Phân biệt các loại mụn trứng cá thường gặp
Phân biệt các loại mụn trứng cá thường gặp
các loại mụn trứng cá thường gặp
Phân biệt các loại mụn trứng cá thường gặp - Ảnh: BookingCare

Phân biệt các loại mụn trứng cá thường gặp

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 11/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Cùng tìm hiểu về các loại mụn trứng cá thường gặp ngay trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Việc nhận biết chính xác, phân biệt các loại mụn trứng cá sẽ giúp người bệnh có phương pháp điều trị hiệu quả và tránh được những biến chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Phân biệt các loại mụn trứng cá thường gặp

Mụn trứng cá xuất hiện ở những vị trí có nhiều tuyến bã như mặt, cổ, ngực, lưng, vai, cánh tay và mông. Thương tổn mụn trứng cá có thể là:

  • Mụn không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen) hoặc mụn viêm (sẩn, mụn mủ, nang, nốt).
  • Mụn đầu đen hình thành khi chất bã nhờn và tế bào chết làm tắc lỗ chân lông, bề mặt da hở làm nhân mụn bị oxy hóa tạo màu đen, nên gọi là mụn đầu đen hay “nhân mở”.
  • Mụn đầu trắng hình thành khi có quá nhiều chất dầu và tế bào chết gây bít tắc lỗ chân lông và không hở ra da, nên còn gọi là “nhân đóng”.
  • Mụn viêm: Vi khuẩn Propionibacteria acnes thường trú trên da, khi gặp điều kiện thuận lợi có nhiều chất bã nhờn sẽ tăng lên rõ rệt. Khi nang lông nhất là cổ nang lông tuyến bã bị sừng hóa làm cho ống bài xuất dầu bị tắc. Nếu xảy ra bội nhiễm, có sự tham gia của bạch cầu đa nhân trung tính quá trình viêm xảy ra sẽ gây mụn mủ, sẩn mủ. Khi các tổn thương này lan rộng xuống sẽ hình thành nên các nang, nốt. Đây là những thể mụn nặng nhất và khi lành hay để lại sẹo xấu.

Các thể lâm sàng của mụn trứng cá

Trứng cá thông thường (Acne Vulgaris)

Là thể thường gặp nhất, xuất hiện ở tuổi dậy thì và những người có hiện tượng tăng tiết bã nhờn như da mỡ, nhờn, trơn bóng, tóc nhờn, lỗ chân lông giãn rộng. Trên nền da nhờn xuất hiện các tổn thương nhân trứng cá (mụn đầu đen, đầu trắng), mụn mủ, sẩn mủ,...

Trứng cá đỏ (Acne Rosacea)

Trứng cá đỏ thường gặp ở người da trắng từ 30 đến 60 tuổi. Đa số gặp ở nữ giới, nhất là người có cơ địa da dầu. Tổn thương trứng cá đỏ thường ở vùng giữa mặt mũi trán , má, cằm , tiến triển qua nhiều giai đoạn.

Trên nền da đỏ xuất hiện từng đợt sẩn mủ, kèm theo giãn mạch. thường có những cơn nóng bừng mặt , tăng lên khi stress , ăn đồ cay nóng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời . Sau nhiều đợt tiến triển, nhất là ở nam giới thường có phản ứng phì đại, xơ hóa ở vùng mũi tạo thành mũi sư tử.

Trứng cá mạch lươn (Acne congobata)

Bệnh gặp chủ yếu ở đàn ông, bắt đầu sau tuổi dậy thì và tiếp tục kéo dài hơn trong những năm về sau. Thương tổn thường ở ngực, mặt, lưng, vai và cổ. Ngoài ra còn thấy ở mông và tầng sinh môn.

Tổn thương bắt đầu bằng mụn ở nang lông, tiến triển to dần và loét rất đặc biệt. Các ổ mủ nông và sâu, có khi rất to, cục viêm thành cụm 2 – 3 cái, đi vằn vèo thành hang hốc với nhiều lỗ dò, nhiều cầu da, nhiều đảo xơ. Bệnh tiến triển lâu dài, dai dẳng khó chữa

Trứng cá sẹo lồi (Acne keloidalis)

Loại trứng cá này chủ yếu gặp ở đàn ông, khu trú ở gáy và vùng rìa tóc. Đầu tiên xuất hiện các thương tổn viêm nang ở gáy, sắp xếp thành đường thẳng hoặc vằn vèo.

Dần dần thương tổn tiến triển thành nhiều củ xơ hoặc dải xơ phì đại, gờ lên mặt da trông giống như sẹo lồi, trên bề mặt có một vài mụn riêng rẽ. Tiến triển lâu dài cuối cùng tự xẹp thành sẹo phẳng và trụi tóc vĩnh viễn.

Trứng cá kê hoại tử (Acne miliaris necrotica)

Bệnh thường gặp ở nam giới, thương tổn khu trú một cách đối xứng ở trán, ở thái dương, rìa tóc. Hoại tử là đặc điểm của loại trứng cá này và nguyên nhân có thể do sự mẫn cảm của người bệnh đối với vi khuẩn.

Đầu tiên là sẩn nang lông màu hồng, thường có ngứa và nhanh chóng biến thành mụn mủ màu ngả nâu, bám rất chắc, xung quanh có một bờ viêm tấy màu hồng, dưới vẩy là một ổ loét nhỏ, sau để lại sẹo lõm tồn tại vĩnh viễn.

Trứng cá do thuốc (Acne Itrogenic)

Nhiều loại thuốc có thể gây nên thương tổn dạng trứng cá, khó có thể phân biệt với trứng cá thực sự. Tìm được nguyên nhân mụn trứng cá do thuốc rất khó, tuy nhiên có thể dựa vào đặc điểm lâm sàng, điều kiện xuất hiện và tiến triển của bệnh để nghĩ đến trứng cá do thuốc.

Các loại thuốc và hoá chất có thể gây trứng cá như: Các hormon Androgen, ACTH, Testosterone, Progesterone… các Halogen như muối Iode, Brome, các thuốc chống lao, thuốc chống động kinh, thuốc hướng thần, thuốc chống phân bào, Corticosteroid…

Mụn trứng cá kéo dài khiến người mắc thường cảm thấy tự ti
Mụn trứng cá kéo dài khiến người mắc thường cảm thấy tự ti - Ảnh: Canva

Trứng cá nghề nghiệp (Occupational Acne)

Bệnh thường gặp ở những công nhân, thợ sửa chữa máy do tiếp xúc với dầu thô, sáp và các loại carbure hydro no hoặc không no. Tổn thương thường tương ứng với vị trí tiếp xúc của da và thấy ở cánh tay, đùi, thân mình, đặc biệt ở những công nhân quần áo bị ngấm dầu mỡ, vì vậy gọi là trứng cá hạt dầu.

Các thể lâm sàng khác

Ngoài những thể lâm sàng ở trên, còn có một số dạng mụn trứng cá khác thường gặp như:

  • Trứng cá do mỹ phẩm (Acne cosmetica): Bệnh thường gặp ở phụ nữ sử dụng nhiều mỹ phẩm.
  • Trứng cá trầy xước (Excoriated Acne): Loại này thường gặp ở bệnh nhân hay nặn bóp, cào xước thương tổn kết quả để lại là các vết thâm, sẹo teo da.
  • Trứng cá do yếu tố cơ học (Acne Mechanica): Do chà xát, nặn bóp làm cho bệnh nặng hơn.
  • Trứng cá vùng nhiệt đới (Tropical Acne): Bệnh xuất hiện ở những vùng nhiệt đới vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm.
  • Trứng cá mùa hè (Acne Aestivalis)
  • Trứng cá do chất tẩy rửa (Acne Detergicans)
  • Trứng cá trước chu kỳ kinh nguyệt: Tổn thương là những sẩn mủ, thường từ 5 đến 10 thương tổn, xuất hiện trước khi có kinh 1 tuần. 

Mụn trứng cá là một bệnh da rất phổ biến. Hầu hết những ai đã qua tuổi dậy thì đều gặp phải bệnh da này. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc đã có thêm thông tin, kiến thức hữu ích, thiết thức về các loại mụn trứng cá.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare