- Xuất bản: 12/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Phương pháp điều trị đi tiểu ra máu - Ảnh: BookingCare
Đái máu là tình trạng có nhiều hồng cầu hơn bình thường trong nước tiểu. Tuỳ từng nguyên nhân và mức độ đái máu mà có những xử trí và phương pháp điều trị phù hợp.
Đi tiểu ra máu hay đái máu là biểu hiện hay gặp trong số những người đến thăm khám tại khoa thận tiết niệu. Đôi khi đái máu là tình trạng thoáng qua, khi đái máu trở nên thường xuyên và số lượng nhiều cần được xử trí và điều trị kịp thời. Tìm hiểu các phương pháp xử trí và điều trị đi tiểu ra máu trong bài viết dưới đây.
Khi nào đi tiểu ra máu cần điều trị?
Có những trường hợp nước tiểu có màu đỏ nhưng không cần điều trị như khi thường xuyên ăn các thực phẩm màu đỏ như dâu tây, thanh long đỏ, củ dền hoặc sử dụng một vài loại thuốc, nước tiểu sẽ hết đỏ khi dừng các thực phẩm.
Khi có biểu hiện triệu chứng của đái máu thật sự, tình trạng đái máu diễn ra thường xuyên và bạn không chắc chắn về căn nguyên gây ra tình trạng đái máu, cần đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ, tìm ra nguyên nhân gây đái máu và lựa chọn phương pháp điều trị.
Xử trí đái máu hiệu quả
Xử trí đái máu bao gồm xử trí tức thời các triệu chứng và biến chứng do đái máu gây ra, sau đó mới đến định hướng xác định nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân gây đi tiểu ra máu. Cụ thể bao gồm:
Đánh giá tình trạng mất máu trên thực tế, nếu không có các dấu hiệu thiếu máu trên lâm sàng, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước
Có thể dùng thuốc cầm máu tạm thời Transamin nhưng điều này nên được thực hiện khi có sự đồng của bác sĩ.
Nếu có tình trạng đái máu đại thể nhiều gây thiếu máu, xử trí bao gồm truyền dịch, truyền máu để bù lại khối lượng máu mất, thuốc cầm máu, đặt sonde tiểu nếu có bí đái, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối và tránh vận động.
Khi đã xử trí được tình trạng đái máu, việc quan trọng đó là xác định nguyên nhân và điều trị nguyên nhân để chấm dứt tình trạng đái máu.
Phương pháp điều trị đi tiểu ra máu theo nguyên nhân
Việc điều trị máu trong nước tiểu phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây đi tiểu ra máu.Tham khảo một số phương pháp điều trị căn nguyên hay gặp dưới đây:
Đái máu do nguyên nhân viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm thận bể thận, viêm bàng quang: điều trị qua trọng là dùng kháng sinh, lý tưởng nhất là dùng kháng sinh dựa vào kháng sinh đồ, tuy nhiên thời gian chờ đợi lâu cho nên ban đầu các bác sĩ dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, dòng kháng sinh nhạy cảm với hệ thận tiết niệu như penicillin, aminoglycoside, quinolon … Bên cạnh đó có thể sử dụng các thuốc giảm đau hạ sốt hoặc chống viêm tuỳ thuộc vào triệu chứng người bệnh có.
Căn nguyên do sỏi: điều trị chủ yếu bằng phương pháp ngoại khoa để giải quyết tắc nghẽn. Tùy vào vị trí sỏi mà có các phương pháp điều trị khác nhau:
Sỏi thận, sỏi niệu quản: điều trị nội khoa và uống nhiều nước khi sỏi nhỏ, kích thước dưới 7mm, chức năng thận, lưu thông đường tiết niệu còn tốt. Điều trị nội khoa thất bại hoặc kích thước sỏi lớn, cần điều trị ngoại khoa. Điều trị ngoại khoa ít xâm lấn có tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi qua nội soi niệu quản, phẫu thuật sau phúc mạc lấy sỏi. Phương pháp phẫu thuật đặt ra khi thất bại với các phương pháp ít xâm lấn, bao gồm: mở bể thận, mở niệu quản lấy sỏi, dẫn lưu thận khi ứ mủ, cắt thận khi thận không còn chức năng.
Sỏi bàng quang: điều trị nội khoa trong trường hợp sỏi nhỏ, mới từ niệu quản rơi xuống. Điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ… Ngoại khoa sử dụng phương pháp lấy sỏi qua nội soi khi sỏi nhỏ <3cm, không đái ra sỏi được.Chỉ định phẫu thuật khi sỏi to >3cm, sỏi bàng quang kèm các bệnh gây hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt…
Nguyên nhân đái máu do khối u ác tính: tùy thuộc vào từng loại ung thư cụ thể mà có các điều trị riêng, nguyên tắc điều trị là lấy được hết khối u, kết hợp với hoá chất và xạ trị tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh.
Nguyên nhân do u phì đại tuyến tiền liệt: đây là nguyên nhân hay gặp ở nam giới lớn tuổi. Tuyến tiền liệt phì đại gây tiểu máu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn alpha hoặc chất ức chế 5-alpha reductase. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể là một lựa chọn để giải phóng tắc nghẽn đường tiểu dưới.
Đái máu do các bệnh lý toàn thân, cần theo dõi và kiểm soát tốt các bệnh lý nên như tăng huyết áp, đái tháo đường, kết hợp các thuốc điều trị triệu chứng nếu có.
Nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý rối loạn đông máu, bệnh hệ thống: duy trì thuốc theo phác đồ điều trị của từng bận, tái khám và nói chuyện với bác sĩ để được chỉnh liều và theo dõi bệnh tốt nhất.
Những điều nên làm giúp hạn chế đái máu nặng hơn
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, stress và mất ngủ.
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị.
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Đảm bảo dinh dưỡng, ăn đủ chất, bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể.
Điều trị và xử trí đi tiểu ra máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, những điều trị khác chỉ là bổ trợ, vì vậy ngay khi có các triệu chứng đái máu người bệnh cần đến sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả.