàng quang đầy nước tiểu, nước tiểu sẽ chảy ra khỏi cơ thể qua niệu đạo.

Đi tiểu ra máu là tình trạng xuất hiện máu hoặc tế bào máu trong nước tiểu. Đi tiểu máu có hai loại là đái máu đại thể và đái máu vi thể:

  • Đái máu đại thể: là khi có thể nhìn thấy bằng mắt thường nước tiểu có máu, đậm màu, đỏ, màu trà hay màu coca hoặc nhạt hơn như màu hồng hay màu nước rửa thịt.
  • Đái máu vi thể: trường hợp đái máu vi thể là khi mắt thường không nhận thấy sự thay đổi màu sắc trong nước tiểu, nhưng khi soi nước tiểu dưới kính hiển vi có thấy các tế bào máu hoặc được phát hiện bởi xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu với số lượng hồng cầu > 10.000 hồng cầu/ml

Nhận biết đái máu thật sự

Nước tiểu sẫm màu hoặc đỏ không phải lúc nào cũng có nghĩa là có máu trong nước tiểu. Trong một số trường hợp tình trạng màu sắc nước tiểu thay đổi, xuất hiện một cách thoáng qua nhưng không phải đái máu thật sự như:

  • Thường xuyên sử dụng thức ăn có chứa phẩm màu hoặc màu tự nhiên làm cho nước tiểu có màu đỏ như ăn củ dền, dâu, thanh long đỏ.
  • Sử dụng những thuốc gây nước tiểu có màu đỏ như: rifampicin, metronidazol…
  • Trong chu kỳ kinh nguyệt: phụ nữ khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt khi đi tiểu có thể lẫn máu, nước tiểu có màu hồng hoặc màu đỏ sẫm.

Khi đã loại trừ các lý do trên, có thể đó là tình trạng đi tiểu ra máu thật sự, trong trường hợp đó cần đến thăm khám tại cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây ra tình trạng đái máu thật sự này là do đâu.

Thanh long có thể gây nước tiểu màu đỏ
Thanh long có thể gây nước tiểu màu đỏ - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân đi tiểu ra máu

Đi tiểu ra máu có thể do nguyên nhân tổn thương ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiết niệu như thận, niệu quản hay bàng quang làm rò rỉ các tế bào máu vào nước tiểu. 

  • Nguyên nhân tại thận:
    • Nhiễm trùng thận, viêm cầu thận, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu, viêm ống thận, viêm kẽ thận
    • Sỏi thận
    • Lao thận
    • Ung thư thận
    • Lao thận
    • Nang thận
    • Chấn thương thận
  • Nguyên nhân tại đường tiết niệu:
    • Nhiễm trùng niệu quản
    • Sỏi niệu quản
    • Chấn thương niệu quản, giập niệu đạo do chấn thương…
    • Phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt
  • Nguyên nhân tại bàng quang:
    • Nhiễm trùng bàng quang
    • Sỏi bàng quang
    • Khối u bàng quang
    • Polyp bàng quang
  • Các nguyên nhân toàn thân bao gồm: 
    • Các bệnh máu ác tính: bạch cầu cấp và mạn, bệnh máu chảy lâu, bệnh máu khó đông cũng có thể gây đái ra máu. Nhưng ngoài đái ra máu còn có những triệu chứng chảy máu ở nơi khác như dưới da, chân răng… làm công thức máu, huyết đồ, tuỷ đồ, thời gian máu chảy, máu đông sẽ chẩn đoán được.
    • Dùng thuốc chống đông: Heparin, … nếu dùng quá liều sẽ gây chảy máu (đái ra máu, ỉa ra máu, chảy máu cam…).
    • Các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, … cũng có thể gây ra tình trạng đái máu vi thể.
Hệ thận tiết niệu
Hệ thận tiết niệu - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn

Triệu chứng của đi tiểu ra máu

Tùy theo nguyên nhân gây đái máu sẽ có triệu chứng lâm sàng tương ứng, một vài triệu chứng có thể gặp như:

  • Đái máu đại thể, nước tiểu đậm màu, màu đỏ, màu trà hay màu hồng nhạt, hoặc đái máu vi thể 
  • Có thể kèm theo tiểu buốt, rắt, khó, ngắt quãng, bí tiểu
  • có sốt có hoặc không rét run
  • Có thể cơn đau quặn thận, đau hố thắt lưng 1 hoặc 2 bên
  • Đau tức, nóng rát vùng bàng quang
  • Các triệu chứng toàn thân khác cũng có thể gặp tuỳ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến đi tiểu ra máu

Đi tiểu ra máu đại thể dễ dàng nhận thấy thông qua sự thay đổi màu sắc nước tiểu, còn đái máu vi thể nhiều trường hợp không thấy triệu chứng rõ ràng và chỉ phát hiện ra khi có xét nghiệm nước tiểu.

Chẩn đoán đi tiểu ra máu

Chẩn đoán đi tiểu ra máu bao gồm chẩn đoán xác định đái máu, chẩn đoán nguyên nhân gây ra đái máu. Quá trình này bao gồm việc khai thác tiền sử, quá trình diễn biến đái máu và các triệu chứng kèm theo, cùng với kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm nước tiểu để khẳng định đái máu: có hồng cầu niệu ở các mức độ
  • Để tìm nguyên nhân đái máu cần làm thêm một số thăm dò, tùy thuộc lâm sàng:
    • Tế bào niệu: tìm tế bào ác tính  
    • Cấy Vi khuẩn 
    • Siêu âm hệ thận – tiết niệu 
    • Chụp bụng không chuẩn bị 
    • Protein niệu 24h 
    • Soi bàng quang, có thể tiến hành trong giai đoạn đang đái máu
    • Chụp bể thận ngược dòng
    • Chụp cắt lớp vi tính
    • Chụp mạch
    • Định lượng các Ig
    • Sinh thiết thận: hiển vi quang học và miễn dịch huỳnh quang

Điều trị đi tiểu ra máu

Việc điều trị máu trong nước tiểu phụ thuộc vào nguyên nhân. Điều trị có thể bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. 

  • Nội khoa: thuốc cầm máu, kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đái máu cần phối hợp thêm thuốc khác 
  • Ngoại khoa: trong một số trường hợp nếu có tắc nghẽn nhiều đường tiết niệu do máu cục tạo thành, cần can thiệp ngoại khoa tạm thời dẫn lưu, lấy máu cục tại bàng quang, trước khi giải quyết nguyên nhân.Trường hợp các nguyên nhân do soi hoặc khối u cũng cần can thiệp phẫu thuật để giải quyết tắc nghẽn.

Trong một số trường hợp, không cần điều trị mà tình trạng đái máu có thể tự hết sau vài ngày đến vài tuần.

Mặc dù máu trong nước tiểu không phải lúc nào cũng có nghĩa là tình trạng nguy hại nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo quan trọng của nhiều bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đừng bao giờ bỏ qua tình trạng đi tiểu ra máu. 

Liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện thấy máu trong nước tiểu, phát hiện sớm sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị đem lại hiệu quả và hạn chế biến chứng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết