- Xuất bản: 08/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Viêm màng não là bệnh lý thần kinh khá phổ biến - Ảnh: BookingCare
Bệnh viêm màng não dễ gây ra biến chứng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên tuyệt đối không được chủ quan, coi thường. Tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm màng não trong nội dung dưới đây.
Viêm màng não là căn bệnh thần kinh nguy hiểm nhưng lại khá phổ biến. Trong bài viết này cùng tìm hiểu những thông tin tổng quan về bệnh viêm màng não là gì, triệu chứng viêm màng não, nguyên nhân và cách điều trị,...
Viêm màng não là gì?
Viêm màng não là tình trạng viêm của màng nhện và màng mềm bao bọc xung quanh não và tủy sống, thường là do sự lây lan của nhiễm trùng. Tuỳ vào lứa tuổi mà có các căn nguyên gây viêm màng não khác nhau:
Ở trẻ em thường gặp viêm màng não là do nhiễm virus, bên cạnh đó vi khuẩn cũng là tác nhân gây viêm màng não nguy hiểm.
Ở người lớn viêm màng não do vi khuẩn thường gặp do liên cầu lợn, phế cầu, não mô cầu,… Ngoài ra vi khuẩn và nấm cũng có thể dẫn đến viêm màng não.
Tùy thuộc vào căn nguyên viêm màng não có thể tự giới hạn trong một vài tuần hoặc có thể tiến triển nặng đe dọa đến tính mạng.
Triệu chứng viêm màng não
Dấu hiệu viêm màng não ở người lớn
Các triệu chứng viêm màng não có thể cấp tính trong vòng vài giờ, vài ngày (căn nguyên virus, vi khuẩn) hoặc hàng tuần (do lao, do nấm,…).
Đôi khi, biểu hiện viêm màng não cũng không rõ ràng, điển hình, đặc biệt là viêm màng não ở người cao tuổi hoặc những người có bệnh lý nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh gan, bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính, suy giảm miễn dịch,…)
Một số triệu chứng viêm màng não điển hình:
Sốt cao
Đau đầu dữ dội
Buồn nôn, nôn vọt
Tăng nhạy cảm với ánh sáng
Đau cổ, cứng cổ gáy
Co giật
Buồn ngủ hoặc khó thức dậy
Rối loạn chức năng não (hôn mê, lú lẫn, lơ mơ)
Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Vì trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể chưa biết nói, chưa biết thể hiện và diễn tả cụ thể các triệu chứng nên cha mẹ cần hết sức chú ý để nhận biết được trẻ bị viêm màng não. Các triệu chứng viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
Sốt cao
Khóc liên tục
Ngủ li bì, mệt mỏi, da tái xanh
Không hoạt động hoặc trì trệ
Ăn kém
Thóp phồng
Gáy cứng
Động kinh, co giật
Nguyên nhân viêm màng não
Viêm màng não có hai nguyên nhân chính: nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.
Các bệnh lý không nhiễm khuẩn thường có bệnh cảnh và tên gọi riêng nên khi đề cập đến viêm màng não thường nói đến viêm màng não nhiễm trùng do vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng.
Tuổi, bệnh lý nền, yếu tố dịch tễ, môi trường sống là các yếu tố định hướng tới các căn nguyên gây viêm màng não.
Viêm màng não do nhiễm virus: Bệnh rất khó phát hiện, triệu chứng ban đầu có thể bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm virus khác như: cúm, COVID-19, sốt xuất huyết,… Bệnh có thể tự giới hạn và khỏi sau 7 - 10 ngày với những căn nguyên virus thông thường, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Viêm màng não vi khuẩn:
Một trong những dạng nguy hiểm của nhất của viêm màng não, dễ gây tử vong dù được phát hiện sớm. Trong vòng 24 giờ, vi khuẩn gây ra viêm màng não tiến triển nhanh làm tăng nguy cơ tử vong.
Một số loại vi khuẩn hay gặp như: viêm màng não do liên cầu lợn: hay gặp ở những người làm nghề giết mổ lợn, chế biến thịt lợn sống, ăn tiết canh,… Bệnh thường để lại di chứng điếc không hồi phục
Viêm màng não do HI (vi khuẩn Haemophilus influenzae type B): Bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua hắt hơi, ho và tuyến nước bọt
Viêm màng não do mô cầu: Xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông và mùa xuân, có thể lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với bộ phận, vật dụng nhiễm vi khuẩn của người bệnh.
Viêm màng não do phế cầu: Có nguy cơ cao ở người nghiện rượu, viêm xoang, đái tháo đường,...
Viêm màng não do nấm: Các nhóm nấm hay gặp là cryptococcus, candida,… Bệnh thường xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ghép tạng, điều trị hoá chất gây suy giảm miễn dịch…)
Viêm màng não do kí sinh trùng: thường gặp ở các nước nhiệt đới, người có thói quen ăn rau sống, thực phẩm được chế biến từ thịt sống,…
Xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não
Sau khi khám lâm sàng với bác sĩ, bệnh nhân có thể cần làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng:
Chọc dò tủy sống để lấy dịch não tủy làm xét nghiệm: Viêm màng não mủ thường có lượng glucose giảm cùng với số lượng bạch cầu và protein tăng. Các căn nguyên do virus có thể dịch não tuỷ bình thường hoặc biến đổi nhẹ. Xét nghiệm dịch não tủy cũng có thể giúp xác định căn nguyên vi khuẩn nào gây ra bệnh viêm màng não (các xét nghiệm bao gồm: nhuộm soi, nuôi cấy hay PCR để chẩn đoán).
Xét nghiệm máu nhằm đánh giá mức độ nhiễm trùng (số lượng bạch cầu, chỉ số viêm CRP, Procalcitonin,…)
Chụp CT, MRI để chẩn đoán các biến chứng của viêm màng não.
Điều trị viêm màng não
Phương pháp điều trị viêm màng não phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng của bệnh lý, đồng thời xem xét đến các yếu tố bệnh lý nền, biến chứng.
Bệnh nhân viêm màng não cần nhập viện để điều trị ngay để được bác sĩ theo dõi liên tục.
Điều trị viêm màng não dựa trên những nguyên tắc:
Điều trị nguyên nhân: cần phân biệt nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus hay nấm để sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus hay kháng nấm điều trị phù hợp.
Chống phù não, giảm áp lực nội sọ: sử dụng Dexamethasone hoặc Corticoid khác nhằm giảm sự phù nề ở mô và làm giảm áp lực nội sọ trong hệ thống dịch não thất .
Sử dụng thêm thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, chống nôn,...
Phòng bệnh viêm màng não
Viêm màng não là căn bệnh nguy hiểm, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh viêm màng não.
Tiêm phòng vaccine viêm màng não ở tuổi 11 - 12 và tiêm nhắc lại ở tuổi 16 - 18. Ngoài ra, tiêm phòng sởi, quai bị, rubella và thủy đậu cũng có thể giúp ngăn ngừa các bệnh có thể dẫn đến viêm màng não.
Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác: Viêm màng não có thể lây qua đường hô hấp hoặc tiêu hoá hoặc khi tiếp xúc với bàn tay, vật dụng, đồ dùng có nhiễm vi khuẩn của người bệnh.
Giữ khoảng cách nhất định với bệnh nhân: Vi khuẩn trong dịch tiết mũi và cổ họng cũng có thể lây lan qua ho và hắt hơi. Nên giữ khoảng cách tối thiểu 1m.
Rửa tay sạch sẽ sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng, thay tã, hoặc sau khi ở nơi đông người, ho và hắt hơi.
Ăn uống lành mạnh để bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch, bổ sung trái cây, rau, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt.