Xét nghiệm Creatinin: Là gì? Để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số?
Xét nghiệm Creatinin máu
Xét nghiệm Creatinin máu: Là gì? Để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số? - ẢNh

Xét nghiệm Creatinin: Là gì? Để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số?

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Xét nghiệm Creatinin máu là một trong những xét nghiệm chức năng thận được áp dụng phổ biến. Vậy xét nghiệm Creatinin là gì? để làm gì? có ý nghĩa như thế nào?

Creatinin là thành phần đạm trong máu ổn định nhất, không phụ thuộc vào chế độ ăn hoặc những thay đổi sinh lý khác mà chỉ phụ thuộc vào khả năng đào thải của thận nên hiện nay được sử dụng nhiều để theo dõi chức năng thận.

Xét nghiệm Creatinin là một xét nghiệm máu đơn giản và hiệu quả được sử dụng để đánh giá chức năng thận. Mức độ Creatinin trong máu tăng cao có thể là dấu hiệu của suy giảm chức năng thận.

Xét nghiệm Creatinin là gì?

Xét nghiệm này đo lượng creatinin trong máu hoặc nước tiểu của bạn. Creatinin là một sản phẩm chất thải được sản xuất trong cơ bắp từ sự phân hủy của một hợp chất gọi là creatin.

Hầu như tất cả Creatinin được bài tiết qua thận, do đó nồng độ trong máu là một biện pháp tốt nhất để biết thận của đang làm việc như thế nào.

Số lượng sản xuất phụ thuộc vào kích thước của người và khối lượng cơ của họ. Vì lý do này, nồng độ Creatinin ở nam sẽ hơi cao hơn ở phụ nữ và trẻ em.

Xét nghiệm Creatinin được sử dụng cùng với xét nghiệm Ure máu để đánh giá chức năng thận.

Xét nghiệm Creatinin để làm gì?

Bản chất của xét nghiệm Creatinin là để chẩn đoán và đánh giá chức năng thận. Mức độ creatinin trong máu tăng cao có thể là dấu hiệu của suy giảm chức năng thận.

Nhìn chung, xét nghiệm creatinin thường được áp dụng trong các trường hợp:

  • Chẩn đoán và đánh giá chức năng thận, bệnh nhân đang dùng các thuốc có thể gây độc cho thận.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến thận: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa thận dạng tinh bột, viêm cầu thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, lắng đọng IgA tại cầu thận. Viêm thận-bể thận cấp hay mạn, sỏi thận, đa u tủy xương, tăng acid Uric máu.

Quy trình xét nghiệm Creatinin

Xét nghiệm creatinin nên được thực hiện vào buổi sáng. Thời gian làm xét nghiệm mất 30 phút - 1 giờ tùy đơn vị thực hiện.

Trước khi làm bệnh nhân không cần nhịn đói.

Ý nghĩa chỉ số xét nghiệm Creatinin?

Trị số Creatinin có thể đo qua máu và nước tiểu. 

  • Trị số Creatinin bình thường trong máu: Nam: 62 - 115 umol/L; Nữ: 44 - 88 umol/L.
  • Trị số Creatinin bình thường trong nước tiểu: Nam: 177 - 230 Umol/kg/24h; Nữ: 124 - 195 Umol/kg/24h

Creatinin máu tăng cao trong các trường hợp:

  • Suy thận do nguồn gốc trước thận: Suy tim mất bù, mất nước, xuất huyết, hẹp động mạch thận, dùng thuốc lợi tiểu hay thuốc hạ áp.
  • Suy thận do nguồn gốc tại thận
  • Tổn thương cầu thận: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa thận dạng tinh bột, viêm cầu thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, lắng đọng IgA tại cầu thận
  • Tổn thương ống thận: Viêm thận-bể thận cấp hay mạn, sỏi thận, đa u tủy xương, tăng acid Uric máu, nhiễm độc thận
  • Suy thận do nguồn gốc sau thận: Sỏi thận, ung thư tiền liệt tuyến, các khối u bàng quang, khối u tử cung, xơ hóa sau phúc mạc

Creatinin máu giảm trong các trường hợp:

  • Hòa loãng máu
  • Hội chứng tiết hormon ADH không thích hợp
  • Có thai
  • Tình trạng suy dinh dưỡng nặng
  • Một số bệnh cơ gây teo mô cơ

Creatinin nước tiểu tăng cao trong các trường hợp:

  • Gắng sức thể lực
  • To đầu chi, chứng khổng lồ (Gigantism)
  • Đái tháo đường
  • Nhiễm trùng
  • Suy giáp

Creatinin nước tiểu giảm trong các trường hợp:

  • Cường giáp
  • Thiếu máu
  • Loạn dưỡng cơ, giảm khối cơ
  • Bệnh thận giai đoạn nặng
  • Bệnh lơxemi
  • Chế độ dinh dưỡng ăn chay

Như vậy, trên đây là những thông tin cần biết về xét nghiệm Creatinin để bạn đọc tham khảo khi có nhu cầu thực hiện.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết