- Xuất bản: 19/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 01/11/2023
Phì đại tuyến tiền liệt: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới có tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Nhưng còn nhiều thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chúng ta vẫn chưa biết về bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin này. BookingCare hy vọng nó hữu ích cho bạn!
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là thuật ngữ dùng thay thế cho các tên gọi trước đây như: phì đại lành tính tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt, bướu lành tuyến tiền liệt...
Mặc dù là một bệnh lành tính, ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng là bệnh hay gặp nhất ở nam giới trung niên và tăng dần theo tuổi, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. phì đại tuyến tiền liệt tiến triển từ từ và thường gây ra triệu chứng sau 50 tuổi.
Giai đoạn đầu chủ yếu gây rối loạn tiểu tiện, giai đoạn sau có thể gây nhiều biến chứng do làm tắc đường dẫn niệu như: bí đái cấp tính, viêm đường tiết niệu, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, suy thận…
Nguyên nhân gây ra phì đại tuyến tiền liệt
Nguyên nhân sinh bệnh của phì đại tuyến tiền liệt còn nhiều điều chưa được thật sáng tỏ, tuy nhiên vì bệnh xuất hiện và phát triển ở người cao tuổi nên có khả năng là do sự thay đổi môi trường nội tiết ở người già.
Hiện nay, có một số khuynh hướng nghiên cứu về nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của bệnh là:
Vai trò của nội tiết
Mối quan hệ giữa tổ chức đệm với lớp biểu mô và các yếu tố tăng trưởng
Sự cân bằng giữa sự tăng sinh và tiêu hủy tế bào (Apoptose)...
Nhưng được đề cập đến nhiều là vai trò của các yếu tố nội tiết. Ngoài ra, nếu tinh hoàn bị cắt bỏ sau khi một người đàn ông bị phì đại tuyến tiền liệt, tuyến tiền liệt sẽ bắt đầu co lại kích thước. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
Triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt
Xác định các triệu chứng cơ năng dựa trên những bảng câu hỏi của bảng điểm quốc tế triệu chứng tuyến tiền liệt (IPSS: The International prostate symptom score) và bảng điểm chất lượng cuộc sống.
Cần khám và hỏi kỹ triệu chứng của 3 nhóm:
Nhóm triệu chứng liên quan đến tống xuất nước tiểu (tiểu chậm, tiểu không thành dòng, tiểu ngắt quãng, tiểu ngập ngừng, tiểu phải rặn, tiểu nhỏ giọt)
Nhóm triệu chứng liên quan đến chứa đựng (tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp, tiểu không kiểm soát)
Nhóm triệu chứng sau đi tiểu (cảm giác tiểu không hết, tiểu xong còn nhỏ giọt)
Các triệu chứng đường tiết niệu dưới gợi ý tăng sản tuyến tiền liệt lành tính có thể bao gồm:
Tần suất đi tiểu nhiều hơn 8 lần trở lên mỗi ngày
Tiểu gấp, không có khả năng trì hoãn việc đi tiểu
Dòng nước tiểu yếu hoặc bị gián đoạn
Tiểu đêm, đi tiểu thường xuyên trong thời gian ngủ
Bàng quang phải làm việc quá sức do cố gắng đưa nước tiểu qua chỗ tắc nghẽn
Tùy từng người sẽ có biểu hiện triệu chứng ở các mức độ khác nhau. Đôi khi đàn ông có thể không biết mình bị tắc nghẽn cho đến khi không thể đi tiểu. Tình trạng này, được gọi là bí tiểu cấp tính, có thể xảy ra do dùng thuốc cảm lạnh hoặc dị ứng không kê đơn có chứa thuốc thông mũi, chẳng hạn như pseudoephedrine và oxymetazoline.
Một tác dụng phụ tiềm ẩn của những loại thuốc này có thể ngăn cản cổ bàng quang thư giãn và giải phóng nước tiểu. Các loại thuốc có chứa thuốc kháng histamine, chẳng hạn như diphenhydramine, có thể làm suy yếu sự co bóp của cơ bàng quang và gây bí tiểu, khó tiểu và đau khi đi tiểu. Khi nam giới bị tắc nghẽn một phần niệu đạo, bí tiểu cũng có thể xảy ra do uống rượu, nhiệt độ lạnh hoặc không hoạt động trong thời gian dài.
Chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt
Khám lâm sàng
Khám hệ tiết niệu: khám thận, khám cầu bàng quang (BQ) đặc biệt để xác định cầu BQ mạn, khám bộ phận sinh dục ngoài (bao quy đầu, niệu đạo).
Thăm trực tràng là bắt buộc để đánh giá các đặc điểm của tuyến tiền liệt (TTL): kích thước, bề mặt, mật độ, giới hạn của tuyến tiền liệt với các cơ quan xung quanh, v.v.
Các xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm phân tích nước tiểu: nhằm xác định sơ bộ tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu (NKĐTN) (nitrite, bạch cầu niệu); các chỉ số khác như hồng cầu niệu, đường niệu, v.v.
Xét nghiệm máu:
PSA < 4 ng/ml được cho là bình thường.
PSA: 4-10 ng/ml, nếu tỉ lệ PSA tự do/toàn phần < 20% có chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng.
PSA >10 ng/ml, chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng.
Đánh giá chức năng thận: định lượng creatinine, ure máu.
Xét nghiệm định lượng PSA: không thực hiện sàng lọc nhưng chỉ định cho BN nhập viện nghi do tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.
Chú ý:PSA có thể tăng theo thể tích tổ chức tuyến tiền liệt, hoặc trong các trường hợp viêm TTL, đặt thông tiểu, bí tiểu cấp, vừa thực hiện thăm trực tràng đánh giá đặc điểm của TTL,... Đối với những bệnh nhân có PSA tăng, cần thiết phải điều trị nội khoa sau đó kiểm tra lại, nếu PSA vẫn còn cao trong giới hạn cần chỉ định sinh thiết thì mới tiến hành.
Siêu âm:
Khảo sát tuyến tiền liệt qua đường trên xương mu hoặc qua đường trực tràng: khảo sát hình thái, tính chất và thể tích tuyến tiền liệt.
Khảo sát toàn bộ hệ tiết niệu: đánh giá tình trạng thành bàng quang (dày thành, túi thừa, u…), dị vật trong bàng quang (sỏi), dãn đường tiết niệu trên,…
Đo thể tích nước tiểu tồn dư: bình thường <30ml.
Đo tốc độ dòng tiểu (uroflowmetry): để đánh giá tốc độ dòng tiểu trung bình, tốc độ dòng tiểu tối đa (Qmax), thể tích nước tiểu đi được, thời gian đi tiểu… Chỉ có giá trị chẩn đoán tắc nghẽn khi thể tích nước tiểu mỗi lần đi tiểu ≥ 150ml. Đánh giá tình trạng tắc nghẽn đường tiểu dưới:
Tắc nghẽn trung bình: Qmax 10-15ml/s.
Tắc nghẽn nặng: Qmax <10ml/s
Các việc khuyến cáo nên làm trong một số trường hợp cần thiết
Nhật ký đi tiểu: thực hiện đối với người bị tiểu đêm và triệu chứng chứa đựng nổi trội. Bạn đánh vào phiếu theo dõi tình trạng đi tiểu để đánh giá tình trạng đi tiểu trong ngày (24 giờ): số lần đi tiểu, khoảng cách giữa mỗi lần đi tiểu, thể tích nước tiểu về đêm... Nhật ký đi tiểu nên được theo dõi tối thiểu là trong 3 ngày.
Cấy nước tiểu: trong trường hợp cần xác định nhiễm khuẩn đường tiết niệu và xác định danh tính vi khuẩn, sự nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh.
Chụp X quang hệ tiết niệu: trong trường hợp nghi ngờ có sỏi bàng quang hoặc sỏi hệ tiết niệu kèm theo.
Soi bàng quang - niệu đạo: trong trường hợp nghi ngờ có một số bệnh lý khác kèm theo ở bàng quang, niệu đạo,...
Đo áp lực bàng quang, niệu đạo: trong trường hợp nghi ngờ có một số bệnh lý ở bàng quang kèm theo như bàng quang tăng hoạt.
Triệu chứng đường tiểu dưới nhẹ và vừa, chưa có tình trạng tắc nghẽn nặng, bạn chưa có những than phiền về các triệu chứng trên. Các thông số trên xét nghiệm cận lâm sàng còn ở mức độ bình thường hoặc rối loạn mức độ nhẹ.
1.2. Một số khuyến cáo
Duy trì thói quen tập thể dục.
Không nhịn tiểu quá lâu.
Điều trị táo bón.
Hạn chế các chất kích thích (đồ uống có cồn, gia vị…).
Hạn chế uống nước từ buổi chiều
1.3. Các chỉ tiêu theo dõi: theo dõi định kỳ 3-6 tháng
Thăm khám để biết mức độ phàn nàn của bạn về các triệu chứng đường tiểu dưới.
Đánh giá chỉ số IPSS và QoL.
Siêu âm đo thể tích tuyến tiền liệt, khảo sát hình thái hệ tiết niệu, đo thể tích nước tiểu tồn lưu.
Xét nghiệm nước tiểu.
Đo tốc độ dòng tiểu (bằng máy)
Nếu các chỉ số trên có biến đổi theo hướng nặng dần thì cần chọn phương pháp điều trị thích hợp.
2. Điều trị Nội khoa
2.1 Đối với bác sĩ Đa khoa
Dựa trên các đánh giá để xác định chẩn đoán tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hoặc các rối loạn chức năng bàng quang cho bạn cùng mong muốn và nhu cầu điều trị của bạn để bắt đầu tiến hành điều trị.
Khuyến cáo:
Đo thể tích nước tiểu tồn lưu (PVR).
Các liệu pháp bảo tồn hoặc thay đổi hành vi và/hoặc điều trị nội khoa.
Đau bàng quang hoặc niệu đạo, sỏi bàng quang, bất thường trên hình ảnh, suy thận.
Tiền sử có bí tiểu cấp
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát / tiểu máu đại thể
Đã có phẫu thuật vùng chậu trước đó hoặc xạ trị và có kèm rối loạn hệ thần kinh,
Cầu bàng quang, tuyến tiền liệt phì đại lớn hoặc đau và nốt sần ở tuyến tiền liệt
Tiểu máu, sốt trên nền mủ niệu, tăng PSA sau điều trị bằng 5ARI/xét nghiệm tế bào trong nước tiểu dương tính, PVR ≥ 100ml
Các nhóm thuốc điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt bao gồm:
Nhóm chẹn thụ thể α, nhóm ức chế men 5α-reductase, nhóm ức chế men aromatase, các thuốc nguồn gốc thực vật; và một số thuốc mới đang được thử nghiệm hoặc mới đưa vào điều trị như dạng kết hợp liều cố định 2 thuốc chẹn thụ thể α và nhóm ức chế men 5α-reductase, thuốc kháng muscarinic, thuốc đồng vận β3, thuốc ức chế men phosphodiesterase.
Trong số đó, nhóm chẹn thụ thể α, nhóm ức chế men 5α-reductase, hoặc phác đồ kết hợp 2 nhóm, được áp dụng rộng rãi và đã có nhiều nghiên cứu đánh giá tính an toàn, hiệu quả của những thuốc này trong điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.
Trong trường hợp tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt kết hợp với tiểu đêm, bàng quang tăng hoạt sẽ chỉ định các thuốc điều trị kết hợp.
3. Điều trị Ngoại khoa
3.1. Chỉ định điều trị ngoại khoa
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn
Sỏi bàng quang
Tiểu máu tái diễn
Bí tiểu cấp tái diễn
Dãn niệu quản nguyên nhân từ tắc nghẽn do tuyến tiền liệt lành tính
Túi thừa bàng quang
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt / triệu chứng đường tiểu dưới có biến chứng suy thận
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả. Tùy vào thể trạng, kinh nghiệm thầy thuốc, trang thiết bị của cơ sở y tế cũng như vấn đề của bạn mà có thể áp dụng nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa khác nhau.
3.2. Các phương pháp điều trị ngoại khoa
Mổ mở bóc nhân tuyến tiền liệt
Cắt đốt nội soi
Bốc hơi tuyến tiền liệt
Xẻ tuyến tiền liệt (Tuip)
Các phương pháp điều trị với laser:
Bốc hơi tuyến tiền liệt bằng laser ánh sáng xanh
Cắt đốt bốc hơi tuyến tiền liệt bằng LASER Thulium
Bóc nhân tuyến tiền liệt bằng LASER Holmium hoặc Thulium
Bóc nhân hoặc bốc hơi tuyến tiền liệt bằng LASER Diode
Kéo rộng niệu đạo tuyến tiền liệt: Chỉ định trong trường hợp tuyến tiền liệt không quá lớn <80ml, không có thùy giữa, bạn có nguy cơ cao về phẫu thuật. Có thể thực hiện với tê tại chỗ, thủ thuật thích hợp với mọi lứa tuổi, không cần thông tiểu hậu phẫu. Không ảnh hưởng đến hoạt động tình dục thường gọi là stent niệu đạo.
3.3. Các phương pháp đang được nghiên cứu
Nội soi ổ bụng hoặc robot bóc nhân tuyến tiền liệt
Đặt dụng cụ nitinol tạm thời
Điều trị bằng hơi nước
Điều trị bằng tia nước
Nút động mạch tuyến tiền liệt
Phòng ngừa phì đại tuyến tiền liệt
Để hạn chế nguy cơ bị u xơ tuyến tiền liệt, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên chú ý tới thói quen sinh hoạt, ăn uống và làm việc khoa học:
Kiểm soát căng thẳng thần kinh bằng cách hạn chế lượng công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, đồng thời tham gia các bài tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, đi lại di chuyển thường xuyên tránh ngồi một chỗ quá lâu.
Uống nhiều nước mỗi ngày không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn giúp vệ sinh đường tiết niệu.
Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, đặc biệt bổ sung các loại thức ăn có chứa hàm lượng lớn beta-carotene (gấc, khoai lang, cà rốt, các loại rau xanh,..) , lycopene (cà chua. gấc, dưa hấu…), Omega-3 (cá hồi, cá mòi,...), vitamin A (cà chua, cà rốt, bí đỏ, đào, xoài…), B (các loại hạt, đậu,..), C (cải xanh, cam, quýt, lựu,...). Hạn chế các loại thức ăn cay nóng, chiên rán và mỡ động vật.
Hạn chế tối đa đồ uống có cồn và đồ uống chứa nhiều cafein (có thể kích thích buồn tiểu).
Bài viết cung cấp các thông tin về bệnh phì đại tuyến tiền liệt, hy vọng đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích để phòng ngừa và điều trị bệnh.