Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm màng não

Tác giả: - Xuất bản: 08/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Điều trị viêm màng não
Tùy thuộc vào căn nguyên gây viêm màng não sẽ có phương pháp điều trị phù hợp - Ảnh: BookingCare
Tùy thuộc vào căn nguyên gây viêm màng não sẽ có phương pháp điều trị khác nhau như: sử dụng kháng sinh (với vi khuẩn), thuốc kháng virus (với virus), thuốc kháng nấm hay thuốc lao điều trị tăng áp lực nội sọ, chống phù não, chọc dịch não tủy làm xét nghiệm,...

Viêm màng não là bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến nhanh, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm tại bệnh viện. Trong bài viết này, bạn đọc có thể tham khảo một số thông tin về các xét nghiệm chẩn đoán viêm màng não và phương pháp điều trị.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm màng não

Các xét nghiệm thông thường để chẩn đoán viêm màng não bao gồm:

  • Xét nghiệm dịch não tủy:
    • Chẩn đoán xác định bệnh viêm màng não đòi hỏi phải chọc dò tủy sống để lấy dịch não tủy làm xét nghiệm. Ở người bệnh viêm màng não mủ thường có lượng glucose giảm cùng với số lượng bạch cầu và protein tăng. Các căn nguyên do virus có thể dịch não tuỷ bình thường hoặc biến đổi nhẹ.
    • Xét nghiệm dịch não tủy cũng có thể giúp xác định vi khuẩn nào gây ra bệnh viêm màng não (các xét nghiệm bao gồm: nhuộm soi, nuôi cấy hay PCR để chẩn đoán)
  • Nuôi cấy máu tìm vi khuẩn: Mẫu máu được đặt trong một đĩa đặc biệt để xem liệu có phát triển vi khuẩn hay không. Mẫu cũng có thể được đặt trên một phiến kính và nhuộm màu. Sau đó sẽ được đặt dưới kính hiển vi để xem liệu có vi khuẩn hay không.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não.
  • Chụp X-quang hoặc chụp CT ngực hoặc xoang cho thấy tình trạng nhiễm trùng có thể liên quan đến viêm màng não.

Điều trị viêm màng não như thế nào?

Việc điều trị tùy thuộc vào loại viêm màng não mà người bệnh mắc phải: viêm màng não do vi khuẩn, viêm màng não do virus, viêm màng não do nấm,...

Điều trị viêm màng não do vi khuẩn

Viêm màng não cấp tính do vi khuẩn phải được điều trị ngay bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch và phối hợp corticosteroid để chống phù não trong những ngày đầu. Điều này giúp đảm bảo phục hồi và giảm nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như sưng não và co giật.

Việc sử dụng kháng sinh hoặc kết hợp kháng sinh tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng kháng sinh phổ rộng cho đến khi biết được nguyên nhân chính xác gây ra viêm màng não.

Điều trị viêm màng não do virus

Thuốc kháng virus có thể được sử dụng để điều trị một số căn nguyên có thuốc điều trị đặc hiệu (Virus Herpes, thuỷ đậu,…). Ngoài ra, các căn nguyên virus khác thường không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là dự phòng biến chứng và điều trị triệu chứng. Điều trị các trường hợp viêm màng não do virus nhẹ thường bao gồm:

  • Nghỉ ngơi 
  • Uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng
  • Sử dụng thuốc giúp hạ sốt và giảm đau nhức.
  • Bác sĩ có thể kê toa corticosteroid để chống phù nề ở màng não và thuốc để kiểm soát cơn động kinh. 

Điều trị các loại viêm màng não khác

  • Nếu không rõ nguyên nhân gây viêm màng não, trước khi xác định được, người bệnh có thể được điều trị ban đầu bằng thuốc kháng vi-rút và kháng sinh. 
  • Thuốc kháng nấm điều trị viêm màng não do nấm. Sự kết hợp của các loại kháng sinh cụ thể có thể điều trị viêm màng não lao. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng nên việc điều trị có thể trì hoãn lại cho đến khi có kết quả xét nghiệm xác nhận nguyên nhân là do nấm.
  • Viêm màng não không nhiễm trùng do phản ứng dị ứng hoặc bệnh tự miễn có thể được điều trị bằng corticosteroid. Trong một số trường hợp, có thể không cần điều trị vì tình trạng này có thể tự khỏi.
  • Viêm màng não liên quan đến ung thư cần điều trị cho bệnh ung thư cụ thể.

Khi có các dấu hiệu bất thường cần tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Bởi trên thực tế biểu hiện của viêm màng não dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường, người khi người bệnh tự mua thuốc điều trị triệu chứng: thuốc hạ sốt, giảm đau đầu,... tự sử dụng, khi đến bệnh viện có thể các biểu hiện bệnh lý đã nặng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết