Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận quan trọng bạn cần biết

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận
Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận quan trọng bạn cần biết - Ảnh: BookingCare
Để đánh giá chính xác chức năng thận, người thăm khám thường được chỉ định thực hiện kết hợp nhiều xét nghiệm sinh hóa máu và nước tiểu.

Chức năng thận được đánh giá qua các xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Người bệnh thường được chỉ định thực hiện kết hợp nhiều xét nghiệm để đánh giá chính xác nhất hoạt động của thận.

Trong nội dung bài viết hôm nay, BookingCare sẽ chủ yếu đề cập tới các xét nghiệm máu và nước tiểu. 

Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận

Có rất nhiều loại xét nghiệm để đánh giá chức năng thận, bác sĩ sẽ chỉ định tùy theo các trường hợp và tình trạng cụ thể của người thăm khám.

Xét nghiệm sinh hóa máu 

1. Xét nghiệm ure máu

Ure là sản phẩm thoái hóa protein của cơ thể, là các protein ngoại sinh được chuyển hóa thành acid amin nhờ các protease của đường tiêu hóa sau đó được chuyển hóa tiếp và cuối cùng thành CO2 và NH3. Ure luôn tồn tại trong máu, được lọc qua cầu thận và đào thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu.

Xét nghiệm ure máu được dùng để đánh giá chức năng thận và theo dõi các bệnh về thận. Giá trị ure máu bình thường dao động trong khoảng 2.5 – 7.5 mmol/L.

Ure máu tăng do chế độ ăn chứa quá nhiều protein hoặc mắc các bệnh về thận như viêm cầu thận, viêm ống thận, sỏi thận, suy thận, sỏi niệu quản,...

Ure máu giảm trên phụ nữ có thai hoặc chế độ ăn ít protein, suy giảm chức năng gan, truyền nhiều dịch…

2. Xét nghiệm creatinin máu

Creatinin là sản phẩm thoái hóa creatin trong các cơ, được đào thải qua thận và thận duy trì creatinin trong máu ở một nồng độ hằng định nên nồng độ của creatin máu phản ánh chính xác chức năng lọc của thận.

Giá trị creatinin bình thường đối với nam giới là 0.6 -1.2 mg/dl hoặc 53-106 mmol/L và nữ giới là 0.5 – 1.1 mg/dl hoặc 44-97 mmol/L.

Khi nồng độ creatinin máu tăng cao đồng nghĩa với việc có rối loạn chức năng thận. Đặc biệt với bệnh nhân suy thận, cấp độ suy thận càng nặng, chỉ số creatinin càng cao.

Creatinin tăng cao trong trường hợp suy thận cấp và mạn tính, suy tim mất bù, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận, lupus ban đỏ hệ thống, sỏi thận, u bàng quang…

Chỉ số creatinin trong suy thận tăng lên theo từng cấp độ suy thận.

  • Dưới 130 mmol/L – suy thận độ I
  • Từ 130 – 299 mmol/L - suy thận độ II
  • Từ 300 – 499 mmol/L – suy thận độ IIIa
  • Từ 500 – 899 mmol/L – suy thận độ III b
  • Trên 900 mmol/L – suy thận độ IV

3. Xét nghiệm acid uric máu

Bình thường nồng độ acid uric trong máu của nam giới là 180 – 420 mmol/L, nữ giới là 150 – 360 mmol/L.

Acid uric máu tăng ở những người mắc bệnh thận, gout, vẩy nến, leucemie cấp, u lympho,...

4. Xét nghiệm điện giải đồ

Rối loạn chức năng thận gây mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm bao gồm các chỉ số như sau:

  • Natri: giá trị natri máu ở người bình thường dao động trong khoảng 135 – 145 mmol/L. Với người suy thận, nồng độ natri máu giảm do mất qua thận, qua da hay do máu bị pha loãng. 
  • Kali: giá trị kali máu ở người bình thường là 3.5- 5.1 mmol/L. Thận chịu trách nhiệm chính trong việc bài tiết kali ra khỏi cơ thể và thay đổi mức độ bài tiết kali theo nồng độ hiện tại trong máu. Kali máu tăng có thể là dấu hiệu của bệnh suy thận.
  • Calci toàn phần: giá trị calci máu ở người bình thường là 2.2-2.6 mmol/L.  Suy thận gây giảm calci máu.

5. Xét nghiệm albumin máu

Giá trị albumin trong máu bình thường ở mức 35 – 50g/L, chiếm 50 – 60 % lượng protein toàn phần trong máu.

Albumin máu giảm khi chức năng sản xuất albumin của gan bị ức chế, do albumin bị phân hủy nhiều hoặc bị đào thải nhiều qua nước tiểu (bệnh lý cầu thận cấp như viêm cầu thận cấp…).

Xét nghiệm hóa sinh nước tiểu

1. Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu

Xét nghiệm này là xét nghiệm test nhanh bằng que nhúng, que nhúng là một dải bao gồm nhiều vạch giấy đã được xử lý hóa họcsẽ phản ứng tương ứng với các thành phần có trong nước tiểu. Nếu màu sắc các vạch giấy trên que thay đổi khi tiếp xúc với nước tiểu, điều này cho thấy bất thường liên quan đến dư thừa protein, hồng cầu, bạch cầu, glucose…

Ngoài ra, thông qua xét nghiệm này, bác sĩ còn có thể phát hiện được một số rối loạn liên quan đến thận, đường tiết niệu, bao gồm bệnh thận mạn tính, đái tháo đường, nhiễm trùng bàng quang, sỏi thận…

2. Xét nghiệm protein niệu

Protein có thể được thực hiện như một phần của xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Khi mẫu tổng phân tích nước tiểu có sự xuất hiện của protein, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm xét nghiệm định lượng protein niệu 24 giờ nếu cần thiết.

Protein trong nước tiểu ở người khỏe mạnh là 0.05 – 0.08g/l/24h (chế độ nghỉ ngơi) và <0.3g/l/24h đối với người trong chế độ luyện tập thể dục thể thao.

Ở người mắc bệnh thương tổn cầu thận, viêm cầu thận cấp, suy thận, các bệnh lý toàn thân có ảnh hưởng tới thận (đái tháo đường, lupus ban đỏ, tăng huyết áp),… thường bị tăng protein niệu.

Như vậy, trên đây là một số xét nghiệm chức năng thận thường được ứng dụng. Hy vọng những thông tin trên đây có thể hỗ trợ bạn đọc khi muốn tìm hiểu về chủ đề này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết