Phân biệt COVID 19 và cảm cúm như thế nào?
Xét nghiệm test nhanh giúp phân biệt COVID 19 và bệnh cảm cúm
Xét nghiệm test nhanh giúp phân biệt COVID 19 và bệnh cảm cúm - Ảnh: BookingCare

Phân biệt COVID 19 và cảm cúm như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 30/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/03/2024
COVID 19 và cảm cúm là hai bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, hai bệnh có nhiều triệu chứng giống nhau vì thế rất dễ gây nhầm lẫn. Vậy dựa vào đâu để phân biệt hai bệnh COVID 19 và cảm cúm?

Thời tiết giao mùa, khí hậu lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. COVID-19 và cảm cúm đều là bệnh hay gặp và lây lan nhanh trong cộng đồng. Trong bài viết này BookingCare giúp bạn đọc phân biệt COVID-19 và cảm cúm.

Vì sao cần phân biệt hai bệnh COVID-19 và cảm cúm?

Trước đây, khi có các triệu chứng đau họng, ho, sốt, đau nhức mỏi người, thì đó nhiều khả năng là do bệnh cảm cúm. Hiện nay, cần phải xem xét liệu có phải do COVID-19 hay không. 

COVID-19 thường gây nhiều triệu chứng khó chịu và nguy hiểm hơn nhiều so với cảm cúm. Diễn biến của COVID-19 thay đổi nhanh, các biến thể cũng đa dạng hơn, ngay cả khi tiêm phòng vắc xin, cũng có thể gây bệnh và trở nặng. Trong khi đó cảm cúm thông thường có thể tự khỏi sau 4-5 ngày. Trừ một số cơ địa đặc biệt như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có nhiều bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch.

Trước khi COVID-19 được xác định vào cuối năm 2019 và bùng phát trong năm 2020, cả virus SARS-CoV2 và căn bệnh do nó gây ra đều chưa được biết đến. Nó hoàn toàn mới với hệ thống miễn dịch.

So với những người bị cúm, những người bị nhiễm COVID-19 có thể mất nhiều thời gian hơn để biểu hiện các triệu chứng và có thể lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

Do đó thái độ điều trị cũng như theo dõi cảnh giác hai bệnh khác nhau, vì vậy khi có các triệu chứng người bệnh cần xác định mình mắc COVID-19 hay chỉ là cảm cúm thông thường. 

Triệu chứng giống nhau của COVID-19 và cảm cúm

Khó có thể phân biệt cúm và COVID-19 chỉ bằng các triệu chứng vì chúng có một số dấu hiệu và triệu chứng giống nhau như:

  • Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh
  • Ho 
  • Mệt mỏi
  • Đau rát họng 
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi 
  • Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể 
  • Đau đầu 
  • Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù điều này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn

Phân biệt COVID-19 và cảm cúm như thế nào

Dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng và diễn biến

COVID-19 gây ra bởi 1 chủng của virus corona là SARS CoV 2, bên cạnh các triệu chứng giống với cúm, triệu chứng của người mắc COVID-19 có xu hướng nặng hơn, với các triệu chứng chủ yếu là sốt, ho khan, mất khứu giác hoặc mất vị giác. Còn cảm cúm thường do virus cúm như cúm A, cúm B… gây nên, với đặc trưng là các triệu chứng ho hắt hơi, chảy nước mũi nhiều, đau nhức hốc mắt và đau mỏi người.

Thời kỳ ủ bệnh của COVID-19 thường dài hơn cúm. Người bệnh cúm sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thường khởi phát từ 1-4 ngày sau khi nhiễm virus cúm. Trong khi các triệu chứng của COVID-19 có thể xuất hiện muộn hơn từ 2-14 ngày sau khi bị nhiễm SARS-CoV2.

Khả năng chuyển nặng của COVID-19 cũng cao hơn so với cúm, đặc biệt với các đối tượng người già, người suy giảm miễn dịch, người có nhiều bệnh lý nền.

Các dấu hiệu và triệu chứng chỉ là gợi ý, định hướng. Muốn chắc chắn biết bệnh do cúm hay COVID-19 cần phải thực hiện xét nghiệm.

Phân biệt cúm và COVID-19 dựa trên xét nghiệm

Khó để có thể phân biệt được sự khác biệt giữa bệnh cúm và COVID-19 chỉ bằng các triệu chứng vì chúng có một số dấu hiệu và triệu chứng giống nhau. Cần phải xét nghiệm cụ thể để xác định chẩn đoán.

Hiện nay một số xét nghiệm có thể làm giúp phân biệt, đơn giản nhất là xét nghiệm test nhanh.

  • Test nhanh: được thực hiện bằng cách lấy bệnh phẩm là dịch tiết của người bệnh nghi ngờ, sau đó đưa vào ống nhựa có chứa chất tách chiết, khuấy đều que lấy mẫu, sau đó rút que và đổ dung dịch lên giếng của mẫu test. Thực hiện đọc kết quả. Hiện nay có bộ kit test cho phép người bệnh phát hiện COVID-19 và cúm trong cùng 1 bộ, rất tiện lợi và hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà.
  • Realtime PCR: ngoài cho biết xác định chẩn đoán, xét nghiệm còn thể hiện tải lượng virus của người bệnh, giúp theo dõi và tiên lượng bệnh.

Sự khác nhau về thời gian lây lan bệnh

Nếu một người mắc COVID-19, họ có thể lây nhiễm trong thời gian dài hơn so với khi họ bị cúm:

COVID-19

CÚM

  • Trung bình, mọi người có thể bắt đầu lây lan SARS_CoV2 2-3 ​​ngày trước khi các triệu chứng của họ bắt đầu, nhưng khả năng lây nhiễm đạt đỉnh điểm một ngày trước khi các triệu chứng của họ bắt đầu.
  • Mọi người cũng có thể lây lanSARS_CoV2 mà không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Thông thường, mọi người được coi là có khả năng lây nhiễm trong khoảng 7-10 ngày sau khi các triệu chứng của họ bắt đầu.
  • Những người bị nhiễm vi-rút cúm có khả năng lây nhiễm trong khoảng một ngày trước khi họ xuất hiện các triệu chứng.Trẻ lớn hơn và người lớn bị cúm dường như dễ lây nhất trong 3-4 ngày đầu tiên bị bệnh, nhưng một số người có thể vẫn lây nhiễm trong thời gian dài hơn một chút. Trẻ sơ sinh và những người có hệ miễn dịch yếu có thể lây nhiễm lâu hơn.

 

Tốc độ lây lan và bùng phát dịch bệnh của COVID-19 cũng cao hơn so với cảm cúm. Vì thế ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ người bệnh cần làm xét nghiệm để phân biệt.

COVID-19 và cảm cúm đều là các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, với tỉ lệ mắc hằng năm đứng đầu trong các nhóm bệnh truyền nhiễm. Ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm giúp phân biệt COVID-19 và cảm cúm, để có biện pháp điều trị và phòng tránh lây lan hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết